Từ yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã lập đoàn thanh tra đối với công ty Tân Hiệp Phát trong thời hạn 30 ngày, nhưng chỉ một ngày sau thì ra kết luận khẳng định không phát hiện vi phạm của công ty này.
Đoàn thanh tra làm việc như thế nào để có được kết luận như vậy? Kết luận này có vội vã theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Hùng - Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương kiêm trưởng đoàn thanh tra - nói:
- Đây là cuộc thanh tra đột xuất. Nên dù là Cục An toàn thực phẩm có chỉ đạo nhưng đoàn đi đột xuất nên chúng tôi ghi nhận theo thực tế hiện tại, việc doanh nghiệp biết trước có thanh tra và có biện pháp “đối phó” hay không, chúng tôi không biết được.
Nhân viên của công ty Tân Hiệp Phát trình diễn quy trình phát hiện vật thể lạ trong chai nước tại cuộc làm việc với đoàn thanh tra Sở Y tế Bình Dương. |
- Khi tiến hành thanh tra, đoàn có xem xét tới những trường hợp khách hàng phản ảnh trên báo chí về việc mua phải sản phẩm của Tân Hiệp Phát có dị vật?
- Những phản ảnh của người tiêu dùng tập trung vào một số dây chuyền sản xuất, nên chúng tôi kiểm tra những dây chuyền sản xuất này xem như thế nào. Trước đây tỉnh Bình Dương cũng thành lập đoàn thanh tra liên ngành.
Theo báo cáo của công ty , năm 2014 có năm đoàn thanh tra đến làm việc với Tân Hiệp Phát, gồm: đoàn thanh tra liên ngành do UBND tỉnh Bình Dương thành lập, đoàn của Cục An toàn thực phẩm, đoàn của Sở Tài nguyên và môi trường, đoàn của Tổng cục Môi trường và đoàn thanh tra chuyên ngành của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương. Các đoàn này đều không phát hiện vi phạm gì lớn.
Đối với các trường hợp khách hàng phản ảnh xảy ra ở các tỉnh thì có cơ quan pháp luật của các tỉnh đó vào cuộc rồi.
Các cơ quan pháp luật ở các tỉnh đó thụ lý từng vụ việc, nếu cần thiết thì người ta sẽ yêu cầu, hoặc cấp trên yêu cầu thanh tra... Một năm mà thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều quá thì cũng khó.
Bây giờ phân chia theo ngành hết rồi. Định kỳ thì có Chi cục An toàn thực phẩm, còn thanh tra Sở Y tế đột xuất mới đi, chúng tôi nhân lực hạn chế không thể đi thường xuyên.
- Thưa ông, tại sao quyết định thanh tra nêu thời hạn thanh tra là 30 ngày nhưng chỉ sau một ngày là có kết luận?
- Qua thanh tra chúng tôi thấy không có vấn đề gì lớn nên kết thúc luôn. Sau khi công bố quyết định thanh tra, anh em làm tới tối luôn. Luật cho phép làm tối đa 30 ngày, nếu có vấn đề gì nữa thì có thể kéo dài thời gian. Với lại cũng gần nghỉ tết rồi nên anh em gấp rút làm.
- Trong kết luận thanh tra nêu không phát hiện sai phạm gì. Vậy căn cứ nào để đưa ra kết luận trên, trong khi đoàn không lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm?
- Chúng tôi không lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm vì mẫu của người ta mới làm. Theo quy định một năm chỉ được lấy mẫu kiểm nghiệm để thanh tra hai lần, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn quy định thì một năm chỉ làm tối đa một lần.
Công ty có trưng ra được các chứng nhận đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng...
Như tôi đã nói, năm 2014 có năm đoàn kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát, nên lần này không lấy mẫu kiểm tra nữa.
- Theo chúng tôi được biết, khi đoàn thanh tra tới thì dây chuyền sản xuất chai thủy tinh ngưng hoạt động nhưng đoàn vẫn không yêu cầu chạy lại. Tại sao vậy?
- Dây chuyền sản xuất chai thủy tinh (các sản phẩm sữa đậu nành Number One Soya, nước tăng lực Number One - PV) ngưng hoạt động tại thời điểm kiểm tra, nếu cần thiết đoàn thanh tra yêu cầu doanh nghiệp chạy lại thì người ta vẫn chạy, nhưng thấy không cần thiết lắm.
Sự thật là chúng tôi không chạy lại toàn bộ dây chuyền nhưng có thử ngay tại chỗ một số công đoạn, thấy không có vấn đề gì. Chúng tôi có thử công đoạn tách những chai không đạt.
Ví dụ như các chai vẫn đi bình thường, nhưng mình bỏ các dị vật như ống hút vào thì sẽ bị đẩy ra liền. Thử hai lần (bỏ ống hút), sản phẩm lỗi đều bị loại ra.
Ông Nguyễn Tấn Hùng đọc quyết định thanh tra công ty Tân Hiệp Phát. |
- Ngay khi kết luận thanh tra được công bố, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao lại có kết luận nhanh như vậy và thời gian quá ngắn liệu có đủ để phát hiện vi phạm nếu có?
- Chuyện đó thì tùy ở công luận thôi. Đoàn thanh tra có nhiều thành phần chứ đâu phải một ngành một người đâu mà muốn làm gì thì làm, hoặc làm theo ý của nhà sản xuất.
Nếu quá trình thanh tra phát hiện dây chuyền có vấn đề gì không ổn, không đạt thì chúng tôi sẽ “truy” tiếp. Còn thanh tra thấy ổn, đạt hết thì mình “truy” cái gì bây giờ?
- Sau khi có kết luận thanh tra, đối với những trường hợp khách hàng khiếu nại sản phẩm có dị vật mà báo chí đã đăng, đoàn thanh tra có ý kiến như thế nào?
- Những cái đó chúng tôi không ý kiến được. Những cái đó liên quan trong quá trình lưu thông sản phẩm ngoài thị trường, là chức năng của các cơ quan khác như quản lý thị trường...
Diễn biến vụ “con ruồi trong chai nước”
Ngày 27/1, Công an tỉnh Tiền Giang bắt ông Võ Văn Minh (ở Tiền Giang) khi đang nhận tiền của công ty Tân Hiệp Phát. Theo báo chí, trước đó ông Minh phát hiện trong chai nước Number One có con ruồi, sau đó ông Minh liên lạc với Tân Hiệp Phát.
Hai bên thỏa thuận là Tân Hiệp Phát sẽ chi 500 triệu đồng cho ông Minh để ông này không đưa vụ chai nước có ruồi ra dư luận.
Hành vi của ông Minh bị cơ quan công an xác định có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Vụ án được khởi tố trước khi có kết quả giám định cho rằng chai nước Number One có con ruồi không còn nguyên vẹn.
Vụ việc không dừng tại đấy, một số công dân lại tiếp tục phản ảnh về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Trong đó có những người từng bị bắt tương tự như ông Minh, đặc biệt có trường hợp bị phạt tù khi nhận tiền của Tân Hiệp Phát để đổi lấy sự im lặng về sản phẩm “có vấn đề”.
Trước tình hình này, ngày 10/2 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Sở Y tế Bình Dương thanh tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với công ty Tân Hiệp Phát.
Ngày 13/2, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương công bố quyết định thanh tra trong vòng 30 ngày. Ngày 14/2 (26 tháng chạp), đoàn có kết luận thanh tra khẳng định không phát hiện được sai phạm. (LÊ THANH TÂM)