Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ký báo cáo bổ sung kết quả về việc kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của ông Đoàn Văn Đức. Việc này được thực hiện sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với việc đầu tư, xây dựng và xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM), do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.
Xác định đơn giá xử lý rác chưa có căn cứ pháp lý
Theo cơ quan này, ông Đức tiếp tục tố cáo UBND TP.HCM chi 9 triệu USD cho VWS và đơn giá bất hợp lý.
Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính nhận thấy thực tế Sở KH&ĐT trình UBND TP.HCM phê duyệt; Sở TN&MT và Công ty VWS ký hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn; Sở Tài chính, Sở TN&MT thực hiện giải ngân theo tiến độ thực hiện các công trình xây dựng và quyết toán chi ngân sách 9 triệu USD năm 2006-2007.
Về bản chất, việc này có dấu hiệu, tính chất tương tự với việc hỗ trợ đầu tư có điều kiện của Nhà nước cho chủ đầu tư là chưa đúng với quy định của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Ngân sách Nhà nước, chưa tiếp thu ý kiến Bộ KH&ĐT.
Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quân. |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay thực tế kết quả kinh doanh của Công ty VWS năm 2006-2016 và 9 tháng đầu năm 2017 như sau: Tổng doanh thu 5.334 tỷ đồng, tổng chi phí 4.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 1.100 tỷ đồng, thuế thu thập doanh nghiệp 61 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí tổng vận hành là 25,8%, cao hơn nhiều so với tỷ suất đề xuất là 3% của Công ty VWS khi giải trình về căn cứ xây dựng đơn giá xử lý chất thải rắn là 16,4 USD/tấn.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc ứng 9 triệu USD cho Công ty VWS là không cần thiết, không đúng Luật Ngân sách Nhà nước, không phù hợp với thực tế. Đó là nguyên nhân quan trọng để VWS đạt được tỷ suất lợi nhuận lớn hơn so với doanh thu, so với vốn sở hữu. Cách xác định đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn là chưa có căn cứ pháp lý, không thực tế, không được cơ quan tài chính thẩm định là vi phạm quy định pháp luật.
Thanh tra Chính phủ thống nhất với các nhận xét của Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước. "Như vậy, nội dung tố cáo này của công dân là đúng", báo cáo nêu.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm cách không xa Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và trung tâm TP. |
Liên quan đến nội dung tố cáo, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM khẩn trương ký kết lại hợp đồng giao, nhận, xử lý chất thải rắn ngày 28/2/2006 để khắc phục triệt để các tồn tại phát hiện qua kiểm tra, xác định đơn giá, phương án tài chính theo đúng quy định pháp luật. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thanh tra Chính phủ cũng thống nhất với kiến nghị của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính nêu thêm vai trò của lãnh đạo UBND TP.HCM và các cá nhân chịu trách nhiệm trong xử lý vụ việc này.
Làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái
Trước đó, ngày 17/2, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân liên quan đến khu xử lý rác thải Đa Phước. Theo đó, có 2 nội dung tố cáo đúng, 4 nội dung tố cáo đúng một phần, 1 nội dung tố cáo sai, 1 nội dung đang chờ kết luận của Chính phủ.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, khoản tiền 9 triệu USD là chi phí xử lý rác mà thành phố trả trước cho nhà đầu tư, đồng thời để làm giảm chi phí xử lý rác lẽ ra là 17,7 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn.
TP.HCM cho rằng đây không phải là số tiền thành phố hỗ trợ cho nhà đầu tư. Việc ứng tiền sẽ được thực hiện theo lộ trình tương ứng với kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng cầu vào khu liên hợp, san lấp nền, đê bao chống lũ... mà nhà đầu tư cam kết thực hiện.
Việc ứng trước 9 triệu USD để xử lý rác thải ở Đa Phước là không đúng luật. Ảnh: Lê Quân. |
Thanh tra Chính phủ cho rằng Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc này là "chưa phù hợp luật Ngân sách Nhà nước" nhưng Kiểm toán Nhà nước chưa xử lý dứt điểm. Vì thế, Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức thực hiện nội dung này theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi có báo cáo kết luận của Bộ Tài chính.
Sau khi nhận được báo cáo, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định có hay không việc cố ý làm trái quy định, vi phạm luật Ngân sách Nhà nước trong việc UBND TP.HCM ứng trước cho Công ty VWS 9 triệu USD triển khai dự án này.