Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh tra Chính phủ báo cáo về buổi đối thoại với dân Thủ Thiêm

Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá so với các cuộc tiếp xúc trước đây, buổi đối thoại vừa qua "tốt hơn rất nhiều". Tuy nhiên, ông thừa nhận cuộc đối thoại chưa đi được đến cùng.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 2/12, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo Thủ tướng về tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua. Đồng thời, ông Khái cũng thông tin với Chính phủ về cuộc đối thoại với người dân Thủ Thiêm vừa diễn ra.

Đạt được nhiệm vụ chính trị

Báo cáo Thủ tướng, ông Khái cho biết vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đối thoại với một số người dân có khiếu nại về ranh quy hoạch tại 5 khu phố 3 phường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Nội dung đối thoại chủ yếu là xác định ranh quy hoạch, còn chính sách đền bù, bồi thường, tái định cư thì giải quyết cụ thể với từng hộ dân chứ không thể gói chung chung được", ông Khái báo cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá so với các cuộc tiếp xúc trước đây, buổi đối thoại vừa qua "tốt hơn rất nhiều". Các cơ quan, đơn vị phối hợp tốt nên an ninh trật tự được đảm bảo.

"Trong cuộc đối thoại này, theo báo cáo hiện nay, nói là thành công thì tôi chưa đánh giá, nhưng nhiệm vụ chính trị là đạt được. Trật tự, quy chế chặt chẽ, có người nói có người nghe", lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhận định.

Khu do thi moi Thu Thiem anh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Hải Quân.

Ông Khái cho rằng buổi đối thoại thể hiện được nội dung chính trị là tiếp dân, gần dân, ghi nhận, tiếp thu ý kiến hợp pháp, hợp lý của người dân. Tuy nhiên, cuộc đối thoại chưa đi đến cùng mà chỉ ghi nhận để sau đó cùng các bộ, ngành rà soát với Thủ tướng và các phó thủ tướng, đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, mâu thuẫn chủ yếu giữa người dân và cơ quan chức năng vẫn nằm ở bản đồ quy hoạch. Do thiếu sót trong quá trình làm, điều chỉnh, lưu trữ, UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng không đưa ra được bản đồ người dân yêu cầu. Trong khi bản đồ mà tổ công tác căn cứ để xác định ranh quy hoạch thì không được người dân công nhận.

Do vụ việc rất phức tạp, Tổng Thanh tra Chính phủ xin chỉ đạo của Thủ tướng để thống nhất giải quyết vấn đề.

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ đề xuất để giải quyết vụ Thủ Thiêm, cần giao một cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước kiểm tra lại bản đồ. Trong quá trình từ lúc vẽ, điều chỉnh rồi trình lại bản đồ cuối cùng, việc lưu trữ không được làm chặt chẽ nên phải thẩm định lại. Từ đó, báo cáo người có thẩm quyền quy hoạch để công nhận bản đồ. Đó là cách làm thuyết phục nhất.

Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ căn cứ vào cơ sở pháp lý và được Thủ tướng nhất trí, kết luận, thì mới có thể giải quyết dứt điểm những khiếu kiện tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

61% khiếu nại về đất đai

Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, số lượng người dân đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại giảm 4%. Số vụ việc khiếu nại tố cáo giảm 11,1%. Tuy nhiên, số đơn tăng 1,6%. Trong số đơn này, đơn khiếu nại giảm 5,8% và đơn tố cáo tăng 20,5%.

Trong giai đoạn các cấp tiến hành Đại hội Đảng, tình hình tố cáo, đặc biệt nhắm vào cá nhân, tăng lên. Trong khi đó, khiếu nại giảm.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, bên cạnh sự chỉ đạo của Trung ương, UBND cấp tỉnh cũng trực tiếp chỉ đạo nhiều vụ việc, tăng cường phối hợp các cơ quan trong hệ thống nên tình hình khiếu nại giảm.

Tuy nhiên, khiếu nại về đất đai vẫn chiếm khoảng 61%. Tố cáo trong lĩnh vực hành chính là 64,8%. Theo ông Khái, để giải quyết 2 lĩnh vực này, các cơ quan hành chính phải thực hiện đúng quy định pháp luật khi ra quyết định hành chính để hạn chế phát sinh khiếu nại tố cáo mới.

Khu do thi moi Thu Thiem anh 2

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Về tình hình khiếu nại đông người, trong 2019, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an và một số bộ, ngành và xác định hơn 460 vụ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tổ công tác do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng đã được thành lập để giải quyết vụ việc phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

Sau khi thành lập, tổ công tác xác định hướng dẫn, chỉ đạo, giải quyết 35 vụ việc trong 460 vụ kể trên. Đó đều là những vụ việc phức tạp kéo dài, điển hình như vụ Thủ Thiêm tại quận 2, Khu công nghệ cao quận 9 (đều thuộc TP.HCM). Từ khi thành lập đến nay, tổ công tác đã làm việc với 10 tỉnh và chỉ đạo giải quyết 24/35 vụ.

Nhận định về vấn đề khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng cho rằng mục tiêu là giảm tối đa vụ khiếu kiện, từng vụ việc một, giải quyết có lý có tình những trường hợp cụ thể.

Người dân Thủ Thiêm muốn được đối thoại với Ủy ban Pháp luật của QH

Cử tri Thủ Thiêm cho rằng buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ vừa qua chưa làm sáng tỏ vấn đề và mong muốn được đối thoại với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm