Bắt kịp xu thế thanh toán hiện đại, người trẻ Việt thời nay có thể tự tin ra đường dù “không xu dính túi”. Tất cả nhờ sự tiện lợi, nhanh chóng của việc quét mã QR bằng các ứng dụng tài chính.
Nhắc đến thế hệ nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế hiện đại, không thể bỏ qua những người trẻ Millennials hay Gen Z. Sinh ra trong thời đại tiên tiến, cuộc sống gắn liền với công nghệ giúp Gen Z dễ dàng tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại, khác hẳn thời "ông bà anh".
Không phải tiền mặt, quét mã QR mới là nhân vật chính trong hầu hết giao dịch. Mua sắm - quét mã QR, chia tiền ăn - quét mã QR và đến việc mừng đám cưới cũng chỉ mất 1 giây để quét mã gửi tiền mừng.
Năm 2015, một bài báo trên TechCrunch đã gọi mã QR là “sự bực bội” và “trò cười”. Thời điểm đó, nhiều thương hiệu nhận định mã này là một mánh lới quảng cáo hay chiêu trò tiếp thị thay vì mang đến giá trị thực tế, nên đã dán mã QR ở bất cứ đâu và thậm chí xăm chúng lên cơ thể. Sự xuất hiện “vô duyên” không đúng lúc, đúng chỗ đã khiến mã QR bị xem nhẹ.
Tuy nhiên, đến năm 2017 mọi thứ đã thay đổi. Các nhà sản xuất điện thoại bắt đầu tích hợp trình quét mã QR vào máy ảnh để người dùng không cần tải xuống ứng dụng. Nhiều ngành công nghiệp từ ôtô đến thời trang, điện máy… nhận ra lợi ích của mã QR trong việc lưu trữ dữ liệu và truyền đi thông tin, nên đã dùng nó để quản lý sản phẩm, tương tác với khách hàng hay đặc biệt là thanh toán.
Việc thanh toán qua mã QR ngày càng trở nên phổ biến, một phần do khả năng bảo mật thông tin. Theo đó, khi lựa chọn hình thức thanh toán này, khách hàng không cần nhập thông tin cá nhân như số tài khoản, số thẻ… vốn được coi là những thông tin rất dễ bị các hacker khai thác. Ngoài ra, làn sóng thanh toán không tiền mặt mạnh mẽ trong vài năm gần đây cũng giúp mã QR được ưa chuộng và trở nên phổ biến.
“Từ khi có mã QR, tôi chỉ cần mở ví điện tử quét mã và xác nhận thanh toán là xong. Chỉ với chiếc điện thoại, tôi vẫn có thể tự tin đi ăn, đi chơi bình thường, vì giờ đa phần ở đâu cũng cho quét mã”, Việt Hưng (25 tuổi, TP.HCM) - một người trẻ từ lâu đã không còn tiêu tiền mặt - chia sẻ.
Thực tế, hình ảnh tự tin dù “không xu dính túi” không hiếm trong cộng đồng người trẻ, khi mã QR dần trở thành phương thức chi trả phổ thông. Nhiều người cho biết họ tự tin để ví ở nhà khi đi chơi, bởi phương thức thanh toán chính của họ là quét mã qua điện thoại.
Theo Việt Hưng, thói quen quét mã QR của anh hay rất nhiều bạn bè Gen Z không phải trào lưu nhất thời, mà là hành động bắt kịp xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số. Khi cả xã hội khuyến khích "nói không với tiền mặt", những người trẻ như Việt Hưng cũng không đứng ngoài cuộc. Từ việc thử nghiệm cái mới để bắt kịp số đông, người trẻ dần "nghiện" quét mã QR lúc nào không biết.
Không riêng Hưng, nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ mã QR đã len lỏi vào đời sống thường nhật của họ, theo cách rất tự nhiên.
Theo Thùy Dương (23 tuổi, TP.HCM), ra đường chỉ cần một chiếc smartphone, có thể mua cả thế giới là có thật. Bởi mã QR không chỉ xuất hiện ở những cửa hàng, quán ăn lớn mà còn dễ dàng bắt gặp ở chiếc xe bán bánh mì, quán cà phê ven đường hay quầy thực phẩm ngoài chợ.
“Ngày nào đi làm, tôi cũng nhìn thấy mã QR nhận tiền của MoMo dán ngay góc mấy chiếc xe bán bánh mì, xe kem hay xe nước giải khát trước cổng công ty. Hỏi ra tôi mới biết các xe hàng rong từ lâu đã nhận thanh toán bằng mã QR để không mất thời gian trả lại tiền lẻ. Tôi nhận ra không phải mình đi trước thời đại, mà mã QR giờ đã quá phổ biến”, Dương nói thêm.
Các xe bán rong đã vậy, với những hàng quán có mặt bằng, mã QR càng được ứng dụng rộng rãi và chuyên nghiệp. Dọc đường Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) và Triều Khúc (quận Thanh Xuân) tại Hà Nội, những ngày này, người dân dễ dàng bắt gặp hình ảnh mã QR nhận tiền của MoMo phủ hồng cả con phố. Ngoài ra, mã QR còn trở thành phương thức tiếp nhận quyên góp trong các dự án cộng đồng, đơn cử như “One Book One Coffee - Đổi sách lấy tách cà phê”. Theo đó, bên cạnh sách cũ, mọi người có thể quét mã QR nhận tiền của dự án để quyên góp xây dựng tủ sách cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa.
Mới đây, Thùy Dương không khỏi thích thú khi nhìn thấy mã QR được in đầy tinh tế trên thiệp mời cưới của một người bạn. Nhờ đó, những ai không thể tham dự tiệc vẫn có thể dễ dàng gửi tiền mừng mà không cần nhờ bạn bè “bỏ phong bì”.
Trong tiệc cưới, mã QR cũng được đặt tinh tế bên cạnh thùng tiền mừng. Cách này giúp khách tham dự tiết kiệm thời gian, “quẳng gánh lo” nếu lỡ quên chuẩn bị tiền mặt. Cô dâu và chú rể cũng thuận tiện hơn trong khâu kiểm soát ai mừng và số tiền bao nhiêu.
Quét mã QR mừng cưới không chỉ cho thấy sự hiện đại trong những đám cưới 4.0, mà còn minh chứng cho tính cá nhân hóa được ứng dụng triệt để trong từng mã vạch. Và trong các ứng dụng thanh toán đi đầu với việc cá nhân hóa mã QR cho người dùng, không thể không kể đến MoMo.
Tiên phong thúc đẩy thanh toán di động và không dùng tiền mặt, MoMo đã sớm thâm nhập sâu vào đời sống, trở thành ứng dụng không thể thiếu trong điện thoại của mỗi người. Dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu và thói quen của người Việt, các tính năng chuyển tiền, thanh toán quét mã QR của MoMo đều được chăm chút kỹ lưỡng, cải tiến không ngừng để tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng.
Theo đó, để tối giản thao tác giao dịch, MoMo cập nhật tính năng “QR nhận tiền” và “QR thanh toán” tại màn hình chính.
Các mã QR này đều được MoMo định danh cho từng cá nhân, không mã nào trùng lặp và được bảo mật ở mức cao nhất. Để tăng tính cá nhân hóa, MoMo cho phép người dùng tự do sáng tạo mã QR theo cá tính riêng. Dự kiến, đầu tháng 12, MoMo đã cập nhật và bổ sung tính năng thông báo nhận tiền bằng âm thanh giọng nói (Sound Notification).
Với các mã QR được cá nhân hóa, mỗi người có thể giản lược việc cung cấp số điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng cho người khác khi muốn nhận tiền, từ đó hạn chế tối thiểu tình trạng chuyển nhầm.
Hào hứng với trải nghiệm sáng tạo mã QR của riêng mình trên MoMo, Việt Hưng cho biết: “Thông qua MoMo, tôi mới biết đến ‘hội những người chơi hệ mã QR’ và đã rủ mấy đứa bạn tham gia. Trước nay tôi vẫn nghĩ mã QR được mã hóa mặc định, không thể thay đổi về giao diện, hình thức. Nhưng hóa ra trên MoMo, mỗi người đều có thể tạo ra mã QR mang màu sắc riêng, đảm bảo không đụng hàng. Đây là điểm tôi rất thích vì bản thân vẫn thường gửi mã QR cá nhân cho đám bạn khi cần”.
Vài năm trở lại đây, làn sóng thanh toán không tiền mặt đã trở nên mạnh mẽ tại Việt Nam. Dữ liệu công bố của hãng nghiên cứu thị trường Statista chỉ ra Việt Nam thuộc top 3 quốc gia có tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động cao và dự báo lĩnh vực này tiếp tục gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đến 30,2% trong giai đoạn 2020-2027. Với sự tiện lợi, nhanh chóng, thanh toán/chuyển trả bằng mã QR hứa hẹn ngày càng phổ biến trong đời sống sinh hoạt lẫn kinh doanh của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.