Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phê duyệt đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM giai đoạn 2020-2035.
Đề án này chia giai đoạn phát triển của TP Thủ Đức thành 4 khoảng thời gian gồm: Khởi tạo (2019-2020), triển khai (2021-2023), phát triển (2023-2030) và hoàn thiện (2030-2040).
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2020-2025 của TP Thủ Đức, Sở Quy hoạch - Kiến trúc ước tính nhu cầu vốn Nhà nước cần thiết là hơn 41.660 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất với 30.000 tỷ đồng. TP này cần hơn 6.400 tỷ đồng được đầu tư cho hạ tầng chống ngập; 4.400 tỷ đồng được đầu tư cho chuyển đổi số; 550 tỷ đồng phục vụ nhu cầu kích cầu một số dự án các ngành, nghề kinh tế sáng tạo và hơn 288 tỷ đồng phục vụ nghiên cứu quy hoạch, dự án, các quy định, chính sách.
Theo tính toán, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông ở TP Thủ Đức chiếm tỷ lệ lớn nhất với 30.000 tỷ đồng. |
Theo bản đề án, trong giai đoạn khởi tạo, TP Thủ Đức cần thành lập cơ quan quản lý - chính quyền đô thị và xây dựng những cơ chế đặc thù, bộ tiêu chí, công cụ quản lý.
Đích đến cuối cùng của đề án là giai đoạn hoàn thiện đơn vị hành chính mới hướng tới mục tiêu các nhà đầu tư có thể mở rộng để phát triển những kế hoạch vươn tầm quốc tế, giữ chân nhân tài trong nước.
Mục tiêu của đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM hướng tới mục tiêu quy mô dân số 2,4-3 triệu người năm 2060. Giao thông công cộng có nhiệm vụ đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của cư dân TP Thủ Đức.
Đặc biệt, TP Thủ Đức trong tương lai hướng tới việc đảm bảo chống ngập với tần suất 80% (tức 5 năm mới ngập một lần). Nhà khởi nghiệp cùng công dân trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận việc làm, mạng lưới tư vấn, hỗ trợ để thúc đẩy ý tưởng, khả năng sáng tạo.