Nghĩa Ô (Yiwu), một thành phố thương mại không mấy duyên dáng tại miền Nam Trung Quốc, không có tuyết rơi hay những chú yêu tinh. Nhưng đến với Nghĩa Ô, người ta có thể cảm nhận được không khí Noel không khác gì Bắc Cực. Những con phố thương mại rộn ràng nơi đây ngập tràn, sầm uất các cửa tiệm bán mọi mặt hàng phục vụ cho Giáng sinh: những cây thông nhỏ, tuần lộc đồ chơi, vòng hoa lấp lánh, và những bóng đèn nhấp nháy, rực rỡ sắc màu.
Mua sắm cho dịp Giáng sinh ở Nghĩa Ô. Ảnh: Bloomberg. |
Các cửa hiệu được trang trí đầy những vòng hoa, nhành cây mang chủ đề Giáng sinh, và hàng hóa thường xuyên tràn ra vỉa hè. Điều này nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của các du khách từ Mỹ và các quốc Tây phương khác.
Không ai muốn là người đầu tiên
Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào được cho là sẽ đóng vai kẻ phá đám, cướp đi niềm vui Noel từ trung tâm xuất khẩu hàng lễ hội cách Thượng Hải 175 dặm về phía Tây Nam này. Tuy nhiên, dường như sức mạnh về lâu dài của toàn cầu hóa cùng chuỗi cung ứng đang là bên chiến thắng.
“Những đơn đặt hàng cho Giáng sinh từ Mỹ khá tốt. Tôi không thực sự quan tâm ông Trump đang làm gì. Nó không ảnh hưởng đến chúng tôi.” Hong Feihong, chủ cửa hàng Ziru Christmas Crafts chia sẻ.
Những ngọn đèn lung linh, những xe trượt tuyết cỡ lớn hay những tạp dề in hình Bà già Noel, những vật trang trí tươi vui đã tạo nên một ngành công nghiệp trị giá 5,6 tỷ đôla tại Trung Quốc. Không có một quốc gia nào khác tồn tại chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng để sản xuất hàng hóa cho mùa Giáng sinh với số lượng lớn như thế.
Tổng thư ký Hiệp hội ngành Công nghiệp Hàng hóa Giáng sinh Nghĩa Ô, Chen Jinlin cho biết tính trên toàn quốc, các nhà sản xuất thuộc khu vực Nghĩa Ô làm ra đến 70% lượng sản phẩm Giáng sinh đem xuất khẩu.
Một cửa hàng bán đầy đồ trang trí Giáng sinh. Ảnh: Bloomberg. |
Sự tập trung tài năng cũng như nguồn lực là lý do chính khiến cho các nhà bán lẻ toàn cầu gắn kết với các bên cung cấp ở Nghĩa Ô, bất chấp mức thuế 10% mà Mỹ đã áp lên đèn Noel và giấy gói quà do Trung Quốc sản xuất. Và cho dù nó có thể tăng lên mức 25% vào 1 tháng 1 tới đây, các nhà bán lẻ cũng không chuyển sang mua hàng từ quốc gia khác.
“Không một người chơi nào muốn làm người đầu tiên rời khỏi hệ sinh thái đó. Và vì không ai muốn là người đầu tiên, nên chuyện ‘đổi sân’ không xảy ra.” Michael McCool, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn AlixPartners LLP, cho hay.
Do 90% số đèn Giáng sinh mà Mỹ nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc nên đây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất trong danh sách 5745 sản phẩm bị đánh thuế bởi chính quyền Trump. Năm ngoái, Mỹ đã nhập 419 triệu USD các loại đèn và 2,3 tỷ USD các mặt hàng Giáng sinh khác từ Trung Quốc, theo dữ liệu của United Nations Comtrade.
Xuất khẩu hàng Giáng sinh Trung Quốc đi các nước. Ảnh: UN Comtrade. |
Wang Chaoyi, chủ sở hữu của Taizhou Huanyu Lighting, nói rằng ông không quá lo lắng về thuế quan.
Thay vì bán riêng lẻ các dây đèn nhỏ, nay ông gắn chúng với nhau, tạo thành các vật phẩm Giáng sinh lớn hơn. Do đó, giá tốt nhất ông có thể thu được vào khoảng 5,9 Nhân dân tệ cho 9,3 mét dây đèn, hoặc gần 1 USD cho 9,14 mét để bán cho những doanh nghiệp lân cận dùng làm vòng hoa, trang trí cây,…Những mặt hàng có giá cao hơn trong dịp lễ này thường dành cho các nhà bán lẻ lớn của Mỹ.
Chuỗi cung ứng đặc biệt
Wang dự đoán người Mỹ sẽ chi nhiều hơn cho đèn đóm, bởi các cửa hàng đâu còn sự lựa chọn nào tiết kiệm hơn.
“Họ không thể kiếm những vật cụ này ở bất kỳ nơi nào khác. Lợi thế của chúng tôi nằm ở việc có thể bán nhiều mặt hàng cùng với nhau, giúp duy trì mức giá vì người tiêu dùng không còn nhiều lựa chọn.”, Wang đề cập đến ích lợi từ chuỗi cung ứng.
Một doanh nghiệp nhỏ như Taizhou Huanyu, với 20 công nhân và doanh thu hàng năm dưới 10 triệu Nhân dân tệ (tương đương 1,44 triệu USD) được hỗ trợ bởi tập hợp các doanh nghiệp nhỏ khác: một nhà cung cấp bóng đèn, một nhà cung cấp sợi dây, và một doanh nghiệp phủ nhựa cho dây đèn.
Khi Wang có những thay đổi cho thiết kế cũng như màu sắc, mỗi nhà cung cấp sẽ tự điều chỉnh, xác định địa điểm và gửi vật liệu mới đến.
“Đây có thể là một công đoạn đặc biệt, giải thích lý do tại sao nó cần phải được thực hiện trực tiếp và phụ thuộc nhiều vào việc mọi người làm việc tại những địa điểm gần nhau. Thật khó để đạt được kết quả tương tự nếu làm điều này tại Việt Nam.”, Michael McCool nhận định.
Đối với các nhà sản xuất đồ chơi cũng vậy. Trong những năm gần đây, họ đã thử chuyển khâu sản xuất đến các nhà máy chi phí thấp ở Ấn Độ và Indonesia. Nhưng hầu hết trong số đó đã trở lại Trung Quốc, nơi vật liệu thô, nguồn nhân công, giao thông vận tải, và ổn định chính trị đã được thiết lập rõ ràng.
Xưởng làm cây thông nhân tạo tại Nghĩa Ô. Ảnh: Bloomberg. |
Trong cuộc tranh luận tại Mỹ về thuế quan vào đầu năm nay, những nhà bán lẻ gồm Walmart, Dollar Tree và Ace Hardware đã kiến nghị lên chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu đưa đèn Giáng sinh ra khỏi danh sách áp thuế.
“Theo những gì chúng tôi biết, những mặt hàng này không sẵn về bình diện kinh tế cũng như thương mại ở những nơi khác ngoài Trung Quốc.”, trích lá thư mà tập đoàn Ace Hardware đã gửi đến đại diện thương mại Mỹ vào ngày 5 tháng 9.
Những ngọn đèn Giáng sinh có thể có hoặc có thể không xuất hiện trong tuần tới nếu ông Trump đồng ý trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du của cả hai đến Hội nghị G20 tại Buenos Aires từ 30/11 đến 1/12. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa đến sản xuất toàn cầu với những sự hiệu chỉnh triệt để. Hun Quach, phó chủ tịch thương mại quốc tế của Hiệp hội các nhà lãnh đạo bán lẻ, cho rằng để cải tiến một chuỗi cung ứng khả thi sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Trung Quốc đã thành thục các công việc công nghệ thấp, kỹ năng thấp, tuy nhiên vẫn đòi hỏi cần có một hệ thống lồng ghép các nhà cung ứng vật liệu và các nhà sản xuất lại với nhau. Đó là lí do vì sao việc sản xuất ồ ạt, hàng loạt sẽ chưa vội xảy ra ngay cả khi ông Tập có được những ngành công nghiệp công nghệ và tự động hóa có giá trị cao hơn.
Một người thợ tại Nghĩa Ô. Ảnh: Bloomberg. |
Lễ Giáng sinh trên khắp thế giới còn đem đến cho những doanh nhân ở Nghĩa Ô lợi thế khi thương lượng với khách hàng.
“Nếu giá tôi đưa không vừa ý họ, tôi luôn có thể bán cho khách mua từ nước khác. Tôi lo lắng về việc không sản xuất đủ cây để bán còn hơn là không thể bán chúng.”, Ji Jingsen, chủ công ty Bosen Gongyi chuyên sản xuất cây nhân tạo trong 18 năm, chia sẻ.
Những yêu cầu về mẫu mã hàng năm từ phía nhà bán lẻ cũng đem lại cho Nghĩa Ô những điều kiện thuận lợi nhất định. Những thứ bán chạy nhất năm nay mang những gam màu gần gũi với thế hệ Y như hồng nhạt hay bạc hà, Hong từ công ty Ziru Christmas Crafts cho biết. Và những sự thay đổi như vậy cần một sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên với nhau trong chuỗi cung ứng. Những cây thông nhỏ màu hồng, với những bông tuyết và những hạt sồi đòi hỏi 3 nhà cung cấp điều chỉnh theo yêu cầu của Hong. “Không dễ gì để hoàn thiện một cái cây nhỏ như thế. Mỗi phần đến từ một nhà máy khác nhau.”, Hong cho hay.
Thử thách từ thị trường nội địa
Thách thức duy nhất đối với các nhà máy ở Nghĩa Ô có thể đến từ thị trường địa phương. Đa số người Trung Quốc không tổ chức lễ Giáng sinh, đồng nghĩa với việc ít có nhu cầu phát sinh từ nội địa.
Bên cạnh đó, năm ngoái, ông Tập đã khuyến khích người dân nên tự tin hơn nữa về bản sắc văn hóa Trung Hoa.
Vì thế, các nhà máy ở Nghĩa Ô đều đang cố gắng đi trước một bước. Wang đang thử nghiệm với một số thiết kế ánh sáng, ông cho rằng chúng có thể giúp đa dạng hóa dòng doanh thu.
Một số mẫu mã cho những dịp lễ khác đang dần xuất hiện: bí ngô mặt quỷ cho Halloween, đèn lồng đỏ cho Tết Nguyên Đán. Nhưng hiện tại, Giáng sinh vẫn giữ “ngôi vương” tại Nghĩa Ô.