Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thành phố lớn nhất Australia giã từ 'Zero Covid-19', châu Á dõi theo

Những gì xảy ra tiếp theo ở Australia sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia châu Á về cách chuyển đổi từ chiến lược Zero Covid-19 sang sống chung với dịch.

Australia song chung voi Covid-19 anh 1

Melanie McTighe và cha cô (92 tuổi) sống cùng một thành phố ở Australia, nhưng họ đã không thể gặp nhau trong gần 4 tháng. Điều đó đã thay đổi vào đầu tuần này khi Sydney, thủ phủ bang New South Wales (NSW), bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Từ ngày 11/10, hơn 70% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ trong thành phố có thể trở lại các nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục. Nhiều người như McTighe giờ đây có thể đoàn tụ với người thân yêu sau nhiều tháng xa cách.

Tuy nhiên, “sự tự do" này đi cùng với những thách thức. Mô hình dự đoán cho thấy Sydney có thể chứng kiến thêm ​​hàng nghìn ca mắc và tử vong vì Covid-19, theo CNN.

Chiến lược Zero Covid-19 kết thúc

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Australia nổi lên là một trong số ít quốc gia lớn kiểm soát tốt Covid-19. Bằng cách đóng cửa biên giới và thực hiện phong tỏa kéo dài, Canberra đã có thể tránh được các đợt bùng phát ca nhiễm quy mô lớn.

Nhưng vào tháng 6, ổ dịch liên quan đến biến chủng Delta ở Sydney đã làm thay đổi cục diện. Kế hoạch tiêm chủng chậm trễ, một phần do hạn chế nguồn cung, khiến người dân dễ nhiễm bệnh đã buộc các nhà chức trách phải tiến hành phong tỏa.

Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm vẫn tăng lên. Điều đó cho thấy biện pháp giữ người dân trong nhà không còn bền vững, trên cả khía cạnh kinh tế và sức khỏe tâm lý.

“Tôi thừa nhận rằng với biến chủng Delta, phong tỏa không phải là cách chiến thắng trong cuộc chiến", Mary-Louise McLaws, giáo sư dịch tễ học tại Đại học New South Wales, cho biết.

Australia song chung voi Covid-19 anh 2

Thực khách ngồi tại quán ăn ở Sydney vào ngày 11/10, sau khi thành phố gỡ lệnh phong tỏa. Ảnh: Shutterstock.

Các nhà chức trách Australia đã tìm kiếm con đường khác để đưa quốc gia ra khỏi “vũng bùn” đại dịch. Đó là tiêm chủng.

Tuần trước, NSW trở thành tiểu bang đầu tiên đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số. Các tiểu bang khác dự kiến ​đạt được con số đó trong những tuần tới. Và vào cuối năm nay, toàn bộ quốc gia này ​​sẽ mở cửa.

Trong hơn 18 tháng, Australia đã đóng cửa biên giới với thế giới và áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để dập dịch. Giờ đây, nước này đang “vươn mình” ra khỏi đó và cố gắng sống chung với virus, theo CNN.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chiến lược mới vẫn có những rủi ro tiềm ẩn và một số nhóm trong xã hội đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn những người khác.

Những nguy cơ khi mở cửa

Kế hoạch mở cửa trở lại của Australia được xây dựng dựa trên tổng tỷ lệ tiêm chủng cho dân số trưởng thành ở mỗi bang, nhưng số liệu thống kê cho thấy việc tiêm vaccine không đồng đều.

Theo số liệu của chính phủ, ở một số khu vực ngoại ô của Sydney, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ ở mức 30%.

Nhóm người bản địa Australia cũng đi sau trong kế hoạch chủng ngừa. Tính tới ngày 6/10, chưa đến một nửa số người bản địa trên 15 tuổi ở miền Trung NSW được tiêm chủng đầy đủ. Đó là một vấn đề vì người bản địa nói chung thường mắc các bệnh mạn tính, khiến họ có nguy cơ bị biến chứng Covid-19 cao hơn.

Tỷ lệ tiêm chủng ở người trẻ cũng cần được lưu tâm. Ở NSW, chỉ có 58% người từ 16-29 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Đây là con số thấp nhất so với các nhóm tuổi khác, ngoài trẻ em từ 12-15 tuổi - nhóm đối tượng mới chỉ tiếp cận vaccine gần đây.

Bà McLaws đánh giá người trẻ tuổi có khả năng là những người đầu tiên ra ngoài hưởng “tự do" khi mở cửa trở lại. Vì vậy, việc đảm bảo họ được tiêm chủng đầy đủ đặc biệt quan trọng.

Bà cho biết tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm này có thể châm ngòi cho dịch Covid-19 với khả năng lây lan như “một đám cháy rừng”.

"Người trẻ tuổi sẽ bắt đầu nhóm lửa, sau đó dịch lan ra những nhóm có nguy cơ khác là đối tượng dễ bị tổn thương và dân bản địa", bà nói.

Australia song chung voi Covid-19 anh 3

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Dubbo, Australia. Ảnh: AFP.

Cách hệ thống y tế đối phó với ca bệnh mới khi Australia mở cửa cũng được nhiều người đặt câu hỏi. Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đã giúp Australia tránh được tình trạng hỗn loạn từng xảy ra ở nhiều nước khác vào năm 2020.

Tuy nhiên, mặc dù có thêm 18 tháng chuẩn bị, các nhóm y tế cảnh báo hệ thống bệnh viện NSW có thể vẫn không đủ khả năng đối phó với sự gia tăng ca mắc.

Vào tháng 9, Hiệp hội Y tá và Hộ sinh NSW đã thúc giục chính quyền tiểu bang tăng nhân sự. Theo CNN, một nghiên cứu cho thấy hệ thống y tế bang này chịu áp lực ngay cả trước đợt bùng phát dịch mới nhất.

Hôm 7/10, sau khi tân Thủ hiến NSW Dominic Perrottet thông báo đẩy nhanh kế hoạch mở cửa, Omar Khorshid, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Australia, đã kêu gọi các nhà chức trách không nên "liều lĩnh".

“Hậu quả của việc mở cửa quá nhanh hoặc quá sớm là những cái chết đáng lẽ có thể tránh được và các biện pháp phong tỏa, hạn chế bị áp đặt một lần nữa”, ông nói.

"Sydney phải tận dụng cơ hội này để cho phần còn lại của đất nước thấy được cách sống chung với Covid-19 trong khi vẫn đảm bảo chăm sóc sức khỏe", ông Omar Khorshid nói thêm.

Số ca mắc tăng là điều không thể tránh

Australia đang bắt đầu quá trình chuyển đổi từ Zero Covid-19 sang sống chung với virus nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Và nước này không phải là quốc gia đầu tiên trong khu vực làm như vậy.

Vào tháng 6, chính phủ Singapore tuyên bố sẽ tập trung giảm tỷ lệ các ca nhập viện và tử vong, thay vì tỷ lệ nhiễm bệnh. Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 83% dân số được tiêm hai mũi vaccine.

Nhưng sau khi bắt đầu nới lỏng hạn chế, nước này chứng kiến ​​số ca mắc Covid-19 tăng mức cao nhất kể từ đầu dịch. Vào đầu tháng 10, Singapore đã áp đặt lại một số hạn chế để giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế.

Australia cũng dự đoán số ca bệnh sẽ tăng lên. Đó là điều không thể tránh khỏi khi các cơ sở, địa điểm đông người hoạt động trở lại, ngay cả khi người dân tuân thủ những biện pháp như đeo khẩu trang.

Australia song chung voi Covid-19 anh 4

Khách hàng xếp hàng chờ trước một cửa hàng cắt tóc ở trung tâm thành phố Sydney. Ảnh: Reuters.

Theo Viện Doherty, nơi nghiên cứu mô hình dịch, với việc áp dụng "các biện pháp y tế công cộng một phần" và tỷ lệ tiêm chủng đẩy đủ 70%, số ca mắc có thể tăng lên 385.000 trong 6 tháng. Con số này còn cao hơn tổng số trường hợp được ghi nhận trong suốt đại dịch ở Australia tính đến nay.

Tuy nhiên, trước khi mở cửa, chính phủ nước này đã cảnh báo trước cho người dân về sự gia tăng ca mắc và tử vong. Họ coi đó là cái giá phải trả để trở lại cuộc sống bình thường.

“Tôi không nghĩ số ca mắc là thước đo quan trọng”, Paul Griffin, Giám đốc Bệnh truyền nhiễm tại Dịch vụ Y tế Mater, cho biết "Tôi cho rằng các ca nhập viện cần chăm sóc đặc biệt và tỷ lệ tử vong mới là ‘dấu mốc' của một đại dịch nghiêm trọng".

“Nếu các bệnh viện bị quá tải bởi trường hợp nhiễm và không thể duy trì hoạt động bình thường một cách an toàn, đó mới là dấu hiệu ‘cờ đỏ' cảnh báo nguy hiểm”, ông nói thêm.

Sydney kết thúc 106 ngày phong tỏa

Quán bar và phòng máy đánh bạc mở cửa sớm ngay từ khi Sydney vừa bước sang ngày mới để chào đón khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ. Các cửa tiệm làm tóc cũng nhanh chóng phục vụ.

Châu Á thận trọng mở cửa dù chiến dịch tiêm chủng khả quan

Dù tỷ lệ người dân được tiêm chủng ngày càng cao, nhiều nước châu Á vẫn thận trọng mở cửa theo lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh.

Minh An

Bạn có thể quan tâm