Zing.vn lược dịch phóng sự của tác giả David Barboza, viết về quá trình thâm nhập Trung Quốc của Apple, thông qua đối tác cung ứng Foxconn, và ảnh hưởng của họ đến một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.
Một hàng dài cán bộ nhà nước, y phục chỉnh tề, cấp tập giữa mê cung những tấm kê gỗ chất đầy thùng hàng. Họ cân đo, đong đếm, kiểm định và đóng dấu thông quan.
Một đoàn xe tải nối đuôi nhau hàng dặm, đợi chờ những thùng hàng rồi sẽ đáp đến Bắc Kinh, New York, London và những đô thị phồn hoa khác.
Đó là khung cảnh thường thấy giữa khu chế xuất được xây dựng nhiều năm trước, phục vụ một ông chủ duy nhất: Apple - công ty giá trị nhất thế giới, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc.
Khung cảnh đó không bộc lộ hết được hàng loạt bí ẩn về tiền công, ưu đãi thuế và phụ cấp mà Trung Quốc ưu ái cho khu vực này.
Tất cả nhằm hỗ trợ nhà máy iPhone lớn nhất thế giới. Tấm màn nhung đó phần nào được hé lộ thông qua hơn 100 bài phỏng vấn công nhân, nhà hậu cần, tài xế, chuyên gia thuế và đủ loại nhân viên Apple của New York Times.
Gói kẹo đường đầy mê hoặc của chính phủ, trị giá hàng triệu USD, là tâm điểm trong chuỗi sản xuất iPhone - sản phẩm đắt khách và lợi nhuận cao nhất từ Apple.
Nhà máy nằm giữa trái tim Trịnh Châu, thành phố 6 triệu dân lọt thỏm trong một vùng đang thoát nghèo của Trung Quốc. Ở giai đoạn công suất cao nhất, nhà máy Foxconn tại đây có thể sản xuất 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày. Cư dân trong khu vực vẫn gọi Trịnh Châu là "thành phố iPhone".
Chính quyền địa phương cũng đầu tư hơn 1,5 tỷ USD hỗ trợ Foxconn xây dựng loạt nhà máy và nhà ở cho công nhân. Họ làm đường, xây trạm năng lượng.
Chính phủ đảm bảo nguồn năng lượng ổn định, trợ giá vận chuyển cũng như ưu đãi chi phí hoạt động. Họ giúp tuyển dụng công nhân cho dây chuyền, có khen thưởng nếu nhà máy giúp địa phương đạt chỉ tiêu xuất khẩu.
Tất cả vì iPhone
"Chúng tôi cần điều gì đó để thực sự nâng tầm vùng kinh tế này của đất nước", ông Li Ziqiang, một cán bộ tại Trịnh Châu nói với The New York Times. "Tục ngữ cổ ở Trung Quốc có câu: 'Nếu bạn xây tổ, chim muông sẽ đến tìm', và giờ, những đàn chim đang đến".
Chính phủ Mỹ từ lâu tỏ ra không hài lòng với các chính sách Trung Quốc dành cho công ty địa phương. Họ cho rằng các ưu đãi đã tạo ra thế cạnh tranh bất công mà phần lợi thuộc về các tập đoàn Trung Quốc, giữa thị trường thế giới.
Nhưng Trịnh Châu là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của đất nước tỷ dân trong việc lôi kéo chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia về Trung Quốc.
Các cán bộ cấp tỉnh Trung Quốc, trong nỗ lực tạo ra việc làm và đảm bảo tăng trưởng, đã ưu ái các nhà sản xuất với những gói hỗ trợ về kinh tế và chính sách đầy hấp dẫn.
Theo góc nhìn này, Trung Quốc không quá khác biệt so với nhiều quốc gia khác, nơi nhà nước và địa phương ngộ đãi các công ty. Để cạnh tranh trong xu hướng toàn cầu hóa, những công ty đa quốc gia, vốn chịu áp lực của cổ đông và khách hàng, phải tìm đến cơ hội tối ưu nhất, bằng giải pháp ngày càng phổ biến là dựa dẫm vào những chuỗi cung ứng chặt chẽ rải rác khắp thế giới.
Dell, Hewlett-Packard và Samsung đều đổ về Trung Quốc để giảm giá thành sản xuất và tiến vào thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới. Nhiều công ty trong số đó phụ thuộc vào các đối tác trong nước, như Foxconn.
Trịnh Châu là bức tranh minh họa rõ ràng nhất sự quan trọng của Trung Quốc với các công ty công nghệ Mỹ - đặc biệt là với iPhone và doanh số của Apple.
Một phòng xuất nhập khẩu trong đặc khu, nơi các sản phẩm được "mua đi bán lại" trên giấy tờ. Ảnh: The New York Times. |
Một chiếc iPhone 7 32 GB tốn khoảng 400 USD để sản xuất. Ở Mỹ, nó có giá khoảng 649 USD, mang về lợi nhuận 249 USD/chiếc. Kết quả: Apple đang chiếm 90% lợi nhuận của cả ngành smartphone toàn cầu, dù họ chỉ chiếm 12% thị phần, theo thống kê từ Strategy Analytics.
Khó lòng đo đếm giá trị của những ưu đãi mà chính phủ dành cho hoạt động tại Trịnh Châu, hoặc hiệu quả của chúng đối với lợi nhuận của Foxconn và Apple. Những món tiền này không được bất kỳ bên liên quan nào tiết lộ trước công chúng. Apple tuyên bố không liên quan đến những thỏa thuận của Foxconn với chính phủ.
Những dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc do The Times thu thập, cho thấy đã có hàng loạt cuộc họp qua nhiều năm. Trong đó, lãnh đạo Trịnh Châu bàn luận về những "hỗ trợ" của họ dành cho dây chuyền sản xuất iPhone, gọi đó là "chính sách ưu đãi".
Là công ty tư nhân với nhân công đông nhất Trung Quốc, Foxconn thừa khả năng trong việc đàm phán về các ưu đãi.
Khi nhà máy mở cửa, Apple là khách hàng duy nhất của Foxconn. Hiện tại, Apple vẫn là khách hàng gần như duy nhất ở tất cả các nhà máy tại Trịnh Châu, nơi một nửa iPhone của thế giới ra đời. Họ nghiễm nhiên trở thành đơn vị xuất khẩu chính dùng đến cơ sở vật chất tại địa phương.
Trả lời chất vấn, Apple luôn nói họ biết về các hỗ trợ cơ sở vật chất từ chính phủ Trung Quốc.
Foxconn, trong một tuyên bố độc lập, thể hiện sự biết ơn với chính phủ, dù những ưu đãi họ nhận "không khác với ưu đãi mà mọi công ty được hưởng trong khu vực".
Công nhân rời khỏi Foxconn vào cuối ngày, đằng xa là cổng đặc khu kinh tế. Ảnh: The New York Times. |
Tuy nhiên, Trung Quốc không còn cam chịu làm "công xưởng của thế giới. Họ ngày càng hung hãn hơn trong việc thúc đẩy các ông lớn công nghệ nội địa. Bắc Kinh gây áp lực đến địa phương, bắt buộc cắt giảm các chương trình ưu đãi mà vài năm về trước họ vẫn khuyến khích.
Các nhà xuất khẩu lớn, được ưu ái và bảo vệ hàng thập kỷ qua ở Bắc Kinh, giờ đối mặt với sự kiểm soát gắt gao hơn.
iTunes Movies và iBooks Store bị đóng cửa chỉ 6 tháng hoạt động ở Trung Quốc. Họ phạt Apple vì không đóng thuế đầy đủ. iPhone 6 bị bắt buộc kiểm định an ninh trước khi bán ra, khiến thiết bị này trễ hẹn ở Trung Quốc.
Apple đang phải vận dụng chiến lược ngoại giao con thoi. Tháng 12, Tim Cook cùng các nhân vật cấp cao khác từ thung lũng Silicon đã gặp tổng thống Trump ở New York, nhằm xây dựng một nhịp cầu với chính phủ mới. Trước đó, Tim Cook cũng đến Trung Quốc vào tháng 8.
Những ưu đãi ngầm
Phân nửa iPhone toàn cầu thành hình tại các nhà máy Foxconn đặt ở Trịnh Châu, một trong những vùng nghèo khó nhất Trung Quốc.
Không khó hiểu khi chính quyền Trịnh Châu không tiếc những ưu đãi "ngầm" cho tập đoàn này.
Các ưu đãi có được New York Times thống kê như sau:
600 triệu USD dành để xây dựng và hỗ trợ vận hành phức hợp nhà máy
|
Hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển
|
Có khen thưởng nếu giúp tăng chỉ số xuất khẩu
|
1 tỷ USD xây dựng nơi ăn chốn ở cho hàng nghìn nhân công
|
Ưu đãi 5% giá điện mỗi năm
|
Xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà máy điện và 24km ống dẫn điện
|
Miễn thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong 5 năm, ưu đãi 50% mức thuế trong vòng 5 năm tiếp theo
|
Cho vay 250 triệu USD từ ngân sách
|
Hỗ trợ tuyển dụng và huấn luyện nhân công, hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên mới
|
Giảm tiền bảo hiểm xã hội và nhiều thuế phí khác, tổng cộng hơn 100 triệu USD mỗi năm |
Như danh sách thống kê bên trên, Trung Quốc không chỉ cung ứng lượng nhân công khổng lồ, mà còn ưu đãi trong hầu hết các khía cạnh của chuỗi sản xuất, tạo môi trường tối ưu không thể tìm được ở nước Mỹ, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Dòng ưu đãi mềm mại chảy từ nhà máy đến tận Apple Store.
Foxconn nhận những món thưởng khổng lồ nếu đạt ngạch xuất khẩu. Con số có thể lên đến 56 triệu USD trong 2 năm đầu chỉ sản xuất iPhone, theo báo cáo chính phủ.
Số tiền đó là không nhiều so với 10 triệu iPhone sản xuất trong 2 năm. Nhưng góp gió thành bão, hơn 12 hình thức ưu đãi được chính quyền Trịnh Châu đưa ra.
Phức hợp này còn nằm trong một "khu vực liên kết", gần như là "lãnh thổ của nước ngoài", với luật xuất nhập khẩu đặc thù. Điều này cho phép Apple bán iPhone cho người Trung Quốc dễ dàng hơn...
*Kỳ sau: Khi vòng tay Trung Quốc hết ấm