Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành phố giàu có mới của Trung Quốc

Với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, Tô Châu là lựa chọn của nhiều người trẻ đang tìm cơ hội việc làm. Thành phố này cũng là nơi sống của những cá nhân có khối tài sản khổng lồ.

Nhiều người giàu chọn Tô Châu là nơi sinh sống vì kinh tế ổn định, cảnh quan đẹp.

Những tòa cao ốc chọc trời, khu vườn cổ kính, nhà máy công nghệ cao đã mang đến một diện mạo mới cho Tô Châu, thành phố cách Thượng Hải 40 phút lái xe về phía tây.

Nép mình ở Giang Tô, nền kinh tế của nơi này phát triển hơn so với nhiều thủ phủ của tỉnh khác, bao gồm cả Nam Kinh.

Năm 2021, GDP của Tô Châu đứng thứ 6 toàn quốc, chỉ sau Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu và Trùng Khánh, theo Jing Daily.

Thành phố đã thu hút không ít “đại gia khách sạn” đến đây để mở chi nhánh như InterContinental Hotel Group, Marriott International Group, Accor Group và Hyatt Hotel Group.

Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú tên tuổi khác cũng có kế hoạch khai trương thương hiệu trong thời gian sắp tới. Điều này là bước đột phá cho thấy tiềm năng phát triển du lịch ở Tô Châu đang được chú ý.

To Chau giau co anh 1

Tô Châu ngày càng phát triển với những công trình hiện đại, tòa nhà chọc trời. Ảnh: Think China.

Nơi sống của người giàu

Kinh tế ổn định và nền văn hóa phong phú đã lôi kéo nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các thành phố cấp thấp hơn đến đây để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Đây là giải pháp thay thế cho cuộc đua không ngừng lại ở những đô thị lớn, đồng thời mang đến chất lượng cuộc sống, cảnh quan thiên nhiên và sự đổi mới tốt hơn.

Ngoài ra, Tô Châu là nơi tập trung của giới nhà giàu, những người có giá trị tài sản ròng cao. Nhóm này đang thúc đẩy sự phát triển của thành phố và cung cấp năng lượng cho tiêu dùng.

Theo nghiên cứu do Hurun Report thực hiện, ở đây có 24.900 hộ gia đình sở hữu tài sản lưu động trị giá trên 1,39 triệu USD (10 triệu nhân dân tệ), xếp thứ 12 tại đất nước tỷ dân.

Những con số ấn tượng về kinh tế cho thấy Tô Châu đã “thay da đổi thịt” trong 2 thập kỷ qua, chuyển từ ngành nông nghiệp, sản xuất, xuất khẩu sang định hướng dịch vụ, sáng tạo.

Theo Jing Daily, thành phố này sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi, đầy hứa hẹn cho các thương hiệu xa xỉ.

Cho đến nay, trung tâm mua sắm Meiluo đã sở hữu những tên tuổi hàng đầu như Hermès, Louis Vuitton và Gucci.

Tô Châu nổi tiếng với những chuỗi cung ứng dệt may, nhưng gần đây cũng thu hút các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nơi này đang gặp nhiều vấn đề về cảnh quan, cấu trúc đường phố.

Cơ sở vật chất cũ kỹ và bãi đậu xe bất tiện trong khu phố cổ là yếu tố gây nản lòng cho nhiều khách hàng địa phương.

To Chau giau co anh 2

Nhiều thương hiệu kinh doanh đồ xa xỉ đổ xô mở cửa hàng tại Tô Châu. Ảnh: Jing Daily.

“Tôi đã không đến Meiluo khoảng 2 năm. Thật khó để tìm chỗ giữ xe ở đó và mọi thứ trông rất cổ điển. Tôi thà lái xe 40 phút đến Thượng Hải nếu muốn mua sắm những món đồ đắt tiền”, Cecilia Xu (27 tuổi), một người đam mê thời trang, nói.

Để cải thiện tình trạng này, Tô Châu đã và đang khôi phục lại các địa điểm cũ kỹ, sáp nhập chúng thành những khu dân cư hiện đại.

“Nơi đây luôn là một khu vực giàu có và đông dân từ thời cổ đại. Trong 20 năm qua, cư dân đã làm giàu nhờ sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp thứ 2, thứ 3 cũng như mạng lưới thương mại tiên tiến”, Sam Gu, Giám đốc tiếp thị của bộ phận bất động sản thương mại Yanlord, chia sẻ.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ở Tô Châu cũng có nhận thức rất cao khi phát triển văn hóa địa phương. Nhóm nhân khẩu học này sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn cho thị trường xa xỉ của thành phố.

Đô thị hóa kết hợp với truyền thống

Tô Châu giữ một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc của thế giới, nhờ thị trấn Shengze ở quận Vũ Giang.

Kể từ thời nhà Thanh, Shengze đã được biết đến là nơi sản xuất tơ lụa, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành dệt may.

Theo thống kê chính thức, có 2.500 công ty thuộc lĩnh vực này tọa lạc ở đây và 2 trong số đó nằm trong danh sách 500 tập đoàn toàn cầu của Fortune.

Hiện tượng co cụm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi ngành dệt may địa phương từ các công ty riêng lẻ thành tập đoàn hoạt động trong chuỗi cung ứng.

“Sau khi đại dịch bùng phát cộng với khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó tồn tại hơn, có khả năng sẽ bị các ‘ông lớn’ nuốt chửng”, Lesley Yu, sáng lập công ty sản xuất đồ ngủ nội địa Sanglou, nhận xét.

Thay vì sản xuất hàng dệt truyền thống, nhiều công ty ở Tô Châu nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tối ưu hóa công nghệ tiên tiến cũng như xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Các nhà chức trách của thành phố cũng đang cố gắng thu hút nhân tài và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.

Với tác động tiêu cực đến môi trường của thời trang, chính quyền Tô Châu khuyến khích các nhà máy tận dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để tạo điều kiện cho sản xuất xanh, tái chế.

Ví dụ, tại công ty của Yu, lụa được làm từ chất hữu cơ và có thể truy tìm dấu vết carbon thông qua nhãn gắn trên vải.

To Chau giau co anh 3

Tô Châu thu hút nhân tài và lượng lớn khách du lịch trong vài năm gần đây. Ảnh: Pinterest.

Hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, lành mạnh đã giúp những xí nghiệp của Tô Châu trở thành nhà cung cấp quan trọng cho ngành thời trang toàn cầu.

Nhằm khắc phục tình trạng người dân đổ xô mua sắm ở Thượng Hải, Sam Gu cho rằng các dự án thương mại phải tận dụng văn hóa địa phương để nhấn mạnh sự khác biệt của chúng so với những trung tâm lớn.

Ngoài người tiêu dùng nội địa, nhóm khách nước ngoài cũng được quan tâm không kém.

Với những hạn chế về du lịch của Trung Quốc, các chuyến du lịch ngắn ngày đã trở thành xu hướng và Tô Châu là một trong những điểm đến phổ biến nhất.

Theo số liệu chính thức, lượng du khách đến đây trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng (1-7/10) đã đạt 5,53 triệu người.

Nơi có tiền cũng khó mua nhà

Sự chênh lệch giữa cung và cầu đã đẩy giá nhà ở xứ sở sương mù tăng cao. Điều này khiến nhiều người mua phải xếp hàng chờ đợi để chọn được căn hộ như ý.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm