Sau nhiều thập kỷ chỉ khai khác kim cương thô, giờ đây các công ty ở Gaborone, thủ đô Botswana, đã có thể tự chế tác, đánh bóng và bán những viên đá quý.
Tìm Gaborone trên bản đồ không phải là việc dễ dàng, nhưng nó thực sự là một điểm đến quen thuộc cho những nhà buôn kim cương trên toàn thế giới và thực trạng này đang làm thay đổi nền kinh tế nơi đây.
Mảnh đất khô cằn Gaborone đang thay đổi dần. Các nhà kinh doanh tỏ ra rất tự tin khi nhìn những tòa nhà cao tầng và khách sạn đang mọc lên tại thành phố này.
Một góc thành phố Gaborone. Ảnh: blogspot.com. |
Những công ty liên quan tới hoạt động kim cương đang xây dựng nhiều nhà máy vì họ dự đoán tập đoàn kinh doanh kim cương khổng lồ De Beers sẽ chuyển công việc kinh doanh từ London về đây. Không lâu nữa, những giao dịch kim cương với trị giá tới 6 tỷ USD sẽ diễn ra tại Gaborone, thu hút người mua trên toàn thế giới.
Một công ty trong nước đã tổ chức bán đấu giá kim cương tại Gaborone. Một khu công nghiệp kim cương vừa được xây dựng để đón những công ty kinh doanh kim cương. Một trong số đó, công ty Shrenuj của Ấn Độ, mới tới Gaborone và đang chế tác trang sức.Kim cương của Botswana chiếm một phần trong nguyên liệu của họ.
Hàng chục con người, chủ yếu là phụ nữ trẻ, gập người trong những xưởng chế tác nhỏ, nhìn chăm chăm qua kính phóng đại để tạo hình, làm nhẵn, chạm khắc từng chi tiết kim loại và đá vào món đồ trang sức lấp lánh.
“Chúng tôi có thể tìm nguồn kim cương thô tại Botswana. Mở một nhà máy trang sức tại đây là việc thiết thực. Chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm cho thị trường địa phương và cả Mỹ”. Hoạt động bán hàng của chúng tôi diễn ra khá thuận lợi, Kim Lenni, giám đốc công ty, nói.
Những công ty khác, hoàn toàn không liên quan tới kim cương, cũng nói rằng họ đang chứng kiến những bước tiến mạnh trong công việc kinh doanh.
Tại một ga xe buýt lớn ở Gaborone, những hành khách đang nhồi nhét túi xách và vali vào chiếc xe buýt cũ kỹ trong khi những người bán hàng rong bán nước uống và đồ ăn nhẹ.
Từ cái nơi nhộn nhịp, ồn ào và có phần hỗn loạn nơi đây, các ngành dịch vụ vươn khắp đất nước rộng lớn, khô cằn và còn xa hơn nữa.
Abel Monnakgotla, người đang quản lý công ty vận tải trong nước AT & T, sở hữu 50 xe buýt. Chúng chạy trên những tuyến tới các nước láng giềng như Nam Phi và Namibia.
Hiện ông đang đầu tư vào những chiếc xe buýt mini mới và đẹp. Abel nói ông kiếm tiền từ việcchở những thương nhân buôn kim cương.
“Chúng tôi đã đa dạng hóa và mới tham gia vào công việc chở hành khách bằng xe buýt tại sân bay và cho thuê xe hơi”, Abel nói.
Hầu hết lợi nhuận trước đây được dành cho những thứ vĩ mô - cơ sở hạ tầng, đường xá.
“Nhưng với tư cách nhà đầu tư, chúng tôi vẫn chưa được hưởng lợi trực tiếp. Giờ là lúc chúng tôi hưởng lợi trực tiếp từ các khoản đầu tư”, Abel nhấn mạnh.
Không phải tất cả mọi người đều cảm thấy kinh doanh ở Gaborone là chuyện dễ dàng như Abel.
Những hoạt động giao dịch kim cương trị giá tới 6 tỷ USD mỗi năm sẽ diễn ra tại Garabone. Ảnh: perthnow.com.au. |
Chỉ cần tới khu nghỉ dưỡng Phakalane dành cho những người chơi golf ở rìa thành phố, người ta sẽ thấy một thế giới hoàn toàn khác. Đây có lẽ là nơi phù hợp với những thương nhân kim cương muốn nghỉ ngơi trong những thời gian rảnh rỗi.
Mặc dù hy vọng công việc kinh doanh sẽ diễn ra tốt đẹp,, giám đốc điều hành, ông Lesang Mahang lại đang đối mặt với vài vấn đề.
“Người ta đang mong đợi dịch vụ đẳng cấp thế giới, những tiêu chuẩn mà họ hy vọng giống như ở London, nơi từng là trung tâm giao dịch kim cương thế giới”, ông nói.
Nhưng ông không thể tìm được một một đầu bếp xứng tầm tại Botswana, một người có thể tạo ra món ăn theo cách mà thực khách yêu cầu. Ngày càng có nhiều người nghi ngờ về sự sẵn sàng tiếp nhận đầu tư nước ngoài của Botswana.
Đến bây giờ người ta vẫn chưa thấy chuyến bay thẳng nào từ châu Âu hoặc Mỹ tới Garborone, nghĩa là hành trình tới quốc gia này phải đi qua các thành phố châu Phi khác, thường là Johannesburg.
Việc cắt điện luân phiên thường xuyên đồng nghĩa với việc thỉnh thoảng các vị khách trong khách sạn sẽ phải tắm trong bóng tối hay các quán cà phê không thể đun nước sôi.
Giải trí vào buổi tối cũng hạn chế. Nhà hàng thường đóng cửa trước 22 giờ. Thành phố không có nhiều quán bar và cũng rất ít taxi chạy trên đường.
Alex Monchusi, một quan chức thuộc Phòng thương mại, thừa nhận rất nhiều ngành kinh doanh vẫn chưa thể tận dụng lợi thế từ ngành kim cương.
“Khi thực trạng này được công bố lần đầu tiên, tôi đã nói với chính phủ rằng chúng tôi cảm thấy háo hức, nhưng chúng tôi cũng nhận ra rằng chúng tôi còn nhiều việc phải làm nhưng chỉ có quá ít thời gian”.
Mặc dù vậy, chính phủ Botswana tin tưởng họ có thể khắc phục mọi vấn đề, và quyết tâm của họ sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn.
Chánh văn phòng nội các, ông Eric Molale, cho rằng kim cương sẽ trở thành “cơ hội chỉ một lần trong đời” đối với Botswana.
“Mục tiêu cuối cùng của chính phủ là tạo ra một hệ thống sản xuất kim cương khép kín, mang về giá trị gia tăng cho quốc gia, chứ không chỉ là khai thác và bán chúng”, Molale khẳng định.