Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường 2022 ngày 15/2, chủ tịch HĐQT Thành Nam Group (TNI) ông Nguyễn Hùng Cường có giải thích về biến động bất thường của giá cổ phiếu và tình hình đầu tư dự án.
Trả lời câu hỏi cổ đông về giải pháp bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư mới khi giá cổ phiếu biến động nhiều, ông Hùng đồng tình giá TNI thời gian qua có khá nhiều biến động và lượng cổ đông mới cũng tăng đột biến.
Vị này cho biết thời điểm giá tăng lên 7.000 đồng/cổ phiếu thì công ty đã truyền thông công khai trên để cảnh báo nhà đầu tư về nguy cơ cổ phiếu bị lèo lái, tuy nhiên việc tăng giảm giá đó phụ thuộc yếu tố thị trường và không mang ý chủ quan nào muốn gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
"Doanh nghiệp khẳng định không có một ý đồ nào về việc làm giá, đồng thời khẳng định sẽ không chối bỏ trách nhiệm và luôn tìm cách khắc phục khó khăn", chủ tịch Thành Nam Group giãi bày.
Thực tế mã TNI có biến động rất thất thường theo mô hình "cây thông" khi tăng sốc rồi giảm sâu hồi cuối năm 2021, khiến những nhà đầu tư đến sau ôm lỗ nặng.
Cổ phiếu TNI tăng sốc giảm sâu cuối năm 2021. Đồ thị: TradingView. |
Cụ thể, hồi giữa tháng 10/2021, thị giá TNI chỉ lình xình quanh ngưỡng trên 4.000 đồng thì bất ngờ tăng mạnh với nhiều chuỗi tăng kịch trần liên tiếp, qua đó nhanh chóng thiết lập đỉnh mới 13.700 đồng, tăng 3 lần chỉ sau hơn một tháng.
Tuy nhiên, giá TNI sau đó quay đầu lao dốc với hàng loạt phiên giảm sàn liên tục, hoàn tất mô hình "cây thông" khi giá giảm gần phân nửa về vùng 7.700 đồng và lình xình cho đến nay.
Không chỉ thế, HoSE mới đây còn ra quyết định đưa cổ phiếu TNI vào diện cảnh báo kể từ ngày 18/2. Theo đó mã chứng khoán này cũng sẽ không đủ điều kiện để được giao dịch ký quỹ (margin).
Lý do được HoSE đưa ra là vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 là âm 16,26 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
Không chỉ giải thích về giá cổ phiếu, chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường còn chia sẻ về các dự án đang được doanh nghiệp đầu tư.
Với dự án bất động sản tại Đà Nẵng, Chủ tịch Thành Nam Group cho biết đây là dự án ấp ủ 5 năm qua và đã mua đất sạch, quyết định xây cao tầng. Hiện công ty đã hợp tác với 2 đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước, kế hoạch tháng 9/2022 sẽ có giấy phép xây dựng và mục tiêu đầu năm 2023 sẽ triển khai mở bán.
Về vấn đề đầu tư điện năng lượng trang trại, lãnh đạo doanh nghiệp thông tin đã xem xét sản lượng thực tế, khả năng thu hồi vốn và yếu tố khách quan trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Ông Cường nói làn sóng đầu tư điện mặt trời diễn ra trong vài năm trở lại đây, tuy gặp khó khăn về vấn đề điều tiết nhưng ảnh hưởng doanh thu không đáng kể, tuổi đời dự án là 20 năm và thu gian thu hồi vốn trong vòng 7-8 năm.
Đại hội của Thành Nam Group lần này còn thông qua phương án phát hành chào bán cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 52,5 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 100% nhằm nâng vốn điều lệ lên 1.050 tỷ đồng. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, ứng với số tiền thu về 525 tỷ đồng.
Cổ phiếu riêng lẻ sẽ được phát hành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành.
Toàn bộ số tiền thu về thực hiện nghĩa thi hành án cho Công ty TNHH Posco VST 65 tỷ đồng, bổ sung vốn để triển khai dự án bất động sản tại Đà Nẵng là 317,5 tỷ đồng và mua 95% cổ phần CTCP Trang trại và Năng lượng Đông Xuân.
Thành Nam Group là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực thép, thép không gỉ và các dịch vụ gia công cắt tấm, xẻ băng thép không gỉ (inox) và đang mở rộng sang bất động sản, năng lượng.
Năm ngoái doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.905 tỷ đồng, tăng 31%. Tuy nhiên công ty lại bị lỗ sau thuế 16,3 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhà máy ngưng hoạt động và giảm sản lượng (năm 2020 có lãi nhẹ 975 triệu đồng).