Ở những năm đầu sự nghiệp (khoảng năm 1970), Thành Long hợp tác nhiều với đạo diễn La Duy - người từng đứng sau thành công của Đường Sơn đại huynh và Tinh Võ Môn do Lý Tiểu Long đóng chính.
Khi Lý Tiểu Long qua đời, Thành Long là “con mồi” của La Duy. Ông cố gắng biến chàng trai mới nổi thành bản sao của huyền thoại võ thuật người Trung Quốc.
Song, bộ phim Tân Tinh võ môn (1976) - sự hợp tác của hai ngôi sao - lại gặp thất bại ở phòng vé. Đến những năm 1978, khi Xà hình điêu thủ và Túy quyền ra đời, khán giả đã đồng ý rằng Thành Long không còn là cái bóng của Lý Tiểu Long.
Sau thành công của phim, Jackie Chan (tên quốc tế của ngôi sao võ thuật) ký hợp đồng với hãng phim Tranh Thiên Gia Hòa. Tại đây, anh đã thành công trong vai trò đạo diễn cho Suất đệ xuất mã, đồng thời là vai trò diễn viên, chỉ đạo võ thuật.
SCMP từng có cuộc phỏng vấn về những năm đầu trong sự của Thành Long. Tuy thực hiện từ năm 1998 nhưng đây là lần đầu bài phỏng vấn được đăng tải trên báo.
Tuổi trẻ của Thành Long bị gắn liền khá nhiều với Lý Tiểu Long. |
Thất bại khi bắt chước Lý Tiểu Long
- Khi thực hiện "Tân Tinh võ môn", đạo diễn La Duy muốn anh trở thành bản sao, biểu diễn giống như Lý Tiểu Long, anh phản ứng thế nào?
- Đúng vậy, La Duy chỉ muốn đào tạo tôi trở thành bản sao Lý Tiểu Long. Ông cũng muốn tôi tập kung fu theo phong cách của đàn anh. Tuy nhiên, tôi không muốn làm điều đó. Cho dù ở tư cách diễn viên, võ sĩ hay đơn giản là một người bình thường, tôi không muốn giống ai đó hay thấy hạnh phúc khi trở thành bản sao của ai khác.
Tôi khác, Lý Tiểu Long khác. Tôi không có kinh nghiệm như Lý Tiểu Long, tôi cũng không thể làm lại một cách thật tốt những gì anh ấy đã làm. Lý Tiểu Long hiểu biết rất nhiều về triết học, tôi lại mù tịt về điều đó. Tôi chỉ biết phát huy những gì mình tốt nhất.
Ngoài ra, tôi thấy rất áp lực khi bị so sánh với Lý Tiểu Long. Ai cũng hiểu anh ấy là bậc thầy võ thuật. Tôi nhận ra rằng để thành công, tôi phải đi theo con đường hoàn toàn khác với anh ấy.
- Có điều gì anh thích và không hài lòng ở "Tân Tinh võ môn" không?
- Chà, phải nói là tôi đã học được rất nhiều. Bật mí một điều rằng La Duy thường ngủ gật khi chúng tôi quay cảnh đánh nhau. Khi anh ấy ngủ, mọi người không ai dám đánh thức. Lúc ấy, tôi tự làm mọi thứ, bao gồm chỉ đạo diễn xuất. Vì vậy, tôi có nhiều thời gian hơn để thực hiện các cảnh võ thuật. Từ đó, tôi có nhiều kinh nghiệm, cả về diễn xuất lẫn kinh việc làm đạo diễn.
Tuy nhiên, tôi không thực sự hài lòng với những màn võ thuật trong phim. Tân Tinh võ môn có khá nhiều lỗ hổng. La Duy không cho tôi đủ thời gian để giải quyết những cuộc chiến, các màn tranh đấu.
Mặt khác, phim có kinh phí thấp, quay gấp rút. Anh ấy cũng bắt tôi hoàn thành các cảnh quay khá nhanh. Anh thấy đấy, bộ phim không thành công khi ra mắt là có lý do của nó.
Thành Long giai đoạn đầu được xây dựng để trở thành bản sao của Lý Tiểu Long. |
- "Thiếu lâm Mộc Nhân hạng" - bộ phim cũng do La Duy đảm nhận - diễn ra một năm sau đó hay hơn nhiều. Anh có đồng ý với điều đó không?
- Bộ phim ra mắt năm 1976 và do chính tay tôi chỉ đạo võ thuật. Tôi rất hài lòng vì điều đó. Tuy có cải thiện so với Tân Tinh võ môn nhưng La Duy vẫn cố biến tôi thành bản sao Lý Tiểu Long, vì vậy tác phẩm tiếp tục gặp thất bại ở phòng vé.
Trong khi khán giả mong đợi tôi chiến đấu, diễn xuất y như Lý Tiểu Long, tôi lại không muốn điều đó chút nào. Võ thuật của Lý Tiểu Long có chút cổ xưa, tôi lại hiện đại và nhanh nhẹn hơn đôi chút.
Thành thật mà nói, tôi trông hoàn toàn khác với anh ấy. Mặt khác, anh ấy đã là biểu tượng, huyền thoại. Vì vậy, tôi đoán là khán giả không thể chấp nhận tôi sau khi Lý Tiểu Long qua đời.
Cho đến ngày từ giã cuộc đời, Lý Tiểu Long vẫn là ngôi sao võ thuật thành công ở Hollywood. Khán giả không thể nào chấp nhận một ngôi sao hành động khác làm lu mờ hay phá hủy hình ảnh thần tượng mình.
Tuy nhiên, dù có phản ứng tiêu cực từ khán giả hoặc thất bại doanh thu, Thiếu lâm Mộc Nhân hạng lại là cú hit lớn trong ngành điện ảnh. Nhiều nhà làm phim dần thích thú với phong cách làm phim của tôi, riêng La Duy vẫn cố chấp như cũ.
"Tôi thay đổi bộ mặt điện ảnh châu Á"
- Sau thành công của các bộ phim hài kung fu như "Xà hình điêu thủ" và "Túy quyền", tại sao anh chọn ký hợp đồng với Tranh Thiên Gia Hòa mà không phải là Thiệu Thị Huynh Đệ như nhiều ngôi sao đương thời khác?
- Thiệu Thị Huynh Đệ từng đưa ra cái giá rất cao để mời tôi. Tuy nhiên, cuối cùng tôi lại chọn Tranh Thiên Gia Hòa. Lúc đó tôi quyết định rất cảm tính, chỉ biết rằng đó là điều đúng đắn tôi phải làm.
Thời điểm đó, Thiệu Thị Huynh Đệ toàn sao lớn trong ngành, rất nhiều là đằng khác. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ký hợp đồng với Tranh Thiên Gia Hòa sẽ giúp mình nổi bật hơn.
Thời điểm ấy, Tranh Thiên Gia Hòa đã chốt kèo nhanh chóng bằng cách hứa hẹn biến tôi thành ngôi sao ở Mỹ. Họ không muốn tôi suy nghĩ lần nữa, vì buổi sáng tôi đã nói chuyện với công ty của ông Thiệu Dật Phu.
Điều đó đã thành công. Sau khi gặp lại Thiệu thị Huynh đệ, tôi nói rõ Tranh Thiên Gia Hòa hứa hẹn biến tôi thành ngôi sao quốc tế. Tuy nhiên, Thiệu thị không có câu trả lời. Họ không dám chắc điều gì.
Tôi biết Thiệu thị Huynh đệ có rất nhiều tiền nhưng cũng có lắm vấn đề tồn đọng. Suy đi nghĩ lại, tôi chọn phát triển bản thân ở Tranh Thiên Gia Hòa.
Thành Long bắt đầu gặt hái được những thành công khi về với Tranh Thiên Gia Hòa. |
- "Suất đệ xuất mã" (1980) là bộ phim đầu tiên anh thực hiện trong vai trò diễn viên, đạo diễn cho Tranh Thiên Gia Hòa. Sau khi tác phẩm được đánh giá cao, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi vẫn không quên cảm giác đó. Bộ phim thực sự là thử thách với tôi ở vai trò mới. Tôi phải làm cho nó thật khác biệt so với những bộ phim thành công khác. Tôi cũng muốn Tranh Thiên Gia Hòa nhìn nhận khả năng của mình.
Thời điểm đó, các công ty sản xuất phim rất nhanh, thậm chí cẩu thả để chạy theo số lượng. Tôi hoàn toàn không thích điều đó. Cuối cùng, công ty tạo điều kiện cho tôi và để tôi tự do làm điều mình cho là đúng đắn. Tôi không vội, họ cũng không hối.
Phong cách chiến đấu của Suất đệ xuất mã đã có nhiều thay đổi so với các bộ phim kung fu trước đó. Ở những cảnh đầu, tôi để các cảnh chiến đấu giống bình thường. Tuy nhiên, khi thấy nó nhàm chán, tôi quyết định đổi mới. Nếu tinh ý, bạn nhận thấy Thành Long hoàn toàn khác. Tôi tự tin để không bị so sánh với Lý Tiểu Long nữa.
- Nói vậy, anh đã thay đổi bộ mặt điện ảnh châu Á khi quyết định về với Tranh Thiên Gia Hòa?
- Sự thật là vậy. Bộ phim đó đã thiết lập con đường mới cho phim châu Á. Chúng tôi đã làm ra những thứ mới mẻ. Tôi nhớ lúc đó mọi người đều nói rằng: “Hãy nhìn xem Thành Long đang làm gì”.
Nói đi thì phải nói lại, cách làm phim vội vàng của Hong Kong thời điểm đó là con dao hai lưỡi. Điện ảnh nước nhà không thiếu những biên đạo võ thuật giỏi. Tuy nhiên, một năm họ phải sản xuất quá nhiều và chẳng còn thời gian nghĩ được những thứ mới mẻ.
Phần lớn họ đều là bạn của tôi. Sau khi thấy thành công của tôi, họ nói: “Thành Long, cậu thật giỏi khi liên tục có những ý tưởng mới. Chúng tôi không làm được điều đó”.
Mỗi năm tôi chỉ cho ra đời một bộ phim. Vì vậy tôi có đủ thời gian để làm phim theo ý thích. Bắt đầu từ Suất đệ xuất mã, tôi đã thay đổi và có được Thành Long như hôm nay.