Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành Lồi - di tích Champa hơn 1.000 tuổi

Đây là tòa thành quy mô lớn do người Chăm xây dựng vào thế kỷ VII, được sử dụng cho mục đích quân sự.

Ngày 10/10, Sở VH-TT&DL và Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố quyết định và trao bằng di tích khảo cổ học cấp quốc gia cho di tích Thành Lồi.

a
Di tích khảo cổ Thành Lồi. Ảnh: Điền Quang

Thành Lồi được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, tọa lạc trên đồi Long Thọ (nay thuộc 3 phường Thủy Biều, Thủy Xuân, Phường Đúc của TP Huế). Thành có hình vuông, dài 2 km với cấu trúc khép kín 4 mặt. Các lũy thành nằm theo hướng tây - nam - đông - bắc do người Chăm xây dựng có quy mô tương đối lớn, xây dựng kiên cố, lợi dụng triệt để địa thế tự nhiên (có sông Hương làm hào chắn) tạo nên một công trình phòng thủ chắc chắn.

Trải qua hàng trăm năm, Thành Lồi vẫn còn lại nhiều dấu tích được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Năm 1989, đoàn khảo cổ Thành Lồi do cố GS Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã nhận xét: "Thành Lồi là một thành Chiêm lớn, xây dựng trên vùng đồi Dương Xuân Thượng với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước… Thành Lồi không hề thua kém thành Trà Kiệu".

Mặt cắt của thành được chia làm 3 tầng: Tầng thứ nhất từ bề mặt của thành xuống 1,8-2 m bằng đất nện chặt; tầng thứ 2 dày 0,5-1 m được đắp bằng gạch, đá cuội xen lẫn và tầng thứ 3 cách bề mặt 2,5-3 m dày 1,8-2 m được đắp bằng đất nện chặt.

Nguyên vật liệu xây đắp Thành Lồi chủ yếu bằng đất đồi, đất đắp thêm, gạch và đá cuội. Kỹ thuật xây gạch theo kiểu mài chập liên kết thành khối vững chắc, không có mạch vữa như kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc Champa.

Thành Lồi minh chứng sinh động về sự giao thoa văn hóa giữa 2 dân tộc Viêt - Chăm trong quá trình hội nhập và phát triển trên vùng đất mới.

Trước đó, tháng 12/2014, Thành Lồi được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia.

Điền Quang

Bạn có thể quan tâm