Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thành Lộc dừng diễn kịch người lớn Idecaf - cú sốc của sân khấu TP.HCM

Thành Lộc không chỉ được xem là "phù thủy sân khấu", linh hồn Idecaf. Nam nghệ sĩ được coi là người duy nhất hiện nay còn khiến những vở kịch cháy vé, khán giả phải xếp hàng.

Xoay quanh sự rời đi của Thành Lộc khỏi sân khấu kịch Idecaf là muôn vàn đồn đoán. Ngày 17/5, Thành Lộc xác nhận anh từ giã kịch người lớn ở Idecaf, tuy vậy, không bỏ nghề và không bỏ sân khấu.

Bỏ qua mọi thông tin ngoài lề, với khán giả, việc Thành Lộc chia tay những vở kịch gắn bó với anh nhiều thập kỷ qua là nỗi tiếc nuối khôn tả. Tiếc nuối vì nhắc đến Thành Lộc là nhớ đến Idecaf. Anh chính là người tạo dựng những viên gạch đầu tiên của sân khấu kịch này. Và Idecaf có những đêm diễn cháy vé trong bối cảnh ngành sân khấu trải qua nhiều thăng trầm, nhờ công lớn vào Thành Lộc. Như nhiều người trong ngành sân khấu đã nhận định, Thành Lộc chính là linh hồn của Idecaf.

Ngoài tài năng được giới mộ điệu ví như “phù thủy sân khấu”, Thành Lộc còn nỗ lực gìn giữ hình ảnh người nghệ sĩ kính nghiệp, chưa bao giờ thôi nhiệt huyết, đam mê và "rất khó tính với nghề".

“Phù thủy sân khấu” Thành Lộc và cái ôm của Hữu Châu

Hơn 14.000 vé cho 23 suất diễn vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) bán hết chỉ trong vòng 1,5 tiếng. Thậm chí, tình trạng phe vé diễn ra đẩy giá vé lên cao. Trong các hội, nhóm yêu sân khấu, khán giả tìm mọi cách để sở hữu một suất xem kịch có Thành Lộc. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua vé "chợ đen". Số người tiếc nuối khi không săn vé thành công, cũng không phải ít.

Những điều tưởng chừng chỉ diễn ra trước thềm một liveshow đình đám của ca sĩ hạng A hay tác phẩm điện ảnh bom tấn nhưng đã thực sự hiện hữu ở lĩnh vực sân khấu ngay thời điểm này. Hàng trăm người xếp hàng dài từ cổng Nhà hát Thanh niên (quận 3) đến hành lang sân khấu kịch Idecaf nhiều đêm qua để chứng kiến Thành Lộc diễn vở 12 bà mụ, Mưu bà Tú.

Trong đêm diễn cuối cùng của Thành Lộc vào tối 13/5 tại Idecaf, khán giả ngồi kín ghế. Họ cười - khóc - buồn - vui theo nét diễn, tung hứng trong từng mảng miếng của các nghệ sĩ. Khi màn nhung khép lại, không ít người rơi nước mắt bởi đây là đêm cuối khán giả yêu sân khấu có thể chứng kiến Thành Lộc biểu diễn dưới thánh đường Idecaf.

Trước đó, sau suất diễn cuối cùng của 12 bà mụ, NSƯT Hữu Châu ôm chặt lấy Thành Lộc. Cái ôm tạm biệt của đôi bạn diễn ăn ý trong nhiều năm qua khiến khán giả xúc động.

Diễn viên Duy Khánh xem nghệ sĩ Thành Lộc là thần tượng trong nghề. Anh cho biết bản thân buồn, tiếc nuối khi biết Thành Lộc không còn diễn kịch người lớn ở Idecaf.

Kết thúc vở diễn cuối của nghệ sĩ Thành Lộc, Duy Khánh tìm cách vào hậu trường sân khấu để được chụp ảnh với thần tượng. "Chú Thành Lộc là cả một tuổi thơ thật đẹp của mình, xem chú từ các vở kịch Ngày xửa ngày xưa, xem nhiều đến nỗi thuộc gần như toàn bộ lời thoại với nét diễn đặc trưng của chú. Con chỉ biết nói lời cảm ơn chú vì đã truyền cảm hứng cho con suốt bao nhiêu năm qua, con chúc chú luôn vui vẻ, hạnh phúc và bình an".

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều diễn viên ở mọi thế hệ đều đăng tải những chia sẻ về sự tiếc nuối sau quyết định tạm dừng của Thành Lộc khỏi nơi chốn mà anh đã đi về trong suốt 26 năm qua.

Những con số, hình ảnh kể trên thực sự biết nói. Khán giả cho rằng với người nghệ sĩ, đây thực sự là phần thưởng lớn lao nhất trong nghề. Không món quà nào ý nghĩa hơn ngoài sự ghi nhận từ chính đồng nghiệp và tình yêu của khán giả sau nhiều thập kỷ theo nghề. Và Thành Lộc xứng đáng với những điều đó.

Nếu tính cột mốc năm 1983 - khi Thành Lộc gia nhập Câu lạc bộ Kịch thể nghiệm TP.HCM đến nay, nam nghệ sĩ vừa tròn 40 năm theo nghệ thuật. Riêng trong lĩnh vực sân khấu, Thành Lộc là đạo diễn, diễn viên của hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ. Những thống kê trên cho thấy Thành Lộc đa tài. Anh hiện diện ở đầy đủ mọi địa hạt trong nghệ thuật và ở mảng nào, nghệ sĩ cũng nỗ lực để tạo ra dấu ấn cá nhân.

Đặc biệt, Thành Lộc được mệnh danh “phù thủy của những vai diễn”. Từ chính diện đến phản diện, từ vai phụ đến vai chính, từ bi đến hài, từ những vở kịch thiếu nhi đến kịch người lớn…, Thành Lộc đều đã nhập vai và hóa thân xuất sắc. Có những vai diễn sinh ra để dành cho Thành Lộc.

Nếu không phải anh, không ai có thể làm tốt hơn. Tên tuổi của Thành Lộc là bảo chứng cho thành công của nhiều vở diễn và bán cháy vé trong bối cảnh sân khấu gặp khó khăn, nhất là sau đại dịch.

Khán giả sẽ khó quên được một ông Tư Chơn (vở Tía ơi má dìa) đa sầu đa cảm, không chấp nhận thực tại khi người vợ đầu gối tay ấp ra đi. Lúc này, ông làm bạn với cây đàn kìm và rượu để nguôi ngoai nỗi nhớ. Thế nhưng, những câu hò xa xưa giữa hai người vang lên như đào sâu thêm nỗi đau trong ông. Cảnh ông Tư Chơn vừa khóc, vừa xếp lại chiếc áo dài cưới, hay khoảnh khắc ông ôm bụng lăn xuống sàn khiến khán giả không thể kìm nước mắt.

Hay ở vở Dạ cổ hoài lang, ông Tư – một lão già Nam Bộ với nỗi niềm day dứt khi xa quê cũng lấy nước mắt của khán giả bao nhiêu thế hệ cả trong và ngoài nước, qua hàng chục năm.

Cậu Đồng, sự biến hóa của Thành Lộc trên sân khấu lên đến đỉnh cao. Vào vai nhà tu hành biến chất bỗng nhiên được gia đình ông Phán (nghệ sĩ Hữu Châu) cuồng đạo sủng ái, Thành Lộc trưng trổ khả năng diễn hài hình thể và hài thoại.

Tính cách của cậu Đồng được nghệ sĩ thể hiện rõ nét qua từng động tác, cử chỉ, lời nói. Cách ông nhấn nhá trong mỗi câu thoại mang lại tiếng cười giòn tan cho khán giả, có thể kể đến như “Tôi luôn coi thân thể bà, à, thân bà hơn thể thân tôi", "Từ lâu tôi muốn tỏ tình, à không, tỏ tường với bà chuyện trong nhà”…

Với 12 bà mụ, Mưu bà Tú, Alo lộ hàng, Thành Lộc lại có những lối diễn khác nhau để lôi cuốn khán giả. Đa dạng, biến hóa chính là Thành Lộc, đôi khi sang trọng như "người cõng hạc" nhưng khi cần cũng có thể đẩy sự lố vui trong diễn xuất để chọc cười khán giả.

Thành Lộc hay bất cứ diễn viên nào cũng vậy, việc đóng một vai diễn trong suốt hàng chục năm nhưng vẫn không gây nhàm chán với khán giả luôn là bài toán khó. Song Thành Lộc giải được những bài toán đó theo cách của mình.

Cách nghệ sĩ tung hứng với đồng nghiệp, ứng biến trên sân khấu, có khi ngẫu hứng trong lối diễn cũng mang lại màu sắc riêng. Vì thế, khán giả mê sân khấu sau nhiều thập kỷ vẫn say đắm trước tài năng của Thành Lộc.

Lý do Thành Lộc thu hút khán giả đến với sân khấu kịch

Giữa một thị trường giải trí Việt xô bồ, nơi một nghệ sĩ có thể chấp nhận bán hình ảnh mình bởi đời tư, scandal, nơi nghệ sĩ phát ngôn lệch chuẩn, quảng cáo sai sự thật, không ít người vi phạm đạo đức, pháp luật, Thành Lộc là nghệ sĩ hiếm hoi được khen chuyên tâm làm nghề, tử tế với nghệ thuật, khán giả, không scandal.

nghe si thanh loc anh 5

Nghệ sĩ Thành Lộc chuyên tâm làm nghề, đam mê với sân khấu. Ảnh: @thanhlocnguyen.

Là nghệ sĩ tên tuổi nhưng Thành Lộc không hoạt động nhiều trên mạng xã hội. Trang cá nhân của anh set (để) chế độ chỉ bạn bè có thể theo dõi. Trách nhiệm nghề nghiệp của Thành Lộc còn thể hiện trong việc luôn quan tâm đến hình thể, sức khỏe. Nam nghệ sĩ luôn duy trì cân nặng dưới 60 kg để linh hoạt trên sân khấu. Nghệ sĩ chú trọng lối sống khoa học, chăm sóc da, tránh xa thói quen xấu.

Thành Lộc cũng nói không với game show. Bản thân anh từng nhận nhiều lời mời tham gia các chương trình truyền hình nhưng đều từ chối. “Khi một nghệ sĩ góp mặt trong chương trình truyền hình nào đó, ít nhiều chúng ta sẽ phải phô diễn những gì thuộc về con người thật. Rồi khi bước vào thế giới nhân vật trong một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó công chúng sẽ hết tin vào sự hóa thân của người diễn viên. Nói gì thì nói, giữa nghệ sĩ và công chúng phải có một khoảng cách an toàn. Khoảng cách đó chính là độ lung linh để khi nhập vai, diễn viên thuyết phục được khán giả”, ông chia sẻ trên Zing.

Với đồng nghiệp, học trò hay bản thân, Thành Lộc chưa bao giờ cho phép mình dễ dãi, nhất là trong công việc. Nhiều nghệ sĩ nhận xét anh khó tính và lo lắng khi làm việc với Thành Lộc. Tuy nhiên, Thành Lộc nói sự dễ dãi trong nghệ thuật là con dao giết chết nghệ sĩ.

Điều đáng quý ở Thành Lộc là chưa từng kể khổ về công việc. Khán giả không thấy anh than thở về bệnh tật, áp lực sau ánh hào quang. Trong một talkshow, nghệ sĩ nhấn mạnh: “Đã chấp nhận xem đó là nghề thì anh có tiền chứ đâu làm không công. Ký một hợp đồng được mấy trăm triệu đồng nên hy sinh là điều bắt buộc. Đừng kể khổ với khán giả, chỉ làm mọi thứ mắc cười thôi”.

Nhiều nguyên tắc nghề nghiệp được Thành Lộc giữ vững trong mấy thập kỷ hoạt động nghệ thuật. Tâm huyết với nghề diễn, sự tử tế với đồng nghiệp, khán giả của anh tạo nên sức hút bền vững.

Thành Lộc từng nói: “Ai cũng có thể thay thế”. Tuy nhiên, với nhiều khán giả, Thành Lộc đang là một người rất khó thay thế.

Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.

Đêm diễn cuối cùng của Thành Lộc ở Idecaf, khán giả òa khóc

Đêm diễn cuối cùng của NSƯT Thành Lộc tại Sân khấu kịch Idecaf khiến nhiều người xem xúc động. Một số khán giả không mua được vé, nhất quyết ngồi đợi bên ngoài để gặp nghệ sĩ.

Tâm An

Bạn có thể quan tâm