30 năm qua, hàng trăm cán bộ chiến sĩ bị thương, lâm trọng bệnh, thậm chí có người hy sinh; nhưng ý chí kiếm tìm đồng đội vẫn như ngọn lửa không bao giờ tắt.
Hành trình gian khổ trên xứ Triệu Voi
Đất Lào phần lớn là đồi núi hiểm trở, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm rất lớn, mặt đất rắn đanh. Các cán bộ chiến sĩ trong đội quy tập dù được rèn luyện nhưng rất dễ suy sụp trong điều kiện khắc nghiệt đó.
Đội quy tập trên cánh đồng Chum (Lào). Ảnh tư liệu. |
Những năm đầu, tình hình ở Lào khá phức tạp, nhất là ở vùng rừng núi có nhiều toán phỉ hoành hành. Các phần mộ lại chủ yếu nằm trong rừng núi sâu, phải đi bộ nhiều ngày trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt.
Theo đại úy Lê Thanh Phong, hàng năm khi mùa khô kết thúc, đội quy tập lại được chia làm hai. Một nửa quân số trở về Việt Nam tiếp tục huấn luyện, nửa còn lại bám trụ địa bàn giúp dân địa phương phát triển kinh tế, nắm thông tin từ cơ sở, nhất là ở vùng rừng núi để hạn chế bớt khó khăn.
“Chiến tranh kết thúc đã hàng chục năm, địa hình ngày xưa hôm nay đã thay đổi hoàn toàn nên anh em rất khó khăn để tìm kiếm, xác định.
Mỗi một nhát cuốc bổ xuống đều mang theo hy vọng, mỗi một phần mộ khai quật được, dù chỉ còn một nắm đất đen thôi cũng khiến mọi người rưng rưng”, đại úy Phong nói.
Đại tá Lê Ngọc Hương, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ thêm: "Việc tìm kiếm, quy tập rất khó khăn, vì địa bàn rộng, thông tin phần mộ chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đèo cao, núi thẳm.
Cựu chiến binh biết thông tin phần mộ đồng đội thì đã già yếu, trí nhớ giảm. Ăn, ở trong rừng sâu nhiều ngày, một số chiến sĩ bị sốt rét, đau ốm...".
Rưng rưng xúc động trước hài cốt các liệt sĩ. Ảnh tư liệu. |
Mặc dù thế, các đơn vị vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Từ năm 1999 - 2013, Đội quy tập mộ liệt sĩ BCHQS Hà Tĩnh quy tập được 685 mộ trên đất Lào, trong đó tỉnh Viêng Chăn 129 mộ, Thủ đô Viêng Chăn 111 mộ, Bô Li Khăm Xay 445 mộ.
Thượng tá Phạm Văn Thìn, Trợ lý phòng chính sách, Cục Chính trị, QK4 cho biết, trong 30 năm, QK4 đã có 11 người hy sinh, trên 50 người bị thương, gần 100 người bị bệnh hiểm nghèo, gần như 100% cán bộ chiến sĩ mắc bệnh sốt rét.
“Những mất mát, hy sinh là không hề nhỏ. Nhưng chúng tôi đã quán triệt tinh thần cho anh em, dù khó khăn vất vả đến mấy cũng sẵn sàng đương đầu, hoàn thành sứ mệnh lớn lao là mang hài cốt chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam về an táng trong lòng đất Mẹ”, thượng tá Thìn trầm ngâm.
Những trăn trở trong hành trình kiếm tìm đồng đội
Mùa khô 2005, thiếu tá Phạm Xuân Tám, Trợ lý chính trị BCHQS Nghệ An khi đó mới đeo hàm đại úy là mũi phó của đội quy tập.
Truy điệu và an táng các hài cốt liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sĩ. |
Từ các thông tin chắp nối, đội quy tập đi bộ mất một ngày đường, từ huyện lỵ Khệt-nậm-pết (Xiêng Khoảng) vượt đường đồi núi cheo leo hiểm trở, đến một hẻm núi nhỏ chếch ở hướng Tây thì phát hiện 2 ngôi mộ được đắp song song.
“Khi đến nơi đã khoảng 2h chiều. Anh em đào đến 4h chiều mới cất bốc xong phần mộ. Mọi người đều rưng rưng khi hài cốt được đưa lên.
Bất chợt anh em phát hiện một lọ thủy tinh nhỏ màu đỏ đã bị vỡ, bên trong có mẩu giấy nhỏ. Tuy nhiên khi mọi người vừa kịp đưa chiếc lọ lên thì mẩu giấy đã tiêu tan. Anh em chỉ biết nhìn nhau…”, thiếu tá Tám mắt rưng rưng.
Anh từng có thời gian ăn rừng ngủ suối, gắn bó trực tiếp với nhiều vùng đất Lào trong quá trình quy tập mộ liệt sĩ. Những tháng ngày đã qua và anh đã ở nhiệm vụ mới, nhưng hai phần mộ trên cao nguyên Xiêng Khoảng vẫn là nỗi trăn trở lớn với sĩ quan này.
Thượng tá Phạm Văn Thìn cho hay, khó khăn lớn nhất đối với các đội quy tập đó là thiếu thông tin. Những người biết thông tin ngày càng ít, các đơn vị rất khó khăn khi tiếp cận địa bàn.
“Hiện vẫn còn nhiều cựu chiến binh, nhiều đồng bào nắm được các thông tin về phần mộ liệt sĩ. Rất mong các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương để nhân dân cung cấp thông tin cho các đội quy tập”, thượng tá Thìn nhấn mạnh.