Kiêu hãnh trước mọi người và trong mắt đàn ông
- Nhà thơ Dương Tường từng đưa ra một tuyên ngôn trong tập thơ Mea culpa và những bài khác (Mea culpa trong tiếng La tinh có nghĩa là “Lỗi tại tôi”): “Tôi đứng về phe nước mắt”. Bản thân chị từng gắn liền với hình ảnh “Người đàn bà hát”, giờ lại là liveshow “Người đàn bà yêu”, có vẻ chị quan tâm nhiều đến yếu tố nữ giới trong nghệ thuật?
- Tôi nghĩ không cần bàn về giới tính vì nó là thứ sẵn có trong người mình nên đâu nhất thiết phải phân biệt nam hay nữ. Còn trong sáng tạo nghệ thuật, tư tưởng sáng tạo của nữ vẫn khác nam giới.
Với tình yêu, khi đã đi qua đủ một quãng thời gian của cuộc sống, tôi thấy trong người đàn bà hát đã có cả tình yêu. Tình yêu không đơn thuần chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là những cảm xúc, những hoài niệm, ký ức của đời sống, những khoảnh khắc mình đang vượt qua. Trong “người đàn bà yêu” là tình yêu ở mỗi bài hát, chúng không có giới hạn. Bây giờ, tình yêu của tôi đã chín muồi, đủ để cảm nhận những giá trị của cuộc sống xung quanh.
- Đúng là đàn bà đến một độ tuổi nào đó thường hoài niệm về quá khứ, về những khoảnh khắc được là chính mình ở thời tuổi trẻ?
- Hoài niệm của tôi không phải là những phút giây yêu đương, suy nghĩ điên cuồng, mà chính là khoảnh khắc lãng mạn của đời sống. Sự lãng mạn với tôi rất giản dị. Đó có thể là một buổi chiều được bố dẫn đi hái rau dại về nấu canh cùng em trai (nhạc sĩ Trí Minh) vì hồi đó nhà rất nghèo.
Tôi cũng không phải người thích hoài niệm bởi cuộc sống nên sống tốt nhất ở thì hiện tại, hiện tại được hình thành bởi quá khứ. Thế nên, quá khứ luôn đi theo mình chứ có mất đi đâu phải hoài niệm.
- Chị bảo tình yêu của mình đã chín muồi, có vẻ như đây là thời điểm đẹp nhất để thăng hoa với nghệ thuật, với các cung bậc cảm xúc của người đàn bà?
- Nếu là một người tân tiến và văn minh, họ đều sống đúng với lứa tuổi đang có. Mình đang có vẻ đẹp của lứa tuổi bây giờ, còn 20 năm trước lại có sự trong trẻo của thanh niên. Mỗi khoảnh khắc đều có giá trị nhất định.
Tôi thấy mình đẹp nhất khi có cả chiều sâu tâm hồn cũng như văn minh của xã hội hiện đại. Tôi thích mình của bây giờ hơn vì có sự tự tin, chín muồi của người phụ nữ, có đầy đủ tố chất để kiêu hãnh trước mọi người và trong mắt người đàn ông.
- Để có được sự chín muồi và kiêu hãnh ấy, chị có phải trải qua những khoảnh khắc khiến mình ân hận, day dứt chưa?
- Không ai sống một cuộc đời không có lỗi. Tôi luôn nghĩ những khó khăn vấp phải bây giờ là do kiếp trước mình đã làm điều gì đó không đúng, hoặc làm một vài người đau lòng, nên giờ phải trả giá. Tôi học được cách đối diện với khó khăn, không hèn nữa.
Từ trước đến nay, tôi đã là người trung thực, mà người trung thực không bao giờ là người xấu. Người ta có thể đàm tiếu này nọ về tôi, nhưng không ai dám nói tôi là một người đàn bà không trung thực. Càng hiểu mình, tôi càng sống có ý thức hơn.
“Tôi chỉ yếu đuối trong tình yêu”
- Là con gái trong một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng, tuổi thơ của chị có thiếu vắng hình bóng cha mẹ không, vì thời ấy như tôi biết, các nghệ sĩ thường xuyên xa nhà?
- Tôi có một tuổi thơ tuyệt vời và bình dị. Tôi vẫn nhớ hồi đó 4 tuổi, ba đi xe đạp, chở tôi ngồi trong chiếc ghế mây ở khu Chiều Khúc. Tôi nhớ rõ đó là con đường đất đi giữa ruộng lúa rất đẹp. Với tôi, cánh đồng lúa khi ấy như một bức tranh ngợp mát của ký ức. Rồi những buổi chiều xâm xẩm như chiều nay, cà cuống bay đầy nhà, ba và em trai đi bắt cà cuống, muồm muỗm về nướng ăn, nhặt rau dại ven đường về nấu canh. Hồi đó, nhà tôi ăn mì ép và cơm độn. Thương lắm!
Tôi nhớ những buổi sáng ba dậy rang mì ép với đường cho con ăn sáng, đến tối lại nhào mì ép đó nấu chè cho con ăn. Ông còn nặn mỳ thành hình những con chó, con gà, con thỏ, bỏ vào nồi để khi nào sôi nó nổi lên là ăn được. Tôi nhớ ba cho ăn một cái bánh mỳ chấm sữa mà ngon giống như bây giờ mình được vào khách sạn Metropole ăn bánh pizza.
Từ những ký ức đó, tôi mới phát hiện giá trị của cuộc sống là sự cảm nhận, không phải là những thứ đong đếm được bằng vật chất. Đến tuổi này, tôi mới nhận ra giá trị chính là sự cảm nhận nó, sợ nhất là một cuộc sống vô cảm không còn cảm xúc. Mình có được một tâm hồn tương đối phong phú vì đã trải qua một tuổi thơ rất tuyệt vời nên tôi trân trọng điều đó.
- Thông thường, con gái yêu bố còn con trai yêu mẹ, ba chị có ảnh hưởng với chị nhiều hơn hay mẹ chị?
- Tôi lại nghĩ con gái dễ gần với ba hơn vì thuận âm dương, tình yêu với mẹ cũng vẫn như vậy nhưng mình không biểu cảm dễ như với ba. Rất may mắn, tôi được thừa hưởng tâm hồn phong phú từ ba và sức khỏe tốt từ mẹ. Ba dành cho tôi tình cảm rất tuyệt vời, tôi vẫn luôn thầm nhủ rằng trên đời này, ai mà yêu mình như ba thì đó mới là tình yêu thật sự.
Tình yêu thật sự không có điều kiện, tôi thấy tình yêu của mọi người dành cho mình đều có điều kiện cho đi - nhận lại hết, vì phải công bằng tình yêu ấy mới phát triển. Nhưng tình yêu của ba dành cho tôi không cần sự công bằng đó. Tôi cũng tự hào mình đã đáp lại được tình cảm của cha. Tất nhiên, mình không phải đứa con ngoan ngoãn bảo gì nghe nấy, nhưng những kỳ vọng của ba dành cho tôi, phần nào tôi đã thực hiện được.
Tuy vậy, đôi lúc trong cuộc sống, mình vẫn làm ba lo lắng, nhưng người có cá tính mạnh như mình có bao giờ bình thường đâu? Không phải mình không an phận, tôi cũng rất mong muốn có một cuộc sống bình thường, nhưng số phận đã an bài sẵn vậy rồi.
- Nhạc sĩ Minh Trí, em trai chị, có bao giờ ghen tỵ tình cảm ba dành cho chị nhiều hơn?
- Bình thường chị em sát tuổi rất hay chí chóe, tôi và Thắng (tên ở nhà của Minh Trí) lại chỉ chênh nhau 3 tuổi, nhưng từ nhỏ tôi đã luôn nhường em. Tôi thấy em được ăn miếng ngon hơn, cặp sách đẹp hơn là điều bình thường. Lúc nhỏ đã vậy nên hai chị em có cuộc sống bình yên bên nhau. Có thể ba yêu tôi nhiều hơn, còn Thắng có chạnh lòng không thì chưa biết được.
- Minh Trí là người điềm tĩnh, ít xốc nổi, hẳn lúc nhỏ anh ấy là người bảo vệ chị trước những trò chơi của đám con nít?
- Trông vậy thôi, tôi cũng là một người quyết liệt lắm. Tôi chỉ yếu đuối trong tình yêu, còn bình thường dám làm dám chịu, dám đương đầu với những khó khăn, nên không tới mức Thắng phải đóng vai trò bảo vệ.
Thắng là một người rất tân tiến, thông minh và hoạt ngôn. Thắng hơi giống tính mẹ, là một người đơn giản nên không phải chịu nhiều áp lực như tôi. Thắng phấn đấu và vươn lên đúng như hiện tại mình có mà không quá áp lực trong chuyện bản thân muốn mình thế nào. Tôi thấy mình chịu áp lực nhiều hơn, có thể do tôi là phụ nữ.
- Trên trang cá nhân, gần đây chị thường đăng tải nhiều hình ảnh về gia đình mình, nhất là hình ảnh với ba?
- Tôi có viết về ký ức cũ. Như là chuyện một buổi tối trời mưa bố chở tôi đi hát khi tôi còn bé, hai bố con chở nhau đi lên đống rác ngã uỵch xuống rồi lại loi ngoi đứng dậy, hát xong bố đón tôi về. Ba tôi bây giờ cũng già rồi, có nói ông cũng chẳng hiểu nữa. Khi cha mẹ già đi, sự hoài niệm về gia đình của tôi trỗi dậy mạnh hơn. Có những khoảng thời gian tôi sống cùng ba, vì mẹ hay đi biểu diễn. Lúc đó, tôi ở Hà Nội với ba từ 9 tuổi, mẹ đi diễn trong Sài Gòn đến năm tôi 13 tuổi mới về. Ba gà trống nuôi hai đứa con, nhưng chị em tôi ngoan lắm, chỉ lớn tôi mới hư thôi (cười).
Thật ra, lúc yêu tôi mới hư! Đàn bà mà. Khi vướng vào tình yêu là nó lôi mình đi chệch hướng, người càng mơ mộng, lãng mạn lại càng dễ sai đường. Người ta thường ví con gái như hạt mưa sa, nên phụ thuộc vào người đàn ông lắm. Nếu may mắn gặp được một tình yêu đầu tiên đẹp đẽ, nó sẽ giúp mình đi đúng hướng nhưng nếu gặp một tình yêu không may mắn, nó sẽ tạo ra một vết sẹo trong tâm lý sống của người phụ nữ.
Thương nhất là người phụ nữ trải qua nhiều cung bậc cuộc sống
- Nghĩa là tình yêu đầu tiên chi phối cả đời sống của mình sau này?
- Không, nó làm mình bị lệch hướng. Thương nhất là người phụ nữ từng trải vì họ phải trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống. Một người phụ nữ càng được trong trẻo mới là người phụ nữ hạnh phúc.
- Nhưng sự từng trải lại là điều cần thiết với nghệ sĩ, nó cho họ đầy đủ cung bậc cảm xúc để thăng hoa với nghệ thuật?
- Không phải! Con người làm nghệ thuật ngay từ khi sinh ra đã có sẵn cảm xúc. Diễn viên có thể hóa thân vào nhiều vai diễn, ca sĩ cũng hát được nhiều bài hát, không phải từng trải mới hát được đủ những cung bậc của cuộc sống. Trong cái từng trải đó, người ta có thể hiểu là những va vấp thăng trầm.
- Chị có thương sự từng trải của mình không?
- Thương chứ! Đó là sự thiệt thòi của tôi. Nếu cuộc sống suôn sẻ có khi mình đã giữ được cái trong sáng, không có những tia vẩn đục trong trái tim mình. Sự từng trải làm tổn thương người phụ nữ, khi bị một vết thương bao giờ cũng để lại sẹo, khiến mình không nhận định đúng về tình yêu. Cũng có thể vì tôi coi tình yêu to tát quá.
Với anh Quốc Trung, trong thời gian sống chung, chúng tôi đã làm những điều tốt đẹp nhất cho nhau, số phận cho sống cùng được bao lâu mình còn sống. Trong cuộc sống, có khi những mắt xích chỉ lỏng ra một chút thôi là đã xa cách nhau rồi.
- Chị là một phụ nữ bản lĩnh, sự từng trải trong chị suy cho cùng là từ yếu tố tình cảm?
- Đúng vậy! Sự từng trải ấy chỉ là những cái kém may mắn trong tình yêu, chẳng hạn ở thời điểm này có thể mình không hành xử như thế nhưng lúc đó mình lại làm khác.
- Nhưng cũng xem là may mắn, vì nếu không làm sao chị có một đời sống hạnh phúc như hiện tại?
- Tôi cảm ơn những năm tháng trải nghiệm đó vì tôi học được nhiều điều, biết quý hơn cuộc sống và hạnh phúc giản dị mình đang có. Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ hạnh phúc là một thứ gì giản dị, mình cứ luôn cho rằng nó rất to lớn. Thật ra, tình yêu hay hạnh phúc nó chỉ là thứ giản dị xung quanh mình và mang nhiều màu sắc khác nhau.
- Cũng vì chị chưa từng hạnh phúc trong quá khứ?
- Đúng rồi! Nó giống như một loại trầm cảm, vì bị lệch hướng ngay từ mối tình đầu. Phải trải qua những trải nghiệm cuộc sống khiến tâm hồn mình bị chai sạn, không tốt tí nào, nhưng nó là số phận.
- Tuổi trẻ ai cũng từng nghĩ tôi sẽ chết vì tình yêu. Đó là những trải nghiệm, vấp váp khó khăn mà tuổi trẻ nào cũng có, nhưng gia đình đã nâng đỡ chị như thế nào?
- Tôi là người sống kín đáo, chẳng chia sẻ với ai cả nhưng ba tôi biết hết. Có một câu chuyện rất đáng yêu thế này. Một hôm tôi dọn dẹp phòng làm việc của ba và thấy rơi ra một túi nhỏ trong đó có cái khăn màu trắng. Trong cái khăn đó có miếng giấy cháy đen, mở miếng giấy ra thấy ba viết: “Chiếc khăn này mình đã rút ra để bắc nồi bột cho con nên đã làm cháy, lúc con được 3 tháng tuổi”. Lúc nhìn thấy cái khăn đó, tôi 32 tuổi, thấy dễ thương không?
Điều ông lo nhất là tại sao tôi đi lấy chồng sớm như vậy, ông thương tôi lắm. Tôi chưa thấy ánh mắt nào buồn như ánh mắt ba lúc tôi đi lấy chồng và đẻ con. Ánh mắt thất thần đó, có lẽ ám ảnh suốt cuộc đời mình.
Ông không tưởng tượng nổi một đứa con gái mới lớn, còn trong trắng như vậy đã phải trải qua những thăng trầm của người mẹ sớm như vậy. Lúc 19 tuổi tôi đã làm mẹ. Có lẽ, lúc đó ông cũng bị vỡ mộng vì đã kỳ vọng rất nhiều vào con gái, mà người phụ nữ sinh con có thể đánh mất mọi thứ. Ba cũng lo lắng cho những thử thách của tôi trong cuộc sống, nhưng ông cũng biết tôi là người dám làm và dám đón nhận cái giá phải trả.
Giờ tôi cũng đã một phần đáp lại được sự kỳ vọng của cha mẹ, cha mẹ tôi đã chấp nhận tôi ngay cả lúc ngoan, hư như đúng con người tôi có.