Chốt phiên, VN-Index giảm 11,77 điểm (-0,92%) xuống 1.270,8 điểm; HNX giảm 3,96 điểm (-1,32%) xuống 295,54 điểm; UPCoM giảm 1,31 điểm (-1,41%) xuống 91,58 điểm. Thanh khoản toàn thị trường vượt 24.000 tỷ đồng, cao hơn phiên giao dịch gần nhất khoảng 26%.
Tổng cộng, thị trường ghi nhận 610 mã giảm, 772 mã đứng giá, số mã tăng nâng lên 174, 30 mã nằm sàn và 28 mã tăng trần.
Ba mã nằm trong rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 là MWG, GAS, BVH đã lấy lại sắc xanh, lần lượt tăng 2,5%, 2% và 0,5%. Bên cạnh đó, VCB, SAB, MSN đã lấy lại tham chiếu. VN30 thu hẹp thiệt hại 13,56 điểm xuống 1.293,25 điểm. Thanh khoản cả phiên đạt 6.500 tỷ đồng.
Sự ảnh hưởng tiêu cực của các cổ phiếu trụ như VIC, HPG, TCB, NVL, VHM, CTG cũng hạ nhiệt dần. Việc một số cổ phiếu phân bón như DCM, DPM, DGC hay cổ phiếu thuộc VN30 như GAS, MWG vươn lên đã giúp chỉ số cải thiện hiệu suất.
Lực cầu "chiếm sóng" trong phiên chiều. Ảnh: DNSE. |
Ngoài ra, dòng tiền đang tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu dầu khí, tiêu biểu như PVB (3,49%), PVC (10%), PVD (6,97%) và PVS (5,93%), PVT (3,46%). Hai cổ phiếu như PVT và PVD cũng được khối ngoại mua ròng tổng cộng 34 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán sau chuỗi ngày có hiệu suất tăng trưởng tốt đến nay bị giới đầu tư quay lưng. Nhóm có tới 23 mã giảm và chỉ có FTS (CTCP Chứng khoán FPT) giữ được tham chiếu, VCI (CTCP Chứng khoán Bản Việt) tăng giá (1,6%). ART (CTCP Chứng khoán BOS) là mã duy nhất nằm sàn, đây đồng thời là cổ phiếu nằm trong “họ FLC”.
Tương tự, danh mục cổ phiếu bất động sản diễn biến kém khả quan khi đa số mã có vốn hóa lớn nhất như VHM, VIC, NVL, BCM, DIG, DXG, KDH… đều điều chỉnh. Cổ phiếu của ITA (CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo) sau lùm xùm giao dịch chuyển tiền cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến liên tục giảm và nằm sàn trong phiên lần này.
Thanh khoản trên HoSE áp đảo phiên 26/8. Ảnh: VNDirect. |
Hai cổ phiếu chứng khoán là VND và SSI nằm trong nhóm phát sinh giá trị giao dịch lớn nhất, lần lượt đạt 818 tỷ đồng và 606 tỷ đồng. Ngoài ra còn có HPG (744 tỷ đồng), DXG (622 tỷ đồng), VPB (556 tỷ đồng).
Khối ngoại trong phiên này giao dịch khớp lệnh trên 1.660 tỷ đồng, bán ròng 11,6 triệu cổ phiếu, tương đương 373 tỷ đồng. Đây cũng là giá trị cao nhất kể từ thời điểm giữa tháng 7.
Đáng chú ý, TLG (CTCP Tập đoàn Thiên Long) dẫn đầu danh mục bị nhà đầu tư quốc tế bán ròng, khoảng 101 tỷ đồng. Kế sau là DGC (53,9 tỷ đồng), quỹ FUEVFVND (27,4 tỷ đồng), HPG (33,3 tỷ đồng).
Đây là phiên đầu tiên áp dụng quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán mới. Theo đó, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.