Chiều 9/10, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị này vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tạm dừng trồng mới cây cao su năm 2015.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao trồng cao su năm 2015 là 800 ha. Trong đó, cao su tiểu điền 500 ha, cao su đại điền 300 ha. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH Một thành viên cao su Thanh Hóa và các hộ dân vẫn chưa trồng theo kế hoạch. Thực tế cho thấy, diện tích trồng mới cao su năm 2015 đến nay chỉ được 1 ha tại huyện Thọ Xuân.
Nguyên nhân người dân không trồng mới cây cao su là giá mủ trên thị trường thế giới và trong nước ở mức rất thấp. Hiện nay, giá thị trường chỉ được 23.000 đến 25.000 đồng/kg mủ quy khô, bằng một nửa so với ba năm trước. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ mủ cao su rất khó khăn, người trồng cao su không có lãi.
Việc trồng mới cao su cần nguồn vốn lớn, phải 7 đến 10 năm mới cho thu hoạch, nên người dân không còn mặn mà. Do vậy, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh tạm dừng kế hoạch trồng mới cao su năm 2015; tập trung chỉ đạo duy trì, chăm sóc diện tích cao su hiện có.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình phát triển cao su là chương trình quan trọng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cao su giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 269/2011/QĐ-UBND (ngày 21-1-2011), với mức hỗ trợ 9 triệu đồng/ha cao su trồng mới và chăm sóc hai năm đầu.
UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành, huyện có liên quan rà soát, đánh giá cụ thể kết quả trồng cao su trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/10.
Cũng theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hiện nay tổng diện tích cao su trên toàn tỉnh là gần 20.000 ha, trong đó tập trung ở các huyện: Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành…
Toàn tỉnh hiện có hơn 6.400 ha cao su đang cho thu hoạch mủ, sản lượng đạt hơn 6.000 tấn/năm.