Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thánh địa' thời trang Hàn Quốc dựa vào livestream để hút khách TQ

Dẫn chương trình mua sắm livestream trở thành nghề nghiệp mới thú vị cho thanh niên Trung Quốc trong khi các thương nhân Hàn Quốc lấy lại khách hàng nhờ dịch vụ độc đáo này.

Đèn máy quay chiếu qua Đinh Tiểu Bình khi cô đứng trong phòng khách theo phong cách tối giản, dùng chiếc iPhone để "lên sóng". Với kiểu tóc nâu thời thượng và son môi màu san hô tươi sáng, Đinh giới thiệu bằng tiếng Quan thoại với 2.000 người đang theo dõi cô phát sóng trực tiếp trên tài khoản Taobao. Sản phẩm Đinh giới thiệu là chiếc quần short màu hồng pastel cao cấp mà cô sẽ mặc trong 10 phút tiếp theo, cho đến khi cô thay trang phục khác.

Theo South China Morning Post, đối với nhiều người tiêu dùng và nhà bán lẻ Trung Quốc, mua sắm livestream đang là phương thức marketing thời thượng với hàng nghìn chương trình như của Đinh được thực hiện và xem mỗi ngày.

Nhưng Đinh không quay chương trình của cô từ Trung Quốc. Trong sáu tháng qua, cô livestream từ một studio ở Seoul, Hàn Quốc.

thoi trang Han Quoc anh 1
Đinh Tiểu Bình trưng bày quần áo cho chợ bán buôn thời trang Dongdaemun. Ảnh: South China Morning Post.

Lớn lên cùng phim truyền hình Hàn Quốc và nghe K-pop ở Thái Châu, một thành phố ven biển thuộc tỉnh Chiết Giang, Đinh luôn mơ ước được làm việc tại Hàn Quốc. 

Mong ước của cô đã thành hiện thực vào năm ngoái khi cô được một doanh nghiệp địa phương thuê làm người dẫn chương trình livestream (còn gọi là zhi bo ở Trung Quốc). Cô là một trong khoảng 600 người Trung Quốc hoạt động ở Dongdaemun, "thánh địa" thời trang của Seoul. 

Bắt kịp xu hướng

Theo công ty nghiên cứu kỹ thuật số L2, Trung Quốc là thị trường bán hàng livestream lớn nhất thế giới, với hơn 100 triệu người xem hàng tháng của các kênh như vậy và thu về doanh thu 4,4 tỷ USD chỉ riêng trong năm ngoái.

Các thương nhân thời trang Hàn Quốc đang theo kịp xu hướng, cố gắng thâm nhập vào thị trường béo bở trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc suy giảm do Bắc Kinh tẩy chay việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.

Từ năm 2016 đến giữa năm 2018, Bắc Kinh đã giới hạn các tour du lịch theo nhóm tới Hàn Quốc. Khách Trung Quốc đến Hàn Quốc đã giảm từ hơn 600.000 lượt vào tháng 4/2016 xuống còn khoảng 227.000 lượt vào tháng 4/2018.

Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào tháng 8/2018, du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với số lượng khách chỉ đạt 493.000 vào tháng 4 năm nay - tăng 34,5% nhưng không đủ để phục hồi trung tâm bán buôn thời trang Dongdaemun của Seoul.

thoi trang Han Quoc anh 2
Jang Dong Youn và Hwang Kyo Jun, các thương nhân của trung tâm bán buôn thời trang Dongdaemun, đang sử dụng dịch vụ livestream để thu hút khách hàng Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

Các mặt hàng xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc như K-pop (âm nhạc đại chúng Hàn Quốc) và K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc) là mục tiêu chính trong chiến dịch tẩy chay của Trung Quốc. Mặc dù không có lệnh cấm nhập khẩu rõ ràng đối với quần áo, nhiều nhà bán buôn nhận thấy lô hàng của họ bị hải quan Trung Quốc từ chối.

Ngay cả khi lệnh cấm vì THAAD đã được dỡ bỏ và hàng hóa không bị hải quan chặn lại, các khách hàng ở Trung Quốc không quay lại Hàn Quốc mà tìm đến những lựa chọn thay thế.

Trước tình hình đó, các thương nhân đã ra mắt dịch vụ phát trực tiếp cho người xem Trung Quốc sau khi nhận thấy hiệu quả của cách làm này. Zhi bo nhanh chóng trở thành những nhân vật quyền lực ở Dongdaemun khi họ bắt đầu thu hút khách hàng mới cho 20.000 nhà bán buôn trong khu vực.

Giảm bớt lo ngại của người tiêu dùng

Trong khi hầu hết zhi bo ở Dongdaemun tự kinh doanh và điều hành các kênh mua sắm của riêng họ trên các nền tảng như Taobao, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng dịch vụ của họ ngày càng tăng vì họ hiểu tầm quan trọng của các zhi bo trong hệ sinh thái thương mại điện tử của Trung Quốc.

Hwang Kyo Jun, nhà thiết kế thời trang và giám đốc điều hành của A. Glow, một kênh mua sắm của Hàn Quốc, cho biết livestream hiện rất quan trọng đối với mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc.

"Người Trung Quốc muốn biết sự thật về sản phẩm. Họ muốn biết mọi thứ từ nguồn gốc đến các kênh phân phối. Hầu hết trung tâm thương mại trực tuyến của Hàn Quốc đều có ảnh nhưng không đảm bảo rằng những gì bạn nhận được sẽ giống như trong ảnh", ông nói.

Hwang cho biết ông nhận thấy xu hướng tương tự trên khắp châu Á: mua sắm livestream phát sinh để giảm bớt những lo ngại của người tiêu dùng về tính xác thực.

Trong khi các nền tảng như YouTube, Facebook và Instagram đều bị cấm ở Trung Quốc, các zhi bo trên Taobao là những người có ảnh hưởng lớn nhất. 

Dẫn chương trình mua sắm livestream đã trở thành nghề nghiệp mới thú vị cho hàng triệu thanh niên Trung Quốc, tương tự Đinh Tiểu Bình.

Cô sẽ tiếp tục làm zhi bo trong tương lai gần. Cô nói rằng gia đình và bạn bè ủng hộ sự lựa chọn của cô đối với sự nghiệp độc đáo này.

Dù cô phải thay hơn 48 bộ trang phục khác nhau mỗi tối, sự phấn khích của việc phát sóng trực tiếp không biến mất.

"Livestream giống như trò chuyện với hàng nghìn người, vì vậy nó rất vui. Tôi cho họ lời khuyên nên đi đâu khi đến Hàn Quốc và tất nhiên, hướng dẫn họ cách ăn mặc phù hợp với thời tiết ở đây", cô nói.

'Rình rập để hiếp dâm': Nỗi sợ hãi bủa vây phụ nữ Hàn sống một mình

Những phụ nữ sống một mình ở Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều kẻ "rình rập để cưỡng hiếp" trên đường về nhà.

Công việc ‘nhiều người thèm muốn’ ở đại bản doanh Huawei

Huawei được miêu tả là "công ty trả lương cao nhất nhì Trung Quốc cho nhân lực trình độ cao" và "nhiều người thèm muốn được làm việc ở đây".

Tuyết Mai

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm