Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thành công lớn nhất là giữ được lòng tin thị trường'

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá, tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được nhiều thành công hơn, qua đó tạo động lực để cơ cấu lại các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

- Cho đến nay, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đi gần hết chặng đường của giai đoạn 2011-2015. Có ý kiến cho rằng dường như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả nổi trội hơn. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đúng vậy, đó là điều được ghi nhận trên thực tế từ nhiều luồng ý kiến khác nhau, cả trong và ngoài nước. Mặc dù tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng đã đạt được những kết quả tích cực, song khách quan mà nói thì tái cơ cấu ngân hàng đã đi đúng hướng, đúng tiến độ và đạt được nhiều thành công hơn cả, tạo ra những hiệu ứng tích cực tới toàn thị trường và cả nền kinh tế. 

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để tái cơ cấu kinh tế thành công thì vai trò hàng đầu thuộc về ngành ngân hàng. Vì tuy thực hiện đồng thời với cả hai lĩnh vực trên, nhưng tái cơ cấu ngân hàng đã đi trước một bước, tạo ra kênh dẫn vốn tốt, tạo lòng tin và điều kiện để ổn định thị trường tài chính…, từ đó tạo động lực cho tái cơ cấu các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

- Vậy theo ông, đâu là những kết quả ấn tượng, nổi bật nhất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua?

- Chúng ta có thể thấy rất rõ thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn. Đặc biệt, niềm tin của người dân và thị trường vào VND và cam kết của NHNN được củng cố và đảm bảo, không hề có hiện tượng rút tiền ồ ạt tại các NHTM hợp nhất, sáp nhập, bị mua lại. 

Bên cạnh đó, xu hướng các NHTM nội địa giảm số lượng, gia tăng về chất lượng đã được thể hiện rõ nét, nhưng không vì thế mà quy mô thị trường và thị phần bị thu hẹp lại. Nợ xấu đang từng bước được giải quyết hiệu quả. Các ngân hàng cũng đã từng bước tiếp cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ, quản trị, minh bạch thông tin…, đồng thời, từng bước củng cố, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình và toàn hệ thống.

Ngoài ra, một thành công khác không thể không nhắc đến đó là sự cải thiện đáng kể của hệ thống pháp lý, tạo “đường ray” thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đi nhanh và đúng hướng, đồng thời, mở rộng “cửa” hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, năm 2015 là năm hoạt động tái cơ cấu được đẩy mạnh, với việc NHNN sử dụng các biện pháp xử lý TCTD hoạt động yếu kém là: tự nguyện sáp nhập, hợp nhất, mua lại; tự chấn chỉnh, củng cố; NHNN mua lại bắt buộc và chỉ định các NHTM nhà nước tham gia tái cơ cấu. Các biện pháp này được triển khai đồng bộ, đã mang lại những kết quả tích cực. Các địa chỉ, mục tiêu, tiêu chí về tái cơ cấu cũng ngày càng rõ ràng, sát thực hơn. 

Tất cả các giải pháp và những kết quả đạt được đã tạo được lòng tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng. Tôi cho đó là thành công lớn nhất của NHNN trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

- Gần đây, để xử lý những ngân hàng yếu kém không thể tự cơ cấu lại, NHNN đã sử dụng biện pháp mua lại với giá 0 đồng/cổ phần. Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được xem là “mạnh tay” này?

- Đây là một động thái mới của NHNN thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam. Biện pháp này cũng cho thấy có sự chuyển biến từ chủ trương “không để ngân hàng nào đổ vỡ” sang buộc phải sáp nhập hoặc bán lại, mang tính quyết liệt hơn và căn bản hơn, khắc phục sự ngộ nhận và tâm lý trông chờ vào sự “cứu giúp” của Nhà nước. 

Hơn nữa, hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực rất nhạy cảm, trong đó yếu tố tâm lý là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc tuyên bố phá sản một ngân hàng yếu kém nào đó là cần thận trọng, vì có thể tạo ra nhiều rủi ro cả tâm lý, lẫn kỹ thuật, đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng, cũng như với nền kinh tế. 

Do đó, có thể xem biện pháp mua lại cổ phần với giá 0 đồng như là một giải pháp tối ưu khi vừa không để ngân hàng phải phá sản, vừa có điều kiện tái cơ cấu, phục hồi ngân hàng và quan trọng hơn là giữ được sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Điều này rõ ràng đã giúp trấn an được dư luận vì Nhà nước vẫn đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Ngoài ra, cái hay của biện pháp này là nó còn tạo ra áp lực và cảnh tỉnh cho các TCTD khác, tức là nếu một NH nào đó rơi vào tình trạng yếu kém, không đáp ứng được các chuẩn mực an toàn hoạt động mà không có các giải pháp khắc phục hiệu quả ngay thì cũng sẽ bị NHNN mua lại , không để cổ đông sở hữu ngân hàng đó cứ dửng dưng, không quyết liệt vì nghĩ rằng kiểu gì ngân hàng cũng sẽ không bị phá sản. Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý nhà nước, NHNN sẽ có lợi vì giữ được lòng tin của thị trường.

Giải pháp này của NHNN tuy được xem là “mạnh tay”, nhưng không hề gây “sốc” bởi nó đã có tiền lệ. Chúng ta cũng biết, các quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp… cũng đã áp dụng biện pháp này khá nhiều trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2010. Sau khi mua lại các ngân hàng yếu kém, Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp tái cơ cấu để ngân hàng đó “hồi phục”, sau đó sẽ bán lại cho các tổ chức khác để rút vốn về và tách biệt giữa quản lý và kinh doanh.

Nhìn chung, việc Nhà nước mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng xét trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và hoàn toàn chấp nhận được, ngay cả trên góc độ thị trường.

- Theo ông, bước vào giai đoạn mới của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, NHNN cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?

- Mỗi một giai đoạn với bối cảnh mới, chúng ta cũng cần có những giải pháp mới. Cho đến nay, chúng ta đã đi qua gần hết thời gian của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 với những kết quả khá ấn tượng. Tuy nhiên, thời gian tới ngoài các giải pháp mang tính cốt lõi mà NHNN đã đề ra, theo tôi NHNN cần lưu tâm thêm một số vấn đề:

Thứ nhất, Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta cần có sự chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, đồng thời cũng cần phải tính trước những mặt trái mà hội nhập có thể mang lại, đặc biệt là trong việc tiếp cận với chuẩn phân loại nợ quốc tế, chuẩn quản trị… ở một mức độ cao hơn.

Trong bối cảnh “cơ thể” hệ thống ngân hàng của chúng ta chưa thực sự “khỏe mạnh”, theo tôi, NHNN cần phải có sự “trung hòa”, tức là theo đuổi các chuẩn quốc tế ở một mức độ chấp nhận được, chứ không nhất thiết phải tiếp cận ngay với những chuẩn cao nhất.

Thứ hai, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc chống những sự cạnh tranh, đầu cơ không lành mạnh, đồng thời, tăng cường phòng chống tội phạm quốc tế để đảm bảo an ninh tiền tệ, an ninh tài chính quốc gia. Cái này không chỉ NHNN, mà cần có sự phối hợp với các cấp, các ngành chức năng.

Thứ ba, tái cơ cấu để hình thành những tập đoàn tài chính, những ngân hàng mạnh thực sự. Từ 2011 đến nay, chúng ta mới tạm loại những ngân hàng yếu kém. Những năm tới, chúng ta phải hướng đến xây dựng những ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn mạnh, tạo thành “xương sống” cho cả hệ thống, mang thương hiệu quốc gia.

Cuối cùng, NHNN cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để nâng cao nhận thức công chúng về hoạt động ngân hàng, qua đó tạo sự đồng thuận, thấu hiểu sẻ chia, nhưng vẫn phải đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh thực sự.

Xắn tay giải quyết nợ xấu ngân hàng

Nợ xấu tiếp tục là tâm điểm xử lý của hệ thống ngân hàng trong năm 2015 với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% so với hơn 5% của năm 2014.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm