Thanh Bùi từng bị tổn thương vì là người Việt Nam
Trong cuộc trò chuyện, Thanh Bùi đã có những bộc bạch rất chân thật về tuổi thơ đầy mặc cảm cũng như ban đầu anh thấy xót xa khi thấy mình là người Việt.
- Sang Úc sinh sống từ lâu, cuộc sống gia đình anh thế nào?
- Ở bên đó gia đình tôi rất nghèo, suốt hai chục năm trời ba mẹ chỉ ngồi may quần jeans. Công việc đó giờ đã để lại hậu quả là mẹ tôi bị bệnh tê chân tay và ba bị nhiễm trùng tai vì bụi vải.
- Tuổi thơ của một chàng trai gốc Việt ở Úc thế nào?
- Rất mặc cảm. Tại vì tôi khác người ta, tôi cô đơn. Đi học, tôi một mình một kiểu! Đi ăn, tôi một mình một kiểu. Về nhà ba mẹ vẫn huấn luyện ăn mắm ruốc, sầu riêng và theo những phong tục tập quán của người Việt. Tôi đã lớn lên trong cái mặc cảm rất riêng của một đứa trẻ "đến từ nơi khác".
Ca sĩ Thanh Bùi |
- Vậy từ nhỏ anh có nuôi ý định trở về Việt Nam?
- Không. Ngày nhỏ gia đình khó khăn nên cũng chẳng có điều kiện đi về Việt Nam. Chỉ có đúng một lần và ấn tượng của tôi cũng không rõ ràng lắm. Sau khi rời Australian Idol và tiếp xúc gần hơn với khán giả Việt Nam qua một chương trình hải ngoại, tôi đã nhận được lời mời từ vài nghệ sĩ trong nước. Ban đầu đó chỉ là quyết định "chịu chơi" của một chàng trai trẻ. Sau đó, tôi mới thấy đó là quyết định đúng nhất trong đời.
- Anh có tự hào là người Việt Nam khi hợp tác với các nghệ sĩ thế giới?
- Tự hào chứ, tôi luôn khẳng định mình là người Việt Nam và cố gắng để thế giới có cái nhìn đúng hơn về dân tộc. Tuy nhiên, ban đầu tôi tổn thương lắm!
- Tại sao lại tổn thương, vì anh là người châu Á?
- Không, vì tôi là người Việt Nam. Xót xa lắm, trong khi, nếu như là người Hàn Quốc đã khác. Sau này, những người cùng làm việc và chứng kiến khả năng của mình mới thay đổi suy nghĩ.
- Phải làm việc chung mới thay đổi suy nghĩ, vậy anh thay đổi được mấy người?
- Tôi không dùng cách ấy để thay đổi người ta. Tôi có một dự định lớn hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều! Đó là giành giải Grammy. Tôi còn tưởng tượng sẵn kịch bản sẽ là tôi lên bục nhận giải, sau đó nói một vài câu tiếng Việt, cảm ơn cha mẹ và dân tộc mình.
- Anh có chắc sẽ làm được?
- 100% tin tưởng và bất cứ niềm tin nào cũng sẽ sản sinh sức mạnh!
"Ban đầu tự nhận là người Việt Nam tôi tổn thương lắm". |
Bắt buộc phải lấy vợ Việt Nam
- Và khi đạt Grammy, anh còn phải cám ơn tình yêu chứ?
- (Cười) Tất nhiên! Cám ơn rất nhiều vì sẵn sàng cho tôi "bay", không ngăn cản những điều tôi theo đuổi và cũng không bắt tôi phải thay đổi vì người ấy.
"Bay" ở đây đề cập đến sự tự do trong tinh thần, không phải khoảng cách về địa lý. Và tôi muốn người ấy sẽ gắn đôi cánh cho tôi được bay xa.
- Thế anh đã tìm thấy người ấy chưa?
- Tôi chưa biết nữa. Có thể có, có thể không. Chỉ biết người phụ nữ đó sẽ rất tuyệt vời (cười).
- Trong tình yêu, tính xấu của anh là gì?
- Khó tính và cứng đầu. Nếu tôi đã có quan điểm, người đó phải có khả năng bẻ lý mới thuyết phục được tôi. Tuy nhiên, nếu là lý đúng, tôi nhất định sẽ nghe theo.
- Điều anh không thích người yêu nói nhất?
- "Chuyện này phức tạp quá, thôi mình không nói nữa!". Hai người yêu nhau cần phải nói chuyện, khi nói chuyện việc gì cũng giải quyết được.
- Điều quan trọng nhất để giữ lửa tình yêu là gì?
- Là hiểu nhau.
Thanh Bùi muốn lấy vợ Việt Nam. |
- Có mẫu hình nào cho người phụ nữ của anh?
- Có, đó là phải giống mẹ tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời nhất, một người biết ủng hộ cho công việc của chồng, vun vén cho gia đình và là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho các con. Mẫu hình của tôi đơn giản vậy!
- Nghĩa là anh sẽ cưới một cô gái Việt Nam?
- Đó là điều bắt buộc.
- Nhưng anh từng yêu cô gái nước ngoài nào chưa?
- Rồi chứ, vì thế tôi mới hiểu rằng tôi sẽ lấy vợ Việt Nam.
- Nhưng yêu gái nước ngoài sẽ đáp ứng yêu cầu "bay" của anh hơn chứ?
- Tất nhiên, tôn trọng tự do của nhau cũng tốt, nhưng có những cái khác biệt làm mình mệt mỏi. Ví dụ, ngày Tết hay có giỗ chạp lại phải giải thích dài dòng: "Em à, phong tục của nước anh là phải làm thế này, thế kia....". Đôi khi giải thích cũng chẳng thể hiểu nhau được hết.
- Chỉ do "lười" giải thích phong tục mà anh phải lấy vợ Việt Nam?
- Một phần thôi. Quan trọng hơn, tôi không thể chấp nhận chuyện con tôi nửa Tây nửa Việt. Tôi vốn rất ghét những gì "nửa nửa". Khi tôi bế đứa con của mình, đó phải là một đứa trẻ tóc đen, da vàng và là người Việt Nam và nói tiếng Việt Nam.
Theo Mốt & Cuộc sống