Không ủng hộ để các em chạy show quá sớm
- Sau khi chia tay Ngọc Duy, anh có liên lạc với cậu bé không?
- Ngày nào hai thầy trò cũng nói chuyện với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Thương lắm luôn. Tôi nghĩ chắc mọi người không nghĩ trong đội, Duy – một đứa không nói được một câu tiếng Anh là bé đi đến cuối cùng. Tôi chỉ thấy Ngọc Duy lạ và tìm được tiếng nói chung với em. Đêm chung kết Duy hát Baby, thật sự trước đó cậu bé không nói được một câu tiếng Anh nào, mà khi hát lại chuẩn như vậy thì tôi phải công nhận là quá đáng nể về mức độ nhạy cảm.
- Hiện tại, Ngọc Duy ít xuất hiện tại các sân khấu ca nhạc so với Phương Mỹ Chi và Quang Anh. Anh nghĩ sao khi có người nói học trò của mình không “nổi” bằng hai bé còn lại?
- Duy là một bé bình thường, chưa từng đi hát hay đứng trên sân khấu lớn, nên khi phải tập 3 bài khó trong một tuần cho vòng chung kết nên em bị mệt. Chưa kể Duy đã bị mất hơn 1 tháng ở trường nên gia đình em muốn em tập trung cho phần văn hóa. Duy không chạy show, em chưa hát ở bất cứ chương trình nào sau khi cuộc thi kết thúc ngoại trừ diễn một lần ở trường.
Nhưng người ta sẽ không bao giờ quên Duy đâu. Điều em cần làm bây giờ là bảo vệ mình, bảo vệ sức khỏe, đi học lại cả văn hóa và cơ bản âm nhạc. Duy cũng cần phải ra sản phẩm chứ đi hát những bài trong show thì con đường tương lai sẽ bị ảnh hưởng nhiều lắm. Chuyện gì cũng nên từ tốn, xây dựng từng bước cho vững thì hay hơn.
- Có thể với Ngọc Duy, cuộc sống đầy đủ về tinh thần lẫn vật chất giúp em không chịu nhiều áp lực phải chạy show, anh có nghĩ vậy?
- Tôi nghĩ sẽ không công bằng để đánh giá một ai, nếu không hiểu được hoàn cảnh của họ. Nhiều khi gia đình quá khó khăn thì đây chính là cơ hội để họ ổn định cuộc sống hoặc tìm cho con cái họ những cái mà chưa bao giờ có. Nhưng điều cuối cùng tôi vẫn mong là các em giữ được sự hồn nhiên trong âm nhạc, không phải nhìn việc đi hát là một công việc.
Thanh Bùi và cậu học trò nhỏ Ngọc Duy. |
- Hiện đã có Quang Anh và Thu Hà ký hợp đồng với Cát Tiên Sa, Phương Mỹ Chi được mời nhưng không ký. Còn trường hợp của Ngọc Duy thì sao?
- Tôi không rõ về những ràng buộc của chương trình với top 3, nhưng gia đình của Duy rất quan trọng trong việc học và biết rõ đây không phải là thời điểm phù hợp để em làm hoạt động quá nghiêng về nghệ thuật. Đây là quyết định của gia đình nên tôi không nên có ý kiến.
- Giả sử anh là phụ huynh của Ngọc Duy, anh sẽ chọn ký hay không ký?
- Duy mới 12 tuổi, tôi sẽ không cho nó đi hát. Tôi nghĩ The Voice Kids là một sân chơi, chứ không phải là lò tạo ra ca sĩ. 12 tuổi không thể đi hát chuyên nghiệp mà cần sự hồn nhiên, đáng yêu. Lên sân khấu nếu hát sai nốt thì cũng không ai quan tâm, khán giả chỉ thích thú khi được nhìn một em nhỏ Việt Nam dám làm điều mà họ không dám. Điều đó gọi là truyền cảm hứng.
Đây là mới là tinh thần của The Voice Kids, tinh thần của thế hệ trẻ. Nếu có đứa con 12 tuổi như Duy, tôi sẽ không ủng hộ để con mình vào nghề quá sớm, nó phải đi học trước đã.
Showbiz Việt cần người thật thà như Ngọc Duy
- Dù không giành giải quán quân, nhưng team Thanh Bùi vẫn được nhiều người yêu mến vì tình cảm giữa thầy trò. Anh đã làm thế nào để làm được điều này trong quãng thời gian không phải là dài?
- Quan trọng là tôi xem các bé như người lớn, đối xử tôn trọng, công bằng và luôn đưa ra sự chọn lựa. Mỗi bài hát tôi chọn, nếu các bé thích thì mới tập. Ai có ý kiến cũng đều được đưa ra bàn luận. Từ đầu, tôi cũng trao đổi rằng đây không phải là một cuộc thi, bé nào tôi cũng yêu thương hết lòng, nhưng nếu có thái độ tiêu cực như không ủng hộ, nói xấu nhau hoặc không quý trọng những gì mà thầy dành cho mình thì sẽ được cho nghỉ ngay lập tức.
Tôi dành rất nhiều tình cảm nhưng cũng cho các em hiểu được luật chơi của mình. Tôi luôn đưa ra sự lựa chọn, nếu cảm thấy quá nghiêm túc, khó khăn thì mời ra ngoài để không làm mất thời gian bạn khác. Từ sự thống nhất đó, team Thanh Bùi đã trở thành một đại gia đình, chơi học rõ ràng, bạn này ủng hộ bạn kia. Từ đó tạo ra không khí làm việc rất thoải mái.
Tôi dạy các em lễ phép, nghiêm túc, hát xong phải chào khán giả vì đó là tư cách của một người nghệ sĩ.
- Thời gian qua, Ngọc Duy trong một bài phỏng vấn đã có đề cập đến việc không thích Quang Anh sau đêm chung kết vì thấy hành động của thí sinh này như biết trước kết quả. Anh nghĩ sao về phản ứng này?- Con nít 12 tuổi, nó nghĩ thì sẽ nói. Duy không chửi bới, không dùng lời không hay mà rất lễ độ. Đọc bài phỏng vấn đó, tôi thấy thương Duy vì cậu bé thành thật. Showbiz Việt cần sự thành thật. Tôi thấy điều này rất hay đó chứ, đây sẽ là cái cho mọi người cảm nhận rằng “Bạn dám nói những gì mà bạn suy nghĩ”. Tại sao Lady Gaga, Micheal Jackson… những nghệ sĩ lớn ở nước ngoài họ không sợ bày tỏ cảm xúc của mình? Nghĩ A sẽ nói A, chứ không nói A để mọi người nghĩ B nhưng trong lòng lại đang muốn ám chỉ C.
- Nhưng những phát ngôn được cho là thẳng thắn trong showbiz Việt hiện đang bị biến tướng để trở thành công cụ gây scandal?
- Bản thân tôi chỉ luôn cố gắng sống và làm việc sao cho đúng với đạo đức nghề nghiệp của mình. Hằng ngày, nhiều phụ huynh đến Soul đăng ký học nhưng nói là không muốn để con họ tham gia thị trường âm nhạc Việt vì sợ scandal, những trò lố bịch… Tôi thấy điều này không hay, vì văn hóa nằm trong nghệ thuật. Chỉ có một cách là thị trường phải phát triển lành mạnh, mạnh mẽ hơn để các em có thể tiếp cận với âm nhạc.
Thanh Bùi khen Ngọc Duy cá tính và có sức hút như Justin Biber khi biểu diễn. |
- Trong team Thanh Bùi, anh thấy gương mặt nào có khả năng có thể phát triển vượt trội hơn các bé còn lại?
- Bé nào cũng bản lĩnh để phát triển, nhưng theo cách riêng của mình, không ai giống ai cả. Với Ngọc Duy, tôi cảm nhận cậu bé như Justin Bieber của Việt Nam. Mỗi khi lên sân khấu, Duy khiến mọi người phải phát điên vì ánh mắt, vì những hành động nghịch ngợm của mình. Những phản xạ đó là trời cho chứ không ai dạy được.
Hữu Đại thì trong chương trình, không ai có giọng hát khủng khiếp bằng cậu bé này. Đại chỉ cần thêm thời gian để phát triển cái cơ bản và con người để bớt rụt rè. Nhưng trong đêm chung kết, Đại đã tiến bộ rất nhiều khi hát Stand by me. Em cũng hát tiếng Anh rất hay nên có nhiều cơ hội phát triển tại nước ngoài.
Lan Hương có màu sắc riêng biệt. Vũ Song Vũ bản lĩnh, nhưng cần tìm ra chất nghệ sĩ cũng như cá tính riêng để không phải vừa hát vừa suy nghĩ quá nhiều. Nhưng về độ nhảy cảm âm nhạc thì Vũ rất giỏi.
Nhìn chung thì ai cũng có ưu và khuyết điểm. Trong thời gian tới khi các bé đã trở lại cuộc sống bình thường, tôi vẫn muốn tiếp tục huấn luyện các em.
Vấn đề của tôi là bị nặng hai chữ trách nhiệm
- Sau 3 tháng làm huấn luyện viên "The Voice Kids", hiện tại cuộc sống của anh đã trở lại nhịp độ cũ chưa?
- 3 tháng qua tôi phải ngưng rất nhiều dự án riêng. Giờ quay lại thì trước mắt đã có một chồng công việc đang chờ để giải quyết. Nói thật là vẫn chưa bình thường lại được đâu, nhưng ít nhất thì cũng bình thường hơn một chút là tôi chủ động được thời gian của mình, không phải di chuyển nhiều.
- Anh có thể chọn cách phân chia thời gian cho công việc và cuộc sống chứ không để dồn vào thế “nước đến chân mới nhảy” như thế này?
- Làm The Voice Kids cũng như tôi sống với nó vậy. Những lúc không làm trực tiếp thì nó cũng lởn vởn trong đầu từ việc chọn bài cho các bé, phối khí kiểu gì, dựng bài như thế nào… Nhiều lúc đến 3, 4 giờ sáng tôi vẫn không chợp mắt được vì lo nghĩ. Đó là công việc như cũng là cuộc sống trong 3 tháng qua.
Vấn đề của tôi là bị nặng hai chữ trách nhiệm và làm việc có tâm, phải việc nào ra việc đó mới có thể sống được. Tôi ít khi nào tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vì với tôi hai thứ này là một, tôi chọn làm vì nó có ý nghĩa với bản thân và là đam mê hằng ngày. Mệt thì có, nhưng tinh thần tôi sáng sủa và sảng khoái lắm. Tôi đã, đang và sẽ sống như vậy cho đến cuối cuộc đời.
- Sắp tới anh có dự án riêng nào?
- Tôi nhận lời làm O.S.T (nhạc phim) cho Âm mưu giày gót nhọn của Kathy Uyên từ 3 tuần trước, đến bây giờ mới hoàn tất. Ca khúc Cứ thế mà đi này sẽ do tôi và chị Thu Minh song ca, dự kiến phát hành tuần này. Tôi đang rất hào hứng xem phản hồi của khán giả.
Tiếp đó là phát hành MV When did we go wrong cùng chị Thu Minh, rồi hoàn tất bài Và tôi đã yêu hợp tác cùng ê-kíp nước ngoài. Trước kia các ca khúc của tôi đều do Dương Khắc Linh hoặc Duy Anh phối, nhưng có thể sắp tới tôi sẽ tự làm luôn phần này để thêm vào sắc cá nhân vào sản phẩm của mình.
Còn dự án lớn nhất là hợp tác với Myke Brown – quản lý của Tata Young. Tháng 11 tôi sẽ qua Los Angeles để hoàn tất album riêng cũng như bắt đầu việc vấn công vào thị trường nước ngoài.
Thanh Bùi đang nỗ lực tìm kiếm thành công ở giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy. |
- Nhiều nghệ sĩ lao động vì đam mê, có người lấy kinh tế làm mục đích để hoạt động. Anh thuộc nhóm nào?
- Tất cả những điều này, tôi làm để đẩy thông điệp về giáo dục chứ không phải để kiếm tiền hay sự nổi tiếng vì những điều này không còn đáng giá trong việc sống của tôi nữa. Tiếp xúc với những thế hệ trẻ của âm nhạc, tôi muốn mình đem được những màu sắc và cách giáo dục hiện đại, gần gũi và quốc tế hơn. Với Duy, Đại, Lan Hương, Thể Thiên, Tri Giao, những em muốn cống hiến cho thị trường âm nhạc nước ngoài mà tôi là thầy làm không được không cách nào có thể dạy các em.
Mẹ tôi bị ung thư, khi nghe những câu chuyện của mẹ, tôi cảm nhận mình phải tìm được ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi không muốn phải bỏ thời gian để hối hận nên tất cả những việc mình làm đều có sự đầu tư, nếu không tôi sẽ cảm thấy không có đạo đức. Hiện tại trên Facebook của tôi đã có gần 600 ngàn người theo dõi, tôi cảm nhận mình phải có trách nhiệm để sống đúng với sự yêu thương của khán giả.
- Qua "The Voice Kids", anh thấy cá nhân mình đã nhận được những gì?
- Có thể khán giả chưa hiểu được âm nhạc, nhưng tôi cảm nhận họ hiểu được con người của mình. Và đó mới là điều sâu sắc và quan trọng hơn cả.
- Anh có nghĩ, đã đến lúc làm một chương trình "Dấu ấn" cho Thanh Bùi?
- Chưa được, tôi mới về Việt Nam chính thức 16 tháng, còn chị Thu Minh đã hoạt động 20 năm. Tôi may mắn là những bài của mình được mọi người đón nhận, nhưng chỉ làm show khi có đủ 20 bài mà tất cả mọi người đều có thể hát theo và hào hứng lắng nghe. Hiện giờ tôi cũng đã có được 7, 8 bài rồi và đang tiếp tục tìm thêm mười mấy bài nữa. (cười)
- Đáng tiếc là chỉ có các em nhỏ có điều kiện khá giả mới có thể tiếp cận được với môi trường học tập hiện đại của anh, còn những trường hợp như Phương Mỹ Chi hay Quang Anh có vẻ như quá xa xỉ. Chẳng lẽ những em này không có cơ hội?
- Đối với Phương Mỹ Chi hay Quang Anh, tôi không hiểu được tình trạng của gia đình hai em nên không thể nói được. Nhưng tôi nghĩ muốn đạt được điều gì thì trước tiên cần phải có sự nỗ lực tìm đến cơ hội.
Khi còn nhỏ, ba mẹ tôi phải hy sinh tất cả để sang Úc với hai bàn tay trắng. Ba học đến lớp 4, 5 phải nghỉ vì chiến tranh. Ba hai lần suýt mất vì bệnh, nhưng vẫn cố gắng để con trai có thể học nhạc được như ngày hôm nay.
Trong tương lai, khi Soul phát triển đủ vốn tôi muốn xây dựng những cơ sở nhỏ hơn, chi phí thấp hơn cho phụ huynh và học trò. Tôi có một ước mơ lớn nhất là 20 năm sau, tất cả trẻ em ở Việt Nam đều được tiếp xúc và có sự ảnh hưởng nhất định bởi âm nhạc.
Trước mắt, năm tới Soul sẽ lập quỹ riêng để hỗ trợ cho những em có tài năng nhưng không có điều kiện.