Thanh Bạch: 'Cô đơn là điều cần phải có trong nghệ sĩ'
Nghệ sĩ Thanh Bạch nói anh cảm thấy mình được ngôi sao may mắn chiếu mạng: được học, làm việc đúng niềm say mê, sở trường của mình và được công chúng yêu mến
- Trong chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s got talent 2012", người xem thấy người dẫn chương trình (MC) Thanh Bạch nhiều lần bật khóc, một số người cho rằng anh “diễn” để lấy lòng khán giả?
- Tôi vốn là người nhạy cảm. Không chỉ trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt, tôi cũng suýt bật khóc ở nhiều chương trình khác. Tuy nhiên, tôi cố kìm lại, không thể hiện cảm xúc quá đà trên sân khấu. Nhưng đến khi xem Dương Quyết Thắng (thí sinh không có bàn tay tham gia chương trình Tìm kiếm tài năng Việt) biểu diễn, tôi không kìm nén được cảm xúc và bật khóc. Bởi tôi nhìn thấy trong lời ca, tiếng đàn của Thắng là khao khát được sống, làm những điều thiện nguyện, san sẻ cho đời tình thương và sự cảm thông.
Có lần, tôi và một nhóm bạn đến thăm một xã vùng ven, có một cụ già sống neo đơn trong căn chòi lá. Nhóm từ thiện gom tiền tặng cụ, cụ chỉ lấy 50.000 đồng. Số còn lại, cụ bảo mang sang bên kia sông, nơi có một bà mẹ bị mất đôi chân, nuôi 6 đứa con tâm thần. Một người trong nhóm tò mò hỏi cụ xin 50.000 đồng để làm gì, cụ nói: “Ngày mai nấu một nồi xôi mang qua cho 6 đứa tâm thần ăn, tụi nó thèm xôi”. Câu trả lời của cụ già đã làm cả đoàn chúng tôi khóc ròng...
- Hiện tại, đội ngũ MC không đáp ứng đủ nhu cầu của làng giải trí Việt cả số lượng lẫn chất lượng, theo anh, vì sao vậy?
- Mỗi năm, chúng ta đều có những cuộc thi tìm kiếm người dẫn chương trình truyền hình. MC truyền hình khác với MC ở các sân khấu và mỗi sân khấu lại đòi hỏi những yếu tố riêng. Tôi nghĩ có cung sẽ có cầu và ngược lại. Việc chuyên nghiệp hóa đòi hỏi vào ý thức của mỗi người. Nếu MC nào cố gắng tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức sẽ ngày càng hoàn thiện bản thân, sẽ trụ vững trước mọi yêu cầu của khán giả, đơn vị tổ chức; còn những ai không học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sẽ bị đào thải.
Một hình ảnh khác lạ của MC Thanh Bạch. |
- Anh có bí quyết riêng nào để được sống lâu với nghề như vậy?
- Tôi may mắn được đào tạo bài bản công việc đạo diễn sân khấu tạp kỹ ở Nga. Đây là “vốn liếng” căn bản vì ngành này bao gồm cả bộ môn dẫn chương trình. Với kinh nghiệm và vốn kiến thức được học, tôi chủ động tìm tòi, học hỏi thêm để luôn thấy tự tin trên sân khấu. Mỗi chương trình luôn có một đường dây xuyên suốt, mang tính logic và hợp lý mà người trong ngành gọi là “sợi chỉ đỏ”.
MC phải nắm vững “sợi chỉ đỏ” của chương trình đang dẫn mới làm tốt, không bị lạc đề. Ngoài ra, tôi còn học nhiều lắm, học bất kỳ ai, ở đâu và bất kỳ lúc nào. Cuộc sống luôn thay đổi, kiến thức cần phải thường xuyên cập nhật. Ngoài sách báo, tài liệu, tôi thích được nghe các bài thuyết trình từ diễn giả trong và ngoài nước.
- Thanh Bạch còn có biệt danh “MC không tuổi” bởi anh giữ cho mình sự tươi trẻ, luôn lạc quan, yêu đời, dù trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Bằng cách nào anh làm được vậy?
- Tôi ăn uống theo phương pháp thực dưỡng và giữ bình an tâm trí, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tập thể dục đều đặn. Ba yếu tố: ăn uống đúng cách, vận động cơ thể và giữ bình an tâm trí sẽ như cái kiềng ba chân vững chắc giúp cho sức khỏe của mình luôn ổn định. Ngoài kiến thức rộng mang lại sự tự tin cho bản thân, MC còn cần một thể lực tốt để tiếp thêm sinh khí vào chương trình và niềm vui cho khán giả.
- Không chỉ vừa làm MC, tham gia lồng tiếng phim hoạt hình, Thanh Bạch còn vẽ tranh, dạy khiêu vũ, hát và sáng tác nhạc, phổ nhạc từ những bài thơ mình yêu thích... Năm 2013, anh sẽ ưu tiên cho lĩnh vực nào?
- Nói vẫn là nghề chính. Tôi nghĩ lao vào nhiều lĩnh vực mình thích là một cách trải nghiệm, không phải lúc nào cũng thành công nhưng qua đó sẽ học hỏi được rất nhiều điều.
- Đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, điều gì khiến anh tâm đắc nhất ?
- Có một câu nói tôi rất thích: “Hãy học cách lắng nghe” và một câu quảng cáo tôi cũng thích: “Luôn luôn thấu hiểu”. Để đạt được thói quen “lắng nghe” tốt và “thấu hiểu” - cái “cảm” của một nghệ sĩ, đòi hỏi chúng ta phải có thời gian và nỗ lực không ngừng. Ngoài những câu nói trên, hai chữ tôi luôn mang theo trong hành trang làm nghề của mình là “đàng hoàng”. Hai chữ này mang lại niềm tin cho mọi người những nơi tôi đi qua và khiến họ vui vẻ tiếp đón mỗi khi tôi trở lại.
- Quan niệm về tình yêu của anh có thay đổi so với thời chưa ly dị vợ ?
- Với tôi, tình yêu không phải là “lương thực” hoặc “của cải” để mong chờ sự “ban phát”. Tôi hiện tại nghĩ đến tình yêu là sự “tự nguyện” và “tự nhiên” mà điều gì trên đời này cũng có sự giới hạn.
- Nhiều người nói rằng nghệ sĩ thường hay cô đơn, một người luôn yêu đời như anh liệu có thoát khỏi quy luật đó?
- Với tôi, cô đơn là điều cần phải có trong mỗi nghệ sĩ, chúng là chất xúc tác giúp họ thăng hoa trong nghệ thuật, mang lại niềm vui trọn vẹn cho khán giả. Nhưng chúng ta nên biết kiểm soát sự cô đơn, cân bằng tâm trạng và cảm xúc để luôn biết những gì cần và đủ cho chính bản thân mình, để sống tích cực, vui vẻ.
- Anh có hài lòng với những thành công đã đạt được trong sự nghiệp của mình?
- Tôi cảm thấy mình được ngôi sao may mắn chiếu mạng: Được học, làm việc đúng niềm say mê, sở trường của mình và được công chúng thương yêu. Nhờ các đài truyền hình, Thanh Bạch có điều kiện mang lại niềm vui cho khán giả nhiều lứa tuổi ở khắp mọi nơi trên đất nước qua màn ảnh nhỏ. Có lần, ra đảo Cát Bà, tôi nghĩ rằng khán giả chưa biết mình vì tôi mới ra đảo lần đầu tiên, chưa biểu diễn ở đây bao giờ.
Nào ngờ một nhóm học sinh tan học về nhận ra tôi và xin chữ ký tới tấp. Vui hơn nữa, một lần tôi nhận được cá nục kho của khán giả từ Nha Trang gửi vào hay một bức tranh sơn dầu thật to vẽ chân dung Thanh Bạch... Những tình cảm ấy thật vô giá đối với tôi!
Hướng tới điều thiện! Khi những tờ lịch cuối cùng của năm không còn là lúc tôi nhìn lại một năm với biết bao công việc đã làm, đã nỗ lực cho đam mê, cho cuộc sống. Khái niệm được và mất thật ra chỉ là tương đối, vì tất cả những gì mình làm đều là sự cố gắng hướng tới những điều thiện, nhân rộng hơn những niềm vui cho mọi người cũng là cho chính mình. Sự bận rộn xuất phát từ nhu cầu được làm việc và làm một cách có hiệu quả. Tôi thường dành thời gian viết vào sổ của mình không chỉ những dấu đỏ (hài lòng) mà cả dấu đen (không hài lòng), cố gắng sao cho mỗi năm dấu đỏ nhiều hơn... Khi làm điều thiện, dù nhỏ nhặt, giản đơn nhưng là cái đà để cuộc sống và công việc sáng tạo được thăng hoa, làm cho mình ngày càng trẻ trung, năng động. |
Theo Người Lao Động