Trên diễn đàn otofun ngày 19/7, một thành viên xin tham khảo ý kiến mọi người về việc có nên khai trương cửa hàng ăn uống của gia đình vào tháng 7 hay không. Anh chia sẻ, là người không quá mê tín nhưng thấy mọi người hay kiêng kị mở hàng, khai trương vào tháng 7 nên cảm thấy lăn tăn, cần tham vấn ý kiến những người có kinh nghiệm trước khi quyết định việc lớn. Sau khi đặt vấn đề, thành viên trên nhận được nhiều lời khuyên trái chiều trong đó, nổi bật có nhiều ý kiến khuyên anh nên kiêng cữ, không mở quán vào “tháng cô hồn” để tránh rủi ro, làm ăn thất bát.
Đưa ra lời khuyên không nên mở hàng vào tháng 7 âm lịch, một thành viên trên diễn đàn trên cho biết: “Tháng này ma đói ma khát nhiều. Không dưng mà người ta đã dành cả tháng để xá tội vong nhân để tránh điềm rủi”. Sau đó, thành viên này còn dẫn chứng chuyện người nhà từng mở hàng vào tháng 7 và gặp vận đen, bị cháy kho hàng. Một số ý kiến khác cũng đồng tình với quan niệm “có kiêng, có lành”, chuyện làm ăn lớn liên quan đến vận mệnh cả đời nên lưu ý chủ top phải cẩn trọng.
Chị Lưu Hải An (tập thể Kim Liên, Hà Nội) cũng đang đắn đo hỏi ý kiến người thân, bạn bè xem có nên mở cửa hàng bán đồ trẻ em thời điểm này hay không. Chị An chia kể, thấy mọi người nói mở hàng tháng 7 là tối kị nhưng vì là người “vô thần vô thánh”, lại đang có mối nhập được hàng tốt giá rẻ nên chị muốn mở hàng luôn. Tuy nhiên, khi bàn kế hoạch khai trương cửa hàng với chồng thì chồng chị nhất quyết không đồng ý, một mực bảo chờ sang tháng sau mới được nhập hàng, buôn bán. “Chồng tôi là người rất cẩn trọng trong những chuyện như này. Anh ấy nói chẳng ai mở hàng khai trương tháng 7, nhất là lại khai trương cửa hàng đồ dùng trẻ em và anh khẳng định, tôi có mở ra cũng không có khách nên tôi đành hoãn tới tháng sau”, chị nói.
Không giống các mặt hàng khác, tháng 7 lại là tháng đông khách nhất trong năm của những quán đồ chay. Ảnh: HT. |
Thực tế, trong tháng 7, không ít người kinh doanh có xu hướng né mở hàng. Trên diễn đàn, mạng xã hội, để né tháng 7, một số chủ cửa hàng bán đồ sơ sinh, trẻ nhỏ còn quyết định “đóng cửa” tới qua rằm. Bên cạnh đó, nhiều chủ hàng quyết định giảm giá, khuyến mãi mạnh nhằm cải thiện tình hình buôn bán ế ẩm. Chủ một hiệu giày da xuất khẩu trên phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội chia sẻ: “Lượng khách không giảm lắm so với tháng trước nhưng phòng vẫn hơn nên tôi quyết định mở đợt giảm giá mạnh 30 - 50% trên mỗi sản phẩm để cải thiện tâm lý tiêu dùng của khách và tranh thủ mời gọi khách hàng mới”.
Ngược lại với tâm lý số đông, nhiều chủ hàng lại coi tháng 7 là cơ hội kiếm tiền tốt. Hàng quần áo, đồ dùng cho trẻ nhỏ là một trong những mặt hàng ế ẩm nhất thời gian này do tâm lý kiêng sắm đồ cho bé của các phụ huynh. Lợi dụng tâm lý kiêng cữ cho con của các bậc cha mẹ, chị Phương Liên (55B/264/15 Âu Cơ, Hà Nội) mở bán hàng vòng tay đuổi tà làm từ gỗ cây dâu cho bé. Vòng do chính nhà chị làm với giá bán lẻ 25.000 - 30.000 đồng/cái. Chỉ trong 3 - 4 ngày đầu, chị Liên đã bán được khoảng 40 - 50 chiếc vòng. Chị cho biết, nhiều bố mẹ còn mua một đôi, đeo mỗi tay một cái cho bé để đảm bảo bé được an lành, ngủ ngon, ăn khỏe.
Ngay từ đầu tháng, các shop hàng phục vụ việc lễ bái ngày mồng một, rằm tháng 7, lễ Vu Lan đua nhau mở hàng rầm rộ. Năm nay, các loại trái cây rừng, đặc sản vùng miền “lên ngôi”. Chị Ánh Hồng (Long Biên, Hà Nội) tranh thủ nhà có cây thị lâu năm, sai trái, chị trẩy thị vườn nhà mang lên thành phố bán và nhận đặt hàng tiếp theo cho dịp rằm tháng 7, lễ Vu Lan. Ban đầu chị Hồng chỉ nghĩ thị là loại hoa quả ngày xưa, giờ không được bày bán phổ biến nữa nên thử rao bán xem sao. Giá thị chỉ 3.000 đồng, lại thơm hương, hợp làm đồ cúng lễ nên được nhiều khách hàng chọn mua. Tương tự như thị, những loại hoa quả phổ biến hàng chục năm trước giờ trở thành “hàng hiếm” ở chợ như trứng gà, chuối ngự, ổi đào,… nay trở thành mặt hàng ăn khách.
Đồ chay cũng là một trong những hàng đắt khách nhất tháng này. Chị Lan Phương, chủ quán ăn chay nổi tiếng Hà Nội trên đường Thái Hà chia sẻ, lượng khách tới quán chị những ngày đầu tháng 7 gấp 5 - 6 lần các tháng trước. Ngày cao điểm đón tới mấy trăm khách tới ăn tại quán, khách đặt cỗ chay về nhà cũng cao gấp 3 - 4 lần ngày thường. Để chủ động nhân lực và nguồn hàng, chị Phương phải liên hệ, chốt mối cung cấp nguyên liệu trước cả tháng, thuê thêm người làm, thậm chí có những ngày phải huy động cả người nhà, bạn bè thân quen tới giúp mới đủ người phục vụ khách trong mùa chay này. Chủ quán cho biết, giá một mâm cỗ chay dao động từ 600.000 đến 1,2 triệu đồng/mâm, nhiều gia đình đặt tới 5 - 6 mâm trong ngày lễ. Chị Phương tiết lộ, doanh thu tháng 7 của quán nhà chị bao giờ cũng cao gấp 3 - 4 lần các tháng còn lại trong năm.