Vào vai là người thân của một bệnh nhân bị ung thư bao tử, chúng tôi đến một căn nhà trên đường Huỳnh Văn Bánh (phường 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM) để xem "thần y" Trần Dũng Thắng chữa bách bệnh như lời đồn thổi.
Theo quan sát, "thần y" khoảng 75 tuổi, người nhỏ, râu dài, tóc bạc. Mỗi ngày có rất nhiều người từ khắp nơi đổ về đây chữa bệnh. Phía trước nhà có gắn tấm biển "chốt sơ cấp cứu Hội chữ thập đỏ phường 12, quận Phú Nhuận". Thời điểm chúng tôi có mặt là 7h sáng, nhưng đã có rất nhiều người xếp hàng chờ đến lượt để được ông và 2 cô con gái chữa bệnh.
Ông ta thường giới thiệu với bệnh nhân rằng mình chữa được bách bệnh bằng phương pháp diện chuẩn, không cần thuốc, không dao kéo,...
"Thần y" tư vấn khóa học cho bệnh nhân. |
Khi mọi người ngồi vào ghế, ông đốt một cuốn cứu (theo cách gọi của ông ta) rồi hơ trước mặt. Sau đó, "thần y" lấy một cái cây chấm lên mặt bệnh nhân. Người nào "thần y" này cũng dùng các dụng cụ như vậy để chữa và các con gái của ông cũng bắt chước tương tự.
Khi mọi người đến đây, 3 cha con không bao giờ thăm khám, hỏi bị bệnh gì mà ai cũng được chữa trị giống nhau.
Bà Ba (60 tuổi, ở quận Bình Thạnh) có con gái bị ung thư dạ con, các bác sĩ ở bệnh viện Ung bướu yêu cầu nhập viện điều trị, nhưng người này không chịu do sợ dao kéo. Khi nghe nhiều người đồn ông Thắng có thể chữa khỏi bệnh này mà không cần dùng thuốc, miễn phí thì nữ bệnh nhân này tìm đến.
Sau một thời gian được chữa trị, bà được ông Thắng giới thiệu hàng tháng "thần y" mở lớp học chữa bách bệnh. Học xong, bệnh nhân về nhà tự chữa bệnh cho mình, người thân hoặc bạn bè. Học phí là 1 triệu đồng cho 2 ngày (4 buổi, mỗi buổi 2 giờ), chủ yếu học bấm huyệt.
"Tuy nhiên, nhiều buổi được ông và con gái chữ bệnh nhưng người thân của tôi vẫn không khỏe. Nhưng đã lỡ đến rồi thì theo luôn", bà Ba nói.
Con gái của ông Thắng chữa bệnh cho bệnh nhân. |
Nhiều người bị ung thư bị bệnh viện trả về cũng tìm đến ông Thắng để chữa và đóng tiền theo học. Trong buổi học, ông luôn khoe mình là người tài giỏi, mọi bệnh tật đều chữa trong vòng 5 phút là khỏi.
"Thần y" khoe không chỉ chữa khỏi cho bệnh nhân trong nước mà còn chữa cho rất nhiều người nước ngoài. "Tôi đã chữa khỏi cho hàng triệu người bị viêm xoang khắp thế giới, ở châu Âu, Úc, Phi, Á", ông Thắng nói.
Nhiều người đồn, "thần y" chữa miễn phí, nhưng mỗi khi bệnh nhân đứng lên ra về mà không "biết điều" bỏ tiền vào một cuốn sổ trên bàn thì bị 2 cô con gái nhắc và nhìn với ánh mắt bực dọc, khó chịu.
Ông này còn cho biết có 8 phương thuốc chữa được các loại bệnh ung bướu đầu, gan, thận, bàng quang, buồng trứng, tử cung… "Lẽ ra những bệnh như thế này phải cắt bỏ nhưng tôi không cần mũi kim, dao kéo gì cả. Tôi có thang thuốc làm tan ung bướu. Ai mắc bệnh ung thư máu phải thay máu hàng ngày, không thì sẽ chết, nhưng tôi đã chữa khỏi cho 7 bệnh nhân bị loại ung thư này", ông này giới thiệu.
Chúng tôi đã mang những điều ông Thắng nói tới trao đổi với bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Trưởng khoa Nội ung bướu bệnh viện Ung bướu TP.HCM - bệnh viện hàng đầu về bệnh ung thư. Bác sĩ Tuấn cho biết: "Nếu ông ấy chữa khỏi được bệnh ung thư như vậy thì phải gọi là... 'thần y'. Y khoa là lĩnh vực cực kỳ phức tạp vì nó liên quan đến tính mạng con người, nên không thể nói vài ngày là hết bệnh".
Bệnh nhân xếp hàng chờ đến lượt được "thần y" chữa bệnh. |
Diện chuẩn là phương pháp chữa bệnh ra đời vào năm 1980 tại TP.HCM do ông Bùi Quốc Châu phát minh. Ðây là phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh qua da vùng mặt và toàn thân, không dùng thuốc, không bắt mạch; chủ yếu dùng cây lăn, cây cào, búa gõ, que dò... tác động lên bệnh nhân.
Từ năm 1995, dược sĩ Nguyễn Đức Đoàn - nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền - từng thay mặt Bộ Y tế bác phương pháp chữa bệnh bằng diện chuẩn của ông Bùi Quốc Châu. Vì phương pháp này chưa đủ cơ sở khoa học.
Trong năm này, khi Bộ Y tế có chủ trương xã hội hoá công tác chăm sóc sức khỏe, ông Châu viết thư cho Bộ trưởng đề nghị công nhận phương pháp diện chuẩn. Sau cuộc tiếp xúc, Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM khẳng định cách chữa bệnh bằng điện châm mà ông Châu áp dụng không mới; còn phương pháp diện chẩn thì trước nay chưa có.
Viện này cũng nêu ý kiến nếu muốn phổ cập, ông Châu cần thử nghiệm tại bệnh viện. Nếu thành công thì phương pháp sẽ được công nhận và phổ biến. Ông Châu đã đồng ý với hướng giải quyết này nhưng sau đó không trở lại làm việc với cơ quan y tế.