Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thần y', 'lương y' kê đơn thuốc tiền triệu trên mạng

Những lời quảng cáo "lương y", "thần y" chữa bệnh dứt điểm đã khiến nhiều người tin tưởng đặt cược sức khoẻ của mình, nhưng danh xưng đó chỉ là công cụ để trục lợi.

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện hàng trăm tài khoản, fanpage tự xưng "thần y", "lương y" cam kết chữa khỏi đủ mọi loại bệnh từ hen suyễn, viêm phổi đến chữa ung thư triệt để, thậm chí có người còn nhận chữa đến 16 loại bệnh mà không cần bắt mạch, kê đơn.

Khám và kê đơn online

Những "lương y" này đều nhận khám, kê đơn online và gửi thuốc bằng đường bưu điện. Người bệnh chỉ cần nêu triệu chứng sẽ được tư vấn liệu trình dùng thuốc phù hợp và cam kết khỏi bệnh hoàn toàn.

Không chỉ vậy, giá bán các loại thuốc gia truyền này không rẻ, mỗi liệu trình dao động từ vài trăm nghìn lên đến hàng triệu đồng. Đơn cử, liệu trình 30 ngày trị bệnh xương khớp trong có giá 1,2 triệu đồng; trị bệnh yếu sinh lý có giá 1,5 triệu đồng với loại đun uống, còn loại thuốc bào chế thành viên có giá 1,6 triệu đồng...

"Về bệnh dạ dày, nhà thuốc tôi gia truyền nhiều đời có thuốc dạng bột điều trị rất hiệu quả, rất nhiều người đã điều trị dứt điểm. Bạn chỉ cần dùng một liệu trình 30 ngày gồm 5 gói bột có giá 1 triệu đồng là bệnh sẽ ổn định", một người tự xưng là lương y T.T.C tư vấn.

Theo tìm hiểu, những loại thuốc gia truyền này thường có dạng bột, thảo mộc hoặc dạng viên được gói trong túi nhỏ, hộp nhựa kèm tên thuốc, địa chỉ, số điện thoại của người bán mà không có thành phần, hạn sử dụng rõ ràng.

tran lan luong y,  than y tren mang anh 1

Tự xưng "thần y" và "lương y" để quảng cáo chữa bệnh đang là hiện tượng nở rộ trong thời gian gần đây. Ảnh: Đ.L

Không chỉ vậy, để tạo niềm tin cho khách hàng, các "lương y", "thần y" còn dùng hình ảnh những người lớn tuổi tự xưng là đã được chữa khỏi bởi loại thuốc trong quảng cáo. Ngoài ra, có những quảng cáo không rõ nguồn gốc nhưng lồng ghép logo của đài truyền hình mạo danh bác sĩ, đơn vị y tế thật để tăng sự tin cậy.

Thông qua một video quảng cáo trên Facebook, anh Đức (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thấy một người tự xưng là lương y N.T.H khẳng định trị bệnh trĩ dứt điểm, không gây đau đớn và nhiều người đã chữa khỏi nên vội tin tưởng đặt mua 3 hộp thuốc với giá gần 2 triệu đồng.

"Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm. Vì thấy quảng cáo là lương y chữa bệnh dứt điểm, lại thêm thuốc gia truyền nên tôi tin tưởng để lại số điện thoại mà không có một chút nghi ngờ”, anh tâm sự.

Ngày 15/3, một người đàn ông 63 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội có tiền sử tiểu đường 20 năm, cao huyết áp và viêm phổi. Qua lời truyền miệng, ông tự ý sử dụng 2 loại thuốc dạng bột và viên hoàn được bọc trong túi không nhãn mác. Hậu quả, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng vật vã, kích thích, tụt huyết áp.

Bán thuốc đông y giả qua mạng thu 6 tỷ đồng/tháng

Thực tế, không chỉ anh Đức mà rất nhiều người vì nghe danh "thần y", "lương y" đã tin tưởng dùng thuốc dẫn đến hậu quả. Khoản lợi nhuận lớn cộng thêm sự lỏng lẻo trong công tác quản lý mặt hàng này khiến thị trường thuốc đông y giả đang trở nên hỗn loạn, giăng bẫy người tiêu dùng…

Mới đây, Cục Quản lý thị trường và Công an Hà Nam đã tạm giữ hơn 4.000 lọ thuốc đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa; hơn 2.000 hộp thuốc đông y trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói đông y thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp...

Các sản phẩm này đều được thu mua không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác, đóng gói thủ công và được quảng cáo bán hàng qua mạng xã hội. Với thủ đoạn đó, trung bình mỗi ngày các đối tượng bán 20-30 đơn hàng, thu về khoảng hơn 200 triệu đồng, tương đương khoảng 6 tỷ đồng/tháng.

tran lan luong y,  than y tren mang anh 2

Thuốc đông y Xuân Đường trị bệnh trĩ giả mạo vừa bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Ảnh: Tổng Cục QLTT.

Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), theo quy định các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi tỉnh.

Các bài thuốc này chỉ được lưu hành khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y dược cổ truyền cấp phép.

Trao đổi với Zing, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) cho biết đơn vị đã có kế hoạch nắm bắt, rà soát, phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng quảng cáo bán thực phẩm chức năng trái phép trên mạng xã hội.

Theo ông, người tiêu dùng cần tránh mua các sản phẩm được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm.

"Đó là các quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng", Cục trưởng Thân Đức Công khẳng định.

Mới đây, vụ việc vợ chồng ông Dũng "lò vôi" đứng lên tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, không có khả năng chữa bệnh gây xôn xao dư luận. Trước đó, người đàn ông này đã tự xưng mình là "thần y" khi có thể chữa được cho người bị câm, điếc hay liệt chỉ bằng những cách đơn giản như vỗ vào tai, kéo chân.

Nhưng theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Quảng Ngãi, 17 người bị khuyết tật vận động, câm, điếc bẩm sinh từng được ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh đều "không đạt hiệu quả".

Bộ Y tế yêu cầu xác minh vụ 'lương y' Võ Hoàng Yên bị tố lừa đảo

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Thuận báo cáo khẩn kết quả kiểm tra, rà soát thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề của ông Võ Hoàng Yên.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm