Thế hệ nào, ở độ tuổi ấy, 13-20 tuổi, đều âm ỉ chôn dấu nỗi niềm thần tượng một ai đó. Cảm xúc phát điên vì thần tượng có thể xuất hiện ở bất cứ ai, không phân biệt lứa tuổi, không phân biệt ngành nghề, không phân biệt giới tính.
Những năm 1990 thế kỷ trước, khi trào lưu boyband đang rầm rộ khắp thế giới, những Back Street Boy, Boyzone, 911, The Moffatts, Five… làm mưa làm gió khắp các sân khấu, đó là cả một trời thanh xuân của 8X.
Bất cứ cô gái nào của 8X hẳn cũng vẫn còn nhớ những ngày điên cuồng săn lùng từng tấm poster của Back Street Boy hay Boyzone, ngóng theo từng tuần xếp hạng MTV để nghe lại các hit của những chàng trai lộng lẫy, đứng hát và mỉm cười.
BTS nhiều lần bỏ chạy vì bị fan theo dõi. |
Sau khi trào lưu boyband thoái trào, Kpop bắt đầu “triều đại” mới của mình, với sự thống trị mạnh mẽ, sức ảnh hưởng lan tỏa, những nam thần nữ thần đẹp như tranh vẽ khuynh đảo khắp châu Á.
Những câu chuyện bi hài về “văn hóa hâm mộ thần tượng”
David Tizzard - trợ lý giáo sư tại Đại học Nữ sinh Seoul - khi nói về văn hóa thần tượng Kpop dùng từ “kỳ lạ”. Ông tỏ ra quan ngại khi người hâm mộ luôn tin mình có mối quan hệ thực sự với thần tượng, quan hệ kiểu yêu đương hay phổ biến hơn là quan hệ gia đình.
Bởi thế, họ sẵn sàng cho đi rất nhiều, từ tiền bạc đến tình cảm. Fan BTS từng bỏ ra 15 triệu won để mua khoảng 500 album ủng hộ thần tượng. Tương tự, một người hâm mộ Highlight bỏ 9 triệu won và mua về 250 album.
Việc dành quá nhiều tình cảm cho thần tượng làm nảy sinh tâm lý chiếm hữu, ám ảnh dẫn đến sự ra đời của các sasaeng fan (fan cuồng). Người hâm mộ bám theo các ngôi sao cả ngày, trong khi người khác đặt hệ thống máy quay, thậm chí đột nhập nhà của thần tượng.
Fan của D.O (thành viên EXO) từng đột nhập nhà anh, lấy chộm quần lót rồi thích thú khoe khoang trên mạng xã hội. Taecyeon (2PM) thậm chí nhận được bức thư tỏ tình được viết bằng máu chu kỳ của một fan nữ.
Tại Việt Nam, văn hóa thần tượng nhiều lần bị mang ra mổ xẻ, giữa những ý kiến trái chiều, giữa đúng hay sai. Hình ảnh các bạn trẻ tụ tập bất kể mưa nắng, cả ngày cả đêm đợi thần tượng, và khi nhìn thấy các nam thần, nữ thần thì gào khóc, la hét thảm thiết… Những hình ảnh này gây sốc với các bậc phụ huynh.
Fan Việt bám theo xe của Super Junior bất chấp nguy hiểm. |
Năm 2012, sự hâm mộ của fan Việt với nhóm nhạc Super Junior khi đó rất nổi tiếng đã gây ra hình ảnh hãi hùng. Hàng trăm bạn trẻ vừa chạy vừa gào thét, số khác thuê xe ôm, không đội mũ bảo hiểm, “kẹp 3” bám theo xe chở nhóm nhạc.
Cũng năm đó, Bi Rain tới biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Có thông tin chiếc ghế mà anh ngồi khi tổng duyệt được fan Việt nâng niu như vật báu, thậm chí họ quỳ gối, hôn hít và cả… ngửi mùi của chiếc ghế thần tượng vừa ngồi.
Năm 2012, khi Seungri cùng Big Bang đến TP.HCM biểu diễn, hàng chục nghìn khán giả xô đẩy, tràn lên sát sân khấu khiến các thành viên phải ngừng tiết mục vì tình trạng hỗn loạn. Đêm đó, nhiều fan Việt kiệt sức dẫn đến ngất xỉu.
Từ 2012 đến nay, Kpop nói riêng và văn hóa Hàn Quốc nói chung càng phát triển tại Việt Nam. Bởi thế văn hóa thần tượng ngày một cuồng nhiệt chứ không hề có dấu hiệu giảm bớt.
Hầu hết lần sao Hàn đến Việt Nam biểu diễn đều dẫn theo những hình ảnh hàng trăm fan gào khóc, chen lấn từ sân bay đến sự kiện chính và đỉnh điểm là hàng chục người ngất xỉu như chương trình có rapper Haha, Lee Kwang Soo tại SVĐ Mỹ Đình năm 2017.
Thần tượng mang đến cho ta những gì?
Đánh trúng tâm lý thần tượng của fan, các công ty giải trí luôn xây dựng nghệ sĩ một cách hoàn hảo nhất. Sự hoàn hảo không dừng ở sân khấu hay màn ảnh, nơi các nghệ sĩ phải chỉn chu ngoại hình, biểu diễn không lộ một sai sót mà trong đời sống hàng ngày, họ cũng phải nỗ lực để trở thành một hình mẫu của vẻ đẹp.
“Điều khiến tôi chú ý chính là các nghệ sĩ Hàn Quốc luôn được xây dựng rất hoàn hảo, giống một ‘sản phẩm’ mẫu được bán ra thị trường. Họ có thể nhảy, hát và rap tất cả cùng một lúc và họ rất đẹp”, Mark Russell, một chuyên gia về ngành công nghiệp Kpop nhận định.
Thần tượng Kpop được tô vẽ đẹp đẽ từ đời thường tới sân khấu. |
Ngoại hình lung linh, những phần trình diễn cuốn hút, tính cách hoàn hảo, lịch thiệp, sự khiêm tốn, dịu dàng… là tất thảy những thứ mà công ty giải trí và truyền thông Hàn Quốc muốn công chúng nhìn thấy ở các thần tượng.
Nói cách khác thần tượng là hình ảnh được cả một hệ thống, một đế chế giải trí xây dựng nên. Đôi khi, họ khác xa con người thật ngoài đời. Phải rất khó khăn công chúng mới được nhìn thấy gương mặt thật của thần tượng, gương mặt không phấn son, không được đắp lên những lớp màu mè, lấp lánh.
Thế mới có bi kịch của sự sụp đổ như Seungri, Jung Joon Young… hay G.Na, Park Yoo Chun… trong quá khứ.
Đã bao giờ, bạn trẻ đặt một câu hỏi, sự hâm mộ, yêu thương cuồng nhiệt đối với một thần tượng, sẽ dẫn ta đến đâu? Thần tượng có thực sự cho ta một thanh xuân tươi đẹp, hoài bão?
Linh Nga, một fangirl cuồng nhiệt của Kpop (sinh viên ĐH Kinh tế Quốc Dân) chia sẻ: “Xem phim, nghe nhạc, mình rất dễ bị gục ngã trước một hình tượng. Họ đẹp, họ tài năng, họ lịch thiệp. Ai có thể không mê những người như thế? Yêu thích họ, thần tượng họ để thắp sáng ước mơ, hoài bão cho bản thân, để sống đẹp hơn, có gì sai?”.
Thần tượng có thể là người truyền cảm hứng, tiếp lửa, hướng ta đến những giấc mơ tươi đẹp của tuổi trẻ. Nhưng thần tượng, cũng có thể, chỉ là một mối tình đơn phương vô vọng.
Seungri làm hình ảnh thần tượng sụp đổ trong mắt nhiều bạn trẻ. |
Rất nhiều lần, ca sĩ Kpop bị tố lừa dối, khinh thường fan. Năm 2017, Lee Hwayoung, thành viên dự án BOYS24 lộ đoạn ghi âm chê bai fan hôi miệng và thể hiện sự ghét bỏ với người hâm mộ qua nhiều từ ngữ nặng nề.
Hâm mộ một thần tượng không sai. Thần tượng một ai đó để được truyền cảm hứng sống là cách chọn lựa tích cực. Nhưng mê cuồng một ai đó, dành cả thanh xuân tươi trẻ để chạy theo, để săn lùng, khóc lóc vật vã vì một thần tượng… Đó lại là câu chuyện dài về sự ảo tưởng.
***
Thực tế, thần tượng có thể đến từ nhiều lĩnh vực. Bóng đá từng có nhiều giai thoại kinh điển về sự hâm mộ của khán giả dành cho những cầu thủ “nam thần sân cỏ”. Paolo Maldini, những năm ở đỉnh cao sự nghiệp (1990-1998), từng có chuyện kể, mỗi buổi sáng thức dậy, cầu thủ người Italy thấy rất nhiều giấy trắng rải trước cửa nhà, đó là giấy của các cô gái xếp đêm qua, để mong có được dấu giày anh in trên đó, mang về làm kỷ niệm.
Nhưng, thần tượng của giới giải trí nhiều hơn cả, đông đảo hơn cả và “ảo” hơn cả, vì khác với các lĩnh vực khác, việc trở thành thần tượng là một trong những mục tiêu rõ ràng của những người tham gia giới giải trí. Và khi bước chân vào showbiz, họ được cả một ê-kíp hỗ trợ, để xây dựng hình ảnh, để quảng bá bản thân, để được tô màu thành thần tượng.
Nếu vậy, có cần phải tìm đến một thần tượng đã được tô màu, đã được “vẽ vời” cho thêm đẹp, đã được “lấp lánh hóa” để bạn dành cả thanh xuân vật vã, thét gào?
Thần tượng có thể chẳng ở đâu xa, là những người gần gũi quanh ta, không màu mè, không điểm trang tô vẽ, là những người yêu thương, truyền cảm hứng tích cực cho ta mỗi ngày.
Bạn, hãy thử nhìn quanh mình xem. Họ là những ai?