Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thân nhân liệt sĩ rưng rưng khi nhận di vật trở về từ Mỹ

Sáng 2/6, trong Lễ ký bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đôi bên Việt - Mỹ tại Hà Nội, các thân nhân liệt sĩ đã tiếp nhận tượng trưng "Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam".

trao tra di vat anh 1

Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam tập hợp nhiề tài liệu như nhật ký, thư tay... của liệt sĩ.

Xúc động và bồi hồi, đại diện các thân nhân liệt sĩ lên nhận tượng trưng di sản của liệt sĩ sau gần 60 năm chiến tranh chống Mỹ. Vừa cố kìm nước mắt, các thân nhân vừa chia sẻ về những ký ức còn sót lại về người liệt sĩ.

Chủ tịch tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”, Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: "Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn những cuốn sổ tay nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của Bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thu được trên chiến trường. Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến".

"Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University số hoá hình ảnh và thông tin trong một dự án phi lợi nhuận mang tên 'Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam'. Những bản copy này cũng có thể được xem như là 'bản gốc', chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, nhưng rất cảm động và thiêng liêng, vì hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng".

Theo ban tổ chức, Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam được bàn giao lần đầu gồm có 5 nhật ký và 30 lá thư được viết trong thời gian chiến tranh của các cá nhân (hầu hết là liệt sĩ). Buổi lễ lần này được tổ chức nhằm nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng đến tương lai hòa bình, tốt đẹp hơn.

trao tra di vat anh 2

Ông Phan Đình Đều, em ruột của liệt sĩ Phan Đình Điều, nghẹn ngào nhận lại những dòng nhật ký của anh trai. Ảnh: MH.

Dấu vết của những người lính trong di sản

Theo TS Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, những tài liệu này có lẽ có cả những lời cuối cùng những người lính đã viết trước khi ngã xuống trên chiến trường, có lẽ là những lời căn dặn sau chót, những tâm tư tình cảm dành cho những người mà họ yêu thương.

Nhiều thân nhân xuất hiện tại buổi lễ đã không kìm được nước mắt. Ông Phan Đình Đều, em ruột của liệt sĩ Phan Đình Điều, cho biết rất trân trọng cơ hội được nhìn lại những dòng nhật ký của anh trai mình. Đọc từng dòng những nét chữ quen thuộc, ông Phan Đình Đều nghẹn ngào: "Giờ nguyện vọng của gia đình tôi là bao giờ tìm được hài cốt của anh tôi về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà".

Với bàn tay run run, ông cho các phóng viên xem những tư liệu ông nhận được. "Đây chỉ là bản sao tượng trưng thôi, chứ phía Đại học Texas vẫn chưa chuyển sang. Đọc lại những dòng anh tôi viết, tôi rất cảm động".

Người chú của liệt sĩ Phan Đình Điều, ông Phan Hoài Cảnh đã 94 tuổi, cũng cố gắng đến để nhận lại những tư liệu thuộc về người cháu mình. Ông ghi nhận đây là một tấm lòng của người Mỹ khi trao trả những di sản này và cho rằng những người còn sống cần bắt tay nhau, hướng đến hòa bình.

Thay mặt các cựu chiến binh, ông Lâm Phước Nguyên cho rằng những di sản này như tiếp thêm cho người ở lại sức mạnh và nghị lực. Ông nói: "Đối với người Việt Nam, quá khứ và ký ức là sức mạnh. Chúng tôi luôn trân trọng quá khứ, trân trọng thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc".

Ông cho rằng những tư liệu này không những làm giàu lịch sử và văn hóa Việt Nam mà còn giúp chăm lo cho thế hệ tương lai, giúp họ thêm trân trọng quá khứ, thêm yêu nước.

"Báu vật di sản"

Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) tại Đại học Công nghệ Texas (Tech University), bang Texas - Mỹ, được thành lập năm 1989 với nhiệm vụ là thu thập và bảo quản các tài liệu và thông tin về Chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Ngày 17/8/2007, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ trở thành tổ chức đầu tiên của Mỹ ký thỏa thuận trao đổi với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Đến nay, tổ chức này đã thu thập được hơn 30 triệu trang tài liệu, bao gồm thư từ, sổ tay, ảnh, bản đồ, báo chí, ấn phẩm, bản ghi âm, phim, video, sách và các tư liệu khác liên quan đến chiến tranh và lịch sử Việt Nam...

Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, ông Steve Maxner chia sẻ: "Chúng tôi đã tiến hành hơn 1.300 cuộc phỏng vấn trong thời gian thu thập tài liệu. Để giúp cho bộ sưu tập lịch sử này trở nên dễ tiếp cận hơn, chúng tôi cũng đã số hóa các dữ liệu này và cung cấp quyền truy cập miễn phí".

Trong những tài liệu này, có những tài liệu do lính Mỹ thu thập trực tiếp trên chiến trường, tìm thấy ở Sài Gòn, lưu trữ tại Trung tâm khai thác tư liệu tổng hợp. Số tài liệu này lên đến hơn 2,7 triệu trang.

Những tài liệu này chứa nhiều thông tin về hoạt động quân sự, trong đó có cả thông báo tử vong, danh sách và địa điểm chôn cất liệt sĩ và cả những bức thư, những dòng nhật ký, kể cả những câu chuyện cá nhân, trải nghiệm của từng người lính trong chiến tranh.

Ông Maxner gọi những tư liệu này là "báu vật di sản". Do bị thu giữ, những "báu vật" ấy chưa từng được về nhà với thân nhân liệt sĩ, cho đến bây giờ.

Ông Maxner mong rằng những thông tin ông và đồng nghiệp tìm được có thể giúp Việt Nam thực hiện định vị nơi chôn cất, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và trao trả cho gia đình.

Ông kêu gọi sự hỗ trợ kết nối để tiếp tục trao trả lại di sản cho biết bao gia đình vẫn đang mong ngóng một dấu vết của người thân mình.

trao tra di vat anh 5

Ông Đặng Vương Hưng (giữa) ký ghi nhớ thoả thuận Việt - Mỹ về khai thác Trung tâm lưu trữ và tư liệu chiến tranh Việt Nam của Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) cùng ông Steve Maxner (phải) và ông Ron Milam, Giám đốc Viện Hòa bình và Xung đột tại Đại học Texas Tech (trái). Ảnh: MH.

Cũng trong sáng 2/6, Đại diện tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” thực hiện ký kết ghi nhớ thoả thuận Việt - Mỹ về khai thác Trung tâm lưu trữ và tư liệu chiến tranh Việt Nam của Đại học Công nghệ Texas (Mỹ).

Cùng đó, tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” trao tặng Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University bản PDF nội dung 2 bộ sách Những lá thư thời chiến Việt NamNhật ký thời chiến Việt Nam.

Đây là cơ sở để tới đây tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” sẽ chính thức thành lập Trung tâm Tư liệu Trái tim người lính và sắp đặt Không gian Tư liệu Trái tim người lính tại Hà Nội.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Ký ức của người lính bảo vệ biên cương phía Bắc

Sách "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" là những mảnh ký ức của tác giả Nguyễn Thái Long về một giai đoạn lịch sử - 12 ngày đêm máu lửa trên đèo Khau Chỉa, Cao Bằng.

Nhật ký chiến trường của người lính đã bắn hạ 19 máy bay

Sách “Lính chiến” của Phạm Hữu Thậm cung cấp nhiều thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm