Sáng 10/2, phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Một nội dung quan trọng được đưa ra lần này là đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa và bổ sung mức phạt tiền tối đa với một số lĩnh vực.
Xử phạt nặng để mọi người “biết mà tránh”
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, so với luật hiện hành, dự thảo luật lần này được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực.
Điển hình, tăng mức phạt trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 lên 200 triệu…
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Q.Khánh. |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng hồ sơ do Chính phủ trình chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực, ý kiến giải trình cho việc này chưa cụ thể, thiếu thuyết phục.
Theo Ủy ban Pháp luật, một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với hành vi vi phạm được dư luận phản ánh không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.
Vì vậy, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính mà không cần thiết phải sửa luật để nâng mức xử phạt.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trước đây mỗi khi bàn về việc tăng mức phạt tiền đều đưa ra lý do cân nhắc để phù hợp với thu nhập của người dân. Nhưng ông cho rằng phải xử phạt ở mức cao hơn để thể hiện tính răn đe và khiến mọi người “phải biết mà tránh”.
“Vừa qua, Nghị định 100 xử lý vi phạm về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông rất có hiệu ứng, khiến 'thần lưu ly' mỗi khi định nâng ly lên đều nghĩ đến mức phạt 40 triệu và 23 tháng thu bằng lái mà đặt ly xuống và tránh xa. Như vậy là có ý nghĩa răn đe. Còn nếu nghĩ đến thu nhập thì đừng vi phạm”, ông Hiển dẫn chứng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Q.Khánh. |
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chỉ ra những lĩnh vực nào đang gia tăng vi phạm để nâng mức phạt, ví dụ vi phạm trong lĩnh vực giao thông tương đối phổ biến nên cần phạt ở mức cao hơn.
“Như vi phạm chở quá số người quy định, xe 40 chỗ nhồi nhét 80 người, nếu ta xử phạt theo hướng mỗi người vượt quá phạt thêm 1 triệu, vượt 40 người phạt 40 triệu thì tôi tin chẳng ông nào dám vi phạm, nhồi nhét giảm ngay”, ông Hiển nói.
Hay với vi phạm chống đối người thi hành công vụ, nếu chưa đến mức xử phạt hình sự, chỉ cần có thái độ không hợp tác như bỏ đi không phối hợp xử lý là phải phạt nặng, không thể xử phạt vài ba trăm nghìn.
Không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng vi phạm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định tăng mức xử phạt tối đa với các vi phạm hành chính để tăng tính răn đe là cần thiết.
Ông chia sẻ thực tiễn việc thực hiện chính sách sử dụng đất đai vừa qua cho thấy nguyên nhân sâu xa là do các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, chưa sử dụng hết các hình thức xử phạt.
Chủ nhệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Q.Khánh. |
“Ví dụ ngoài phạt tiền, với công trình xây dựng sai quy hoạch thì còn có thể tháo dỡ. Nếu làm tốt cái này thì đâu có HH Linh Đàm hay 8B Lê Trực”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định xử lý vi phạm hành chính là công cụ rất quan trọng để quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Bà đồng tình với Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển trong việc làm rõ mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực.
“Chúng ta cứ đứng trên quan điểm thu nhập của người dân, nhưng vừa rồi có những quy định xã hội phải chịu. Như phạt tiền 40 triệu thì cao hơn tiền mua xe mới, thậm chí bỏ xe để không nộp phạt. Nếu không muốn ảnh hưởng thu nhập thì đừng có vi phạm”, bà Ngân nói và nhất trí tăng mức phạt tiền tối đa.