Trong bài viết về ông Đường, Reuters nói về cuộc chiến mới của đại gia từng là cựu chiến binh. Giờ đây, ông muốn bảo vệ kinh tế Việt Nam trước cơn lũ hàng giá rẻ tràn vào từ Trung Quốc. Doanh nhân ngành xây dựng đã tích lũy được hàng chục triệu USD và đang sử dụng tài sản của mình để giúp hàng Việt Nam chống lại sự xâm lấn của hàng Trung Quốc.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng khu vực sản xuất nhỏ trong nước lại bị ngộp thở trước dòng chảy tỷ đô của hàng giá rẻ từ quốc gia láng giềng.
Ông Nguyễn Hữu Đường trong Trung tâm thương mại V+ hồi tháng 6/2015. Ảnh: Reuters. |
Chủ tịch Hòa Bình Group cho biết kế hoạch giải cứu của ông không phải là cú đánh liều lĩnh vào hàng Trung Quốc, mà là hỗ trợ các công ty khởi nghiệp bằng những hợp đồng cho thuê miễn phí 50 năm trong Trung tâm thương mại V+. Điều kiện là họ chỉ bán hàng sản xuất tại Việt Nam.
Ông Đường cũng đang vận động Chính phủ mở rộng mô hình này trên toàn quốc nhằm giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp không phải đóng cửa mỗi năm và khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
"Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới với giá vô cùng rẻ, đây là áp lực lớn với nền kinh tế và sản xuất Việt Nam”, ông Đường chia sẻ với Reuters. "Tôi là một doanh nhân và tôi hiểu tại sao các doanh nghiệp Việt không thể phát triển. Nếu không có các kế hoạch như vậy, họ sẽ chết”.
75% kim ngạch thương mại trị giá 60 tỷ USD hàng năm của 2 nước đến từ việc Việt Nam nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này chỉ là 0,65% trong giá trị xuất khẩu trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong năm 2014.
Gần đây, việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ làm dấy lên mối lo sợ rằng hàng Trung Quốc càng rẻ hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải phòng thủ bằng cách hạ giá tiền đồng và mở rộng biên độ giao dịch hai lần trong 6 ngày.
Từng làm nghề đạp xe xích lô, ông Đường, năm nay 61 tuổi, đã trải qua nhiều khó khăn và phất lên nhờ Công ty bia Hòa Bình, rồi sau đó là đế chế xây dựng của mình. Ông từng thề sẽ dành một nửa tài sản để giúp xây dựng nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam.
Có biệt danh “Đường bia”, ông Đường chi 27 triệu USD cho Trung tâm thương mại V+, khai trương hồi tháng 2 vừa qua. Trung tâm giảm mọi chi phí để có thể hạ giá thành và bán từ túi xách, giày dép cho tới đồ trang trí. Cửa hàng V+ đầu tiên mới đây mở cửa trên một con phố tại Hà Nội, chuyên bán bánh mỳ.
"Hàng hóa chất lượng tốt với giá cả phải chăng. Đây là một trong những nơi bán hàng rẻ nhất tại Đông Nam Á”, ông Đường cho biết.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mất cân bằng thương mại “gây khó khăn cho các nhà lập pháp và doanh nghiệp Việt Nam”, đồng thời bóp nghẹt sức cạnh tranh của hàng nội địa.
Bất chấp sự tẩy chay của nhiều người Việt, hàng Trung Quốc giá rẻ vẫn có đất sống nhờ các doanh nghiệp Việt thiếu vốn và những gia đình thu nhập thấp.
Dominic Mellor, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận định mô hình của V+ có mục đích tốt nhưng Chính phủ Việt Nam cần định hướng cho doanh nghiệp vào các ngành có sức cạnh tranh nhất.
"Cần có sự thay đổi trong tư duy và đánh giá lại vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp”, ông Mellor nói.
Ở tầm vĩ mô, Việt Nam đang hành động để đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, kết thân với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ và theo đuổi hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia.
Trung tâm thương mại V+ đã được phủ kín tầng 1, 2 và 3 tầng còn lại đã được đặt thuê. Ông Đường cho biết đây chỉ là khởi đầu.
"Các doanh nghiệp Việt đang ngoắc ngoải và chúng ta cần phải hành động”, ông nói. “Chúng ta đã đánh đuổi 2 cường quốc lớn trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Tôi không muốn Việt Nam trở thành quốc gia làm thuê cho những nước khác”.