Bình luận
Buồn vì CLB đã thất bại trước Lille trong cuộc đua tới ngôi vô địch Ligue 1, đồng thời bị Manchester City loại ở vòng bán kết Champions League.
Và vui vì từ đội bóng nằm ngoài top 20 CLB có giá trị nhất thế giới, PSG đã vào top 10 và có tốc độ tăng giá trị so với năm ngoái lên tới 129%.
Trong những năm qua, PSG đã chi rất nhiều tiền để chiêu mộ ngôi sao hàng đầu thế giới. Ảnh: 365 Score. |
Bổ sung những bản hợp đồng bom tấn
“Bảng xếp hạng này là sự khẳng định thêm về chiến lược phát triển của chúng tôi. Trong vòng chưa đầy 10 năm, thương hiệu Paris Saint-Germain đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu trong thế giới thể thao.
Nhờ sự nỗ lực trong những năm qua, đội bóng đã có nền tảng vững chắc để xây dựng thành công ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ”, Nasser Al Khelaifi phát biểu khi danh sách trên được công bố.
Vị chủ tịch PSG không hề giấu tham vọng của CLB rằng sẽ vươn mình vào nhóm những đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng để đạt được tham vọng lớn lao ấy, PSG sẽ cần tiếp tục bước đi trên chặng đường rất dài.
Cho đến hiện tại, khi Euro 2020 vẫn còn diễn ra, nhưng thị trường chuyển nhượng mùa hè đã mở ra được hơn một tuần, PSG công bố 3 tân binh chính thức. Đó là Georginio Wijnaldum chuyển đến từ Liverpool sau khi mãn hạn hợp đồng, Achraf Hakimi, ngôi sao sáng giá của Inter, với mức phí lên tới 60 triệu euro và Sergio Ramos gia nhập theo dạng chuyển nhượng tự do từ Real Madrid.
Đây là mùa thứ 11 liên tiếp, PSG bỏ ra ít nhất 50 triệu euro để mua sắm cầu thủ và tiếp tục chính sách mà họ theo đuổi trong suốt thời gian qua, đó là mỗi mùa đều mang về một ngôi sao.
Chúng ta hãy nhớ lại đội bóng này đã làm gì trên thị trường chuyển nhượng 10 năm qua? Năm 2011 là Javier Pastore, năm 2012 là Ibrahimovic và Thiago Silva, năm 2013 là Cavani và Marquinhos, rồi kế đến David Luiz, Di Maria, Draxler, Paredes, Navas và Icardi trong những năm sau đấy gia nhập Parc des Princes với mức phí rất lớn.
Song trên tất cả là 2 thương vụ “bom tấn” khủng khiếp làm đảo lộn mọi trật tự của thế giới bóng đá và thể hiện sức mạnh tài chính của QSI, đó là Neymar và Kylian Mbappe, với tổng số tiền bỏ ra hơn 400 triệu euro. Cho đến nay và có lẽ sẽ còn khá lâu nữa, đấy vẫn là 2 bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử bóng đá.
Tuy nhiên, PSG vẫn chưa muốn dừng lại. Mùa hè này, sau Hakimi sẽ là Gianluigi Donnarumma và Sergio Ramos, 2 ngôi sao của 2 đội bóng giàu truyền thống nhất Champions League. Cả hai đều không tiêu tốn của QSI một xu phí chuyển nhượng trong khi đẳng cấp của họ không cần bàn cãi nữa.
PSG đã thuyết phục họ tới phục vụ CLB bằng việc đáp ứng mức đãi ngộ khổng lồ, điều mà Real và Milan không thể hoặc không dám chấp nhận bởi lo sợ ảnh hưởng đến sổ sách trong bối cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng vì đại dịch.
Neymar và Mbappe là 2 bản hợp đồng đình đám của PSG. Ảnh: Reuters. |
Đó là chưa kể, dù đang có trong tay Keylor Navas ở đẳng cấp thế giới, PSG vẫn sẵn sàng ký với Donnarumma bất chấp mức lương mà thủ môn này yêu cầu lên tới 12 triệu euro mỗi năm, trong khi tài năng trẻ người Italy thậm chí không chắc chắn được bắt chính ở mùa giải mới.
Rõ ràng, nếu nói đến một CLB “dùng tiền mua thành công”, PSG trong 10 năm qua là ví dụ tiêu biểu nhất. Mặc dù vậy, PSG không chỉ biết tiêu tiền. Những người chủ Trung Đông không đổ tiền vào chỉ để lấy tiếng hay như một thú vui.
Chiến lược của PSG
Trong bản kế hoạch tham vọng mà QSI đưa ra năm 2011, PSG phải trở thành CLB hàng đầu thế giới, có được các danh hiệu, sử dụng những danh hiệu đó để tiếp thị làm bàn đạp doanh thu.
Những nhà đầu tư đã nhìn thấy Paris là nơi tuyệt đẹp và đầy năng động. Đó là thành phố được khách du lịch ghé thăm thuộc loại nhiều nhất trên thế giới, và việc CLB đại diện cho thủ đô nước Pháp lại không có vị thế tương xứng rõ ràng là điều đáng tiếc. QSI quyết định chi tiền với mục đích đưa PSG sánh ngang Real Madrid, Barcelona hay Manchester United về hình ảnh.
Đội bóng này không chỉ cần các cổ động viên địa phương, mà phải vươn mình ra khắp thế giới. Những quầy bán áo đấu màu xanh-đỏ của PSG không chỉ quanh quẩn ở trong thành phố hay vùng ngoại ô Paris, mà phải có mặt ở Los Angeles, San Francisco, Thượng Hải, Tokyo, Sydney.
QSI hành động rất nhanh. Năm 2011, họ bổ nhiệm Jean-Claude Blanc, một tài năng trong lĩnh vực kinh doanh thể thao, làm giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận tiếp thị. Dưới bàn tay của Blanc, CLB Paris đã phát triển chóng mặt. Khi QSI tiếp quản, PSG bán được 80.000 áo đấu trong cả năm, doanh thu gần như không đáng kể.
Nhưng đến năm 2019, số áo đấu bán ra đã lên hơn 1.1 triệu chiếc, đứng thứ 9 toàn cầu. PSG là đội bóng duy nhất nằm ngoài top 4 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu có tên trong danh sách này. Số lượng áo đấu cho thấy thương hiệu của PSG hiện tại lớn đến mức nào.
Một trong số những quyết định gây tranh cãi mà PSG mang tới chính là việc điều chỉnh lại logo với việc nhét chữ “Saint-Germain” xuống dưới trong khi để chữ “Paris” to hẳn lên. Đấy là chủ ý mà Blanc đưa ra với ý định giúp khán giả nước ngoài dễ dàng tiếp cận với đội bóng thông qua cái tên đã quá nổi tiếng của thủ đô nước Pháp. Không ít người hoài cổ cảm thấy tiếc nuối, song chính nhờ logo dễ nhận diện hơn mà PSG đã đến gần với cổ động viên ở châu Á và châu Mỹ hơn.
PSG muốn trở thành một trong những đội bóng vĩ đại ở châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Nhờ tiền của QSI và khả năng lèo lái của Blanc, PSG dần giành được cho mình thứ “quyền lực mềm”. Ligue 1 không phải là giải đấu quá thu hút, so về độ hào nhoáng thì kém quá xa Ngoại hạng Anh, về lịch sử thì không bằng một góc của La Liga và độ say mê thì vẫn còn kém nhiều giải Đức.
Thế nhưng, giống như được trang hoàng bằng những viên đá cẩm thạch, tức các ngôi sao mà PSG mang về mỗi mùa hè, sân Parc des Princes luôn ngập tràn khán giả và khu khán đài VIP hiện diện những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, từ Leonardo DiCaprio, JAY-Z, Beyoncé, Rihanna đến Kendall Jenner.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng, chỉ cần một bức ảnh chụp từ khu khán đài này của những người nổi tiếng trên, thì tên tuổi của PSG tiếp cận được với bao nhiêu khán giả? Khi các ngôi sao này khoác lên mình áo đấu màu xanh-đỏ, lúc ấy chiếc áo này đã vượt ra khuôn khổ của thời trang bóng đá.
Tiến thêm một bước, PSG còn vươn mình sang cả những lĩnh vực nghệ thuật khác để xây dựng thương hiệu. Điển hình như việc hợp tác với Travis Scott và Beyoncé trong các buổi hòa nhạc của họ.
Nasser giải thích: “Sự hợp tác này sẽ giúp chúng tôi đến gần với những người không nhất thiết đang quan tâm hay yêu thích bóng đá. Ví dụ như với dòng sản phẩm phong cách sống, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều người hơn, từ trẻ em, thanh niên cho đến phụ nữ. Đây là một trong những mục tiêu thu hút nhiều người hâm mộ”. Các sản phẩm mang nhãn hiệu của PSG đã đạt tới con số 5.000 loại, và mục tiêu của họ sẽ là tăng gấp đôi vào năm sau.
Không chỉ chú trọng phát triển thương hiệu ra khắp thế giới, CLB còn quan tâm sát sao tới các khán giả đến sân. Trong khuôn viên của Parc des Princes, hàng trăm điểm phát sóng wifi miễn phí được xây dựng để phục vụ nhu cầu cho những người mua vé. Hàng chục nhân viên kỹ thuật cũng túc trực để sẵn sàng hỗ trợ khán giả tận tình bất cứ lúc nào trước, trong và sau trận đấu.
Sự phát triển của PSG thực sự trở thành hiện tượng được nghiên cứu kỹ lưỡng tại những trường kinh doanh hàng đầu thế giới. Đại học Harvard công bố số liệu về đội bóng này sau 10 năm qua như sau: Doanh thu của đội bóng tăng gần 7 lần, trong đó doanh thu thương mại tăng gấp 12 lần, số lượng người theo dõi tài khoản của PSG trên các trang mạng xã hội tăng 160 lần.
Nhưng cho đến cuối cùng, mục tiêu của PSG không chỉ là tiền. “Chúng tôi đang theo đuổi dự án biến PSG thành một trong 3 thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới trên mọi lĩnh vực, doanh thu, sức mạnh thương hiệu, tác động xã hội và trên hết là sự thành công về mặt thể thao”, Chủ tịch Nasser nói.
QSI hiểu rất rõ để trở thành đội bóng hàng đầu thế giới, việc vô địch Champions League là điều bắt buộc. Không có một CLB châu Âu nào dám tự nhận mình là “vĩ đại” nếu không có chiếc Cup tuyệt đẹp ấy trong phòng truyền thống. Chỉ có điều, PSG vẫn chưa vươn tới mục tiêu thể thao tối thượng này.
Đó chính là lý do cho việc CLB tiếp tục đầu tư vào những tên tuổi lớn mà đỉnh cao là Sergio Ramos. Cầu thủ người Tây Ban Nha không chỉ đảm bảo về mặt thương hiệu mà còn cả về chuyên môn khi anh, dù bước qua tuổi 35, vẫn nằm trong số những trung vệ xuất sắc thế giới.
Quan trọng hơn, Ramos luôn thể hiện tinh thần và sức mạnh của một nhà vô địch thực thụ. PSG cần thủ lĩnh giàu kinh nghiệm và với người từng giành được mọi thứ, từ World Cup, Euro cho đến Champions League như Ramos, đấy là sự lựa chọn cực kỳ hoàn hảo.
Bên cạnh đó, PSG còn tính đến việc mang Ronaldo đến với Parc des Princes. Trang Culture PSG cho hay đội bóng Pháp đã có những liên hệ đầu tiên với siêu sao người Bồ Đào Nha. Trong bối cảnh Ronaldo đang “khó ở” tại Juventus, đặc biệt khi HLV Allegri đã trở lại, một lời đề nghị hợp lý có thể làm vừa lòng cả 3 bên. Hoặc PSG sẵn sàng chờ đợi anh ở mùa hè năm sau.
Bây giờ, chúng ta thử tưởng tượng mùa tới PSG sẽ khủng khiếp thế nào khi trong khung gỗ là Navas và Donnarumma thay nhau bắt chính, hàng thủ có Ramos và bên cạnh anh là Marquinhos, Kimpembe, Hakimi, Diallo. Hàng tiền vệ có Verratti, Wijnaldum, Draxler và Paredes, trong khi hàng công với những siêu sao như Neymar, Icardi hay Mbappe. PSG đã quá no nê ở nước Pháp và giờ chỉ khao khát duy nhất Champions League.
Tất nhiên, chỉ khi PSG giành được chiếc Cup ấy, mọi đầu tư của QSI mới có thể thực sự thành công.