Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tham nhũng 'vặt' khiến người dân bức xúc

Theo báo cáo, 10 năm qua, Cần Thơ thực hiện 522 cuộc thanh tra về phòng chống tham nhũng. Một số cán bộ xem việc hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường.

Chiều 15/1, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Theo UBND TP, 10 năm qua thanh tra các cấp đã thực hiện 522 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng.

"Phòng chống tham nhũng mang tính hình thức"

Từ đó, nhà chức trách đã kiến nghị nộp vào ngân sách Nhà nước 17,6 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi 8,5 tỷ, chưa khắc phục trên 17,5 tỷ và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 22 tập thể 36 cá nhân.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Việt Tường.

Để xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng, cơ quan điều tra đã khởi tố 42 vụ, 77 bị can. Tài sản tham nhũng được phát hiện 23,78 tỷ đồng, trong đó thu hồi 6,23 tỷ, chưa khắc phục 17,55 tỷ đồng. Đến nay, VKSND hai cấp tại Cần Thơ đã truy tố 41 vụ, 68 bị can; TAND đã xét xử 37 vụ với 59 bị cáo liên quan đến tham nhũng.

Báo cáo của UBND TP Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân chủ quan để xảy ra tham nhũng là do sự quản lý lỏng lẻo về tổ chức, công việc; con người tạo kẽ hở để mầm mống tham nhũng, tiêu cực và các loại tội phạm xảy ra. Việc thực hiện phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan chưa nghiêm, mang tính hình thức; việc giám sát, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên.

Về nguyên nhân khách quan, thủ tục hành chính có lĩnh vực còn phức tạp, cơ chế ra quyết định và chịu trách nhiệm không rõ ràng là những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ tham nhũng...

Cũng theo UBND TP, tham nhũng có thể xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp ngành, kể cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật… Một số cán bộ, công chức và người dân còn xem việc hối lộ cho công chức và công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường.

"Tình trạng tham nhũng 'vặt' tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài triệu đồng nhưng khiến cho người dân vô cùng bức xúc", báo cáo nêu. Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, Cần Thơ kiến nghị Trung ương 10 vấn đề, trong đó có sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, cần quy định các điều, khoản, cụ thể hơn để xử lý các hành vi tham nhũng các các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng pháp nhân, vốn Nhà nước. Kiểm soát tài sản, thu nhập cần sửa theo hướng quy định cụ thể tất cả các nguồn thu chi của một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn. Phải sử dụng tài khoản cố định mà pháp luật quản lý để dễ theo dõi…

Ông Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND TP Cần Thơ nói: "Còn cơ chế xin - cho là còn tham nhũng". Ảnh: Việt Tường.

Đóng góp tham luận với hội nghị về cách phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Thanh Thiên - Chánh án TAND TP Cần Thơ cho rằng, công tác phòng ngừa tham nhũng hiện nay làm rất nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. "Còn cơ chế xin - cho là còn tham nhũng. Ví dụ như các ngành, các đơn vị xin kế hoạch, kinh phí… thường tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng", ông Thiên nói trước hội nghị.

Theo ông Thiên, người dân hiện nay có tâm lý phải lo lót cho cán bộ mới được việc. Một số cán bộ khi gửi con đi học cũng phải mời người giúp mình đi nhậu… Đây được xem là mầm mống tham nhũng, cần phải ngăn chặn.

"Chúng ta phải mạnh dạn luân chuyển cán bộ có dấu hiệu tham nhũng và nên thu hẹp diện kê khai tài sản. Hiện, độ 'chênh' giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ Luật hình sự còn cao. Tôi đề nghị sửa Luật Phòng, chống tham nhũng phải theo Bộ Luật và Luật hình sự", ông Thiên nói.

Chỉ đạo hội nghị, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến phòng chống tham nhũng. Các văn bản này gắn với việc tuyên truyền của các ngành, các cấp đã tạo nhận thức cho xã hội, nội bộ các cơ quan, đơn vị trong việc nêu cao tinh thần phòng chống tham nhũng.

Cần Thơ cũng thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo cách bài bản, đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, thành phố đã ngăn chặn, hạn chế được tham nhũng vì tạo được cơ chế. Hiện, cán bộ muốn tham nhũng cũng ngại vì cơ chế ngày càng chặt chẽ, có kiểm soát tốt hơn.

Khâu phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử gắn với thu hồi tài sản tuy chưa nhiều nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá cao Cần Thơ. Theo ông Tranh, mục tiêu cuối cùng của phòng chống tham nhũng là thu hồi tài sản và Cần Thơ đã và đang làm được.

Việc thực hiện giám sát của Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đã góp phần đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực tại Cần Thơ. Điều này cho thấy vai trò của xã hội rất lớn và báo chí đã phê phán, ngăn ngừa tham nhũng rất hiệu quả.

"Không muốn, không dám, không thể"

Để phòng chống tham nhũng tốt hơn, Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý Cần Thơ về việc nâng cao nhận thức còn hạn chế, chưa đồng đều. Từ đó, việc nêu gương phòng chống tham nhũng tại địa phương này trong thời gian qua có nơi thực hiện thiếu quyết liệt, hiệu quả không cao. Đây là trách nhiệm, vai trò người đứng đầu, của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Tranh cũng cho rằng, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại Cần Thơ chưa đạt hiệu quả cao, còn hình thức. Vì vậy, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ đề nghị địa phương nên đánh giá lại các giải pháp đã đưa ra, trong đó có bao nhiêu cái thực hiện có hiệu quả, bao nhiêu là hình thức thì mới "chốt" để kiến nghị Trung ương.

Tại hội nghị, UBND TP Cần Thơ đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống tham nhũng 10 năm qua. Ảnh: Việt Tường.

"Giải pháp phòng ngừa là cốt lõi của phòng chống tham nhũng, tạo ra 3 không là: Không muốn, không dám, không thể. Cán bộ không thể tham nhũng khi cơ chế chính sách chặt chẽ, không sơ hở và chi tiêu tiền mặt cũng rất chặt. Tiêu cực, tham nhũng thường sử dụng tiền mặt, ít ai chuyển qua tài khoản. Vì vậy mà có người nói đó là văn hóa phong bì", ông Tranh chia sẻ trước hội nghị.

Theo ông Tranh, qua báo cáo của UBND TP Cần Thơ, ông thấy việc xử lý tham nhũng đôi khi còn nhẹ, nhiều trường hợp chỉ dừng lại ở mực độ hành chính. Thành phố cũng chưa phát huy việc khen thưởng người tố cáo tiêu cực.

"Cần Thơ sớm hoàn thiện báo cáo phòng chống tham nhũng, tập hợp lại các kiến nghị một cách đầy đủ, bày bản, rà soát lại các bất cập để khắc phục ngay. Khẩn trương xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là vai trò người đứng đầu", ông Tranh chỉ đạo.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Cần Thơ phải thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch các địa phương, từ cấp quận, huyện, thành phố, sở, ngành. Trên cơ sở đó đánh giá người đứng đầu, xem họ tiếp công dân thế nào để thanh tra, giám sát trách nhiệm. Ngoài ra, Cần Thơ cũng phải tăng cường sự lãnh đạo về kê khai tài sản, gắn với thu hồi tài sản, xử lý sau thanh tra.

"Hạn chế chúng ta hiện nay là khâu giám định mất nhiều thời gian. Việc phối hợp 3 cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cũng mất thời gian, người vi phạm có thời gian tẩu tán tài sản.

Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là đầu vào của cơ quan điều tra. Thành phố cần tổ chức phối hợp với các ngành, định kỳ sơ kết đánh giá công tác phòng chống tham nhũng", Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm