Những đồng hồ nhái bày bán công khai tại Bangkok. Ảnh: CNN |
Hàng hiệu giá rẻ
"Đây là hàng nhái thôi, không sao cả. Tại sao tôi phải sợ cảnh sát chứ? Tôi không buôn ma túy hay thuốc phiện, tôi cũng chẳng ăn cắp chiếc áo này của ai cả", một phụ nữ người Thái hớn hở mời khách mua áo thun gắn logo của Ferrari tại chợ Pratunam, Bangkok.
Thái Lan đã cùng các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu tham gia chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt nạn hàng nhái. Tuy nhiên, những khách hàng muốn sử dụng sản phẩm có nhãn mác của các hãng nổi tiếng nhưng giá rẻ bất ngờ đều đổ đến Thái Lan mua sắm.
Một số người mặc sức mua các mặt hàng mà họ có thể không biết chúng sẽ bị nhân viên hải quan quốc tế tịch thu.
Theo CNN, những đầu mối cung cấp hàng nhái nổi bật ở Thái Lan là các băng đảng tội phạm có vũ trang, những doanh nhân giàu có, các đơn vị nhập khẩu, thậm chí những bà nội trợ và sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập.
Một người bán đồng hồ nhái của Rolex và các thương hiệu khác cho biết: "Tôi chỉ đóng cho cảnh sát 30.000 baht (khoảng 940 USD) mỗi tháng, hoặc mỗi 2 tháng, để duy trì hoạt động của cửa hàng".
Ông cũng để một quyển trưng bày các mẫu thiết kế của đồng hồ Rolex trong cửa hàng. Hành động này nhằm khẳng định với người mua rằng đồng hồ của ông "rất giống hàng chính hãng nhưng giá rẻ hơn 10 lần".
Tại chợ đêm ở đường Patpong gần khu Pratunam, một chủ sạp cho biết đồng hồ Rolex nhái tại cửa hàng của ông chỉ bán với giá chưa tới 100 USD. "Đồng hồ chính hãng bán trên mạng phải có giá ít nhất 6.500 USD hoặc hơn. Nó được sản xuất ở Thụy Sĩ. Còn đồng hồ của tôi sản xuất tại Đài Loan theo công nghệ Nhật Bản".
Những đôi giày nhái Doctor Martens bán tại một siêu thị ở Bangkok. Ảnh: CNN |
"Một đôi Doctor Martens phải tốn hơn 3.000 baht (94 USD), còn những sản phẩm của tôi chỉ có 999 baht (31 USD). Cùng mẫu mã, cùng vật liệu, nhưng đôi giày này sản xuất ở Thái Lan", anh cho biết.
Đường dây tinh vi
Tại những khu chợ trời hoặc chợ sỉ ở Bangkok, Pattaya, Phuket và Chiang Mai, người bán chủ yếu đến từ Myanmar, Bangladesh và một số nước ở Nam Á khác. Tuy nhiên, những người đứng đầu chuyên cung cấp hàng nhái là những tay chuyên nghiệp nắm vững về kinh doanh, tiếp thị và hậu cần để lựa chọn nguồn nhập khẩu sản phẩm.
Trước đây, họ từng điều hành những xưởng sản xuất hàng nhái với giá nhân công rẻ mạt ở Thái Lan. Tuy nhiên, các xưởng phải đóng cửa do cảnh sát Thái Lan quyết mạnh tay với tình trạng sản xuất hàng giả.
Do vậy, phần lớn "hàng hiệu giá rẻ" bày bán ở Thái Lan hiện chủ yếu nhập khẩu từ nhà cung cấp ở Trung Quốc đại lục, đảo Đài Loan hoặc Hàn Quốc. Chúng được vận chuyển qua đường bộ từ Lào hoặc Campuchia rồi đến Bangkok.
Hàng loạt mác của áo Lacoste được làm sẵn để may vào áo nhái. Ảnh: CNN |
"Khi tôi làm việc với đại diện các thương hiệu lớn, họ đều yêu cầu chính quyền Thái Lan truy lùng 'những con cá lớn' chứ không nên bắt những người buôn bán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng", luật sư Suebsiri Taweepon (công ty luật Tilleke & Gibbins) nói với CNN.
Một số nhà điều tra đường dây nhập khẩu hàng nhái vào Thái Lan cho biết ông trùm của các nhóm này rất nguy hiểm. Họ là những tay buôn lậu có kinh nghiệm, luôn biết cách hối lộ quan chức sở tại, hoặc đôi khi thách thức đối đầu với lực lượng chức năng.
Tỉnh Sa Kaeo ở gần biên giới với Campuchia, gần chợ đồ cũ Rong Kluea rất phổ biến, là nơi đặt các kho chứa hàng nhái ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, một nhóm sản xuất hàng nhái tinh vi hơn chính là các doanh nhân từng sở hữu giấy phép ủy quyền sản xuất của các thương hiệu tại Thái Lan.
"Họ tiếp tục sản xuất khi hiệu lực hợp đồng đã hết hạn. Họ nắm trong tay cơ sở, kỹ thuật và cả nguyên vật liệu", luật sư Suebsiri nói. Đối với nhóm này, những mặt hàng đem về lợi nhuận chủ yếu là phụ tùng ôtô, thuốc hoặc những sản phẩm đắt tiền khác.
Cục Sở hữu Trí tuệ (DIP), thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết cảnh sát và hải quan đã tịch thu 2,3 triệu mặt hàng nhái và bắt 9,795 người liên quan trong năm 2013.
Bà Malee Choklumlerd, Cục trưởng của DIP, cho biết: "Chính quyền đã áp dụng nhiều biện pháp mới, như bổ sung vào đạo luật chống rửa tiền rằng hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng cấu thành tội rửa tiền".
Theo bà, điều luật mới chính là công cụ để giải quyết những băng nhóm buôn hàng nhái quy mô lớn, cho phép chúng tôi đóng băng mọi tài sản liên quan tới các nhóm sản xuất và buôn bán hàng giả trái phép".