Thâm nhập mỏ vàng ở Johannesburg
Johannesburg (thành phố kinh tế lớn nhất Nam Phi) từng là một trung tâm khai thác vàng lớn nhất thế giới. Có những ngôi làng dã chiến nằm sâu thăm thẳm hàng cây số trong lòng đất.
Johannesburg (Nam Phi) còn được gọi là eGoli (tiếng Afrikaan) có nghĩa là thành phố của vàng, hay Jozi (tiếng Afrikaan) có nghĩa là nơi ở của trời. Johannesburg được chia làm hai phần bởi cây cầu dây giăng Nelson Madela: bên trái là phố Newtown gồm những nhà cao tầng, biệt thự sang trọng. Bên phải là phố Braamfontein là khu vực kinh doanh, giao dịch vàng. Để tìm hiểu “thành phố kim hoàn”, tôi tìm đến là khu phức hợp vui chơi và giải trí Gold Reef, trong đó có bảo tàng mở về vàng ở phía nam khu Braamfontein khoảng 4 km.
Thành phố kim hoàn
Tôi được trang bị mũ bảo hiểm, đèn pin, bộ đàm để nghe thuyết minh và đi xuống lòng đất bằng thang máy. Anh Baruti - người Nam Phi - hướng dẫn viên giới thiệu: “Mỏ vàng sâu khoảng 3.777 m và trải dài khoảng 2 km, được khai thác từ năm 1887 đến năm 1977 và chỉ đến độ sâu 2.014 m. Trong lòng đất ở đây có nhiều khoảng trống rộng mênh mông và các đoàn người khai thác mỏ đã phân tầng đào khoét những luồng sâu trong lòng dất để tìm kiếm, khai thác quặng. Đầu tiên, người ta cho nổ đá và sau đó những người thợ khai thác bằng cuốc và xẻng để dò tìm, khai thác quặng. Có khoảng 14 tầng trong mỏ và du khách chỉ được phép tham quan đến tầng thứ năm (tương đương 225 m). Việc khai thác chủ yếu dựa vào sức người và các dụng cụ thủ công. Năm 1929, người Anh mới dùng các dụng cụ sử dụng điện. Có tổng cộng khoảng 13.7 km3 quặng khoáng vàng được khai thác tại đây, trong đó có những khối vàng lớn phải dùng dây thừng nặng khoảng 74 kg và xe lửa công suất trên 122 tấn để kéo lên…”.
Tác giả trong mỏ vàng ở Johannesburg. |
Những cơn gió khá lạnh vi vu thổi luồn qua những lối đi trong lòng đất, tiếng những cánh cửa gỗ ngăn cách giữa các khu đóng sập rầm rầm, ánh đèn điện le lói yếu ớt trong mỏ làm tôi nổi gai ốc. Nhưng khi đến khu khai thác với hệ thống những ròng rọc, thang vận chuyển bằng gỗ, những phòng cấp cứu và cả những ngôi làng trong lòng đất… hiện ra, nỗi sợ đã tan đi.
Lập làng dã chiến trong hầm vàng
Nơi đây đã tái hiện sống động cuộc sống những người làm việc trong lòng đất. Cuộc tìm kiếm vàng và khai thác kéo dài 3-6 tháng, đôi khi đến một năm. Thợ mỏ thường đem theo vợ con xuống mỏ và lập nên những ngôi làng dã chiến. Các công ty khai thác cũng hỗ trợ các dịch vụ trị bệnh, mua bán trong những làng này. Những ngôi làng cứ thế mọc lên tạm bợ trong lòng đất ven theo các ngã đi tìm vàng. Con cái thợ mỏ đều không được học hành và hầu hết đều tiếp tục bán sức trong những căn hầm không ánh sáng.
Mùi mốc ngai ngái lan tỏa khi đi ngang qua những ngôi làng dã chiến thiếu ánh nắng mặt trời. Tôi đi qua những đường hầm dài hun hút như hòa vào cuộc sống của những người thợ trong lòng đất đang khai thác vàng.
Anh Baruti bấm ba tiếng chuông tại chiếc thang máy cũ báo hiệu đến lúc trở lên mặt đất giống như ngày xưa khi quặng vàng chất đầy vào cần xé, người đốc công bấm ba tiếng chuông, người ở trên sẽ cho ròng rọc hoạt động và kéo lên.
Sống chung với khí độc
Trở lên mặt đất, tôi được đưa vào căn phòng luyện vàng nguyên chất. Người ta dùng dung dịch Sodium Cyanide (NaCN) hoặc thủy ngân (những chất cực độc với cơ thể sống) để tách vàng ra khỏi quặng. Dung dịch tạo thành được xử lý với kẽm nhằm tách vàng ra khỏi các kim loại quý khác. Sau đó, vàng lỏng được cô đặc lại thành vàng. Nhìn tia lửa ở nhiệt độ cao, những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi của người thợ, làn khói độc cuồn cuộn, tôi lại chợt nhớ đến mỏ vàng ở Ballarat của Úc, truyện Thành phố may mắn (Lucky City) và Cuộc sống sau vàng (Life after Gold). Người thợ mỏ và người công nhân tinh luyện vàng luôn cận kề với nguy hại cho tính mạng, sức khỏe.
Những cuộc chiến khốc liệt
Không biết bao nhiêu người thợ đã ngã xuống trong lòng đất vì sự nguy hiểm của chất nổ, bệnh tật do sống thiếu ánh sáng mặt trời, di chứng lâu dài trên những cơ thể tàn tạ do hít phải khí thủy ngân và NaCN trong thời gian dài. Nhưng số ấy vẫn là rất ít so với những cuộc chiến đẫm máu, tranh giành giữa các nhóm người đào vàng…
Sự phát hiện ra mỏ vàng ở Johannesburg đã kéo một số lượng lớn người da trắng đến đây, đặc biệt là người Anh. Chỉ một năm sau khi phát hiện ra vàng (năm 1887), 40.000 người da trắng đã có mặt ở Johannesburg. Cuộc chiến giữa người da trắng và da đen đã xảy ra khi người da trắng đưa ra những quy định hà khắc buộc người da đen phải di dời, không được sống tại thành phố Johannesburg, nếu khai thác vàng phải đóng thuế rất cao,… Đỉnh điểm xung đột là cuộc chiến Anglo-Boer War of 1899-1901 giữa người Anh và những người thợ mỏ da đen, cuộc đình công năm 1920 của 70.000 thợ với các nhà máy của người da trắng, cuộc chiến Rand Revol năm 1922 làm 200 người chết,…
Rời Gold Reef, tôi luôn nhớ mãi câu nói của anh Baruti: “Không chỉ có vàng mà cuộc tìm kiếm vàng ở Johannesburg thật sự là một cuộc chiến giữa “máu và nước mắt”, bởi lòng tham của con người là vô đáy”.
Kể từ năm 1886 cho đến năm 2007, Nam Phi là quốc gia sản xuất và cung cấp vàng lớn nhất thế giới (79% lượng vàng). Năm 2008, Trung Quốc đã qua mặt Nam Phi.
Nam Phi nằm trong top 3 các nước trên thế giới về xuất khẩu kim cương. Năm 2011, Nam Phi đã xuất khẩu khoảng 4,2 tấn kim cương. Để xin visa vào Nam Phi, du khách có thể liên hệ với Tổng Lãnh sự quán danh dự Nam Phi tại Sài Gòn: 25 Phùng Khắc Khoan, quận 1. Điện thoại: 08.38238556. Visa sẽ được xuất tại đại sứ quán ở Hà Nội. Khai thác đường bay từ Sài Gòn đến Johannesburg gồm có: Thai Airways (quá cảnh Bangkok), Singapore Airlines (quá cảnh Singapore), Qatar Airways (quá cảnh Doha) và Emirates Airlines (quá cảnh tại Dubai). Đồng tiền của Nam Phi là đồng rand (1 USD = 8,57 ZAR). |
Theo Pháp Luật TP.HCM