Thời gian qua, nhiều tiểu thương tại tỉnh Đắk Lắk thường bỏ ra vài chục ngàn đồng thuê người “độ” cân, làm sai lệch trọng lượng để móc túi khách hàng. Trong vai người đi thuê “độ” cân, phóng viên Báo SGGP đã thâm nhập hàng loạt lò “độ” cân ở huyện Ea Kar, Krông Pắk và TP Buôn Ma Thuột.
“Độ” bao nhiêu cũng được
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện có hàng loạt cân chuẩn được “phù phép” thành cân “đểu” rồi đưa ra thị trường để gian lận người tiêu dùng. Tại huyện Ea Kar, có 2 lò “độ” cân lớn của ông S. và Ng. nằm đối diện nhau ở chợ thị trấn Ea Kar.
Lò của ông S. gồm 2 cơ sở cách nhau 50 m, trong đó cơ sở 1 là nơi nhận hàng, tư vấn cách độ. Cơ sở 2 là công xưởng nơi chủ lò hành nghề. Mang chiếc cân Nhơn Hòa loại chuẩn 12 kg đến cơ sở 1 của ông S. “độ” lại để mua tiêu, vợ ông S. hất hàm hỏi: “Làm loại cân nào?”. Thấy chúng tôi chưa hiểu, bà này vội giải thích, nếu làm cân bán ra phải làm già, còn cân mua vào thì làm non.
Khi biết khách muốn làm cân để mua vào, bà này dẫn chúng tôi qua gặp chồng đang ngồi chờ ở cơ sở 2. Ông S. ra giá 20.000 đồng tiền công “độ” cân loại 12 kg, còn “thích ăn (ăn gian khối lượng - PV) mấy thì ăn”.
Riêng độ cân đồng hồ tạ (loại 100 kg), ông S. ra giá tiền công 120.000 đồng, còn ăn gian 3 kg, 5 kg hay 10 kg cũng được. Chúng tôi tỏ ý nghi ngại về tính chính xác của cân “độ”, ông S. khoe cơ sở làm lâu năm, khách hàng đông, có cả những người ở tận Chư Sê (Gia Lai).
Ông S. đang “độ” cân cho khách. |
Sau khi chấp nhận mức giá 20.000 đồng tiền công “độ”, ông S. cầm chiếc cân ngó nghiêng một hồi rồi chốt mức ăn gian: “3 kg ăn 2 lạng là vừa”. Chúng tôi chê ít, ông S. đốp chát: “Ít gì nữa. Tiêu thì ăn ít thôi”.
Chỉ chờ khách gật đầu, ông S. lấy dụng cụ bắt đầu “phẫu thuật” cân để lấy 2 chiếc lò xo ra ngoài. Tiếp đó, ông S. nhẩm đếm từng vòng xoắn trên lò xo rồi dùng kềm để tác động, làm giãn vòng lò xo ra. Sau khoảng 15 phút điều chỉnh lò xo, ông này ráp lại chiếc cân như ban đầu rồi kêu khách nhận hàng. Chúng tôi lấy thanh sắt khối lượng chuẩn 3 kg lên cân thử thì chiếc cân nhảy ở mức 2,8 kg. Như vậy chiếc cân này đã được “phù phép” để người mua gian lận 2 lạng/3 kg, tức mỗi kilôgam ăn gian được 0,66 lạng.
Tiếp tục mang chiếc cân 12 kg khác qua lò “độ” của ông Ng. nằm đối diện. Ông này cầm cân rồi tiếp tục tháo 2 chiếc lò xo ra và bắt đầu điều chỉnh theo như cách chủ lò đối diện vừa làm. Sau khi “độ” xong, ông này lấy thanh sắt có khối lượng chuẩn 12 kg lên cân thử cho chúng tôi xem, thì cân nhảy mức 10,5 kg. Như vậy chiếc cân này đã được “hô biến” để người mang cân đi mua hàng ăn gian 1,5 kg/12 kg, tức 1 kg ăn gian 1,25 lạng.
Về phần mình, ông Ng. thu chúng tôi 25.000 đồng tiền công. Ông Ng. còn ra giá “độ” cân đồng hồ tạ 50.000 đồng. Chúng tôi tỏ vẻ nghi ngại vì giá rẻ hơn một nửa so với lò ông S. thì liệu có đảm bảo chất lượng không, ông Ng. trấn an: “Các lò làm cân ở huyện Ea Kar chỉ “độ” bằng cách chỉnh lò xo, chứ không thay thế phụ tùng gì cả. Đắt do ông ta (ông S.) “chém” thôi. Chỗ đó làm đắt có tiếng rồi”. Ông Ng. cũng thừa nhận khách đến lò ông “độ” ít hơn lò ông S. vì lò ông S. có thâm niên hơn.
Trong khi đó, tại chợ phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột), hỏi lò sửa cân, nhiều tiểu thương bán cá, thịt trong chợ đồng loạt điểm danh lò “độ” của ông H. Lò này đặt ngay đầu chợ, ngay trên lề đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột.
Chúng tôi yêu cầu độ cân bán ra, ông này tháo cân rồi lấy lò xo ra điều chỉnh. Xong xuôi, ông H. lấy thanh sắt có khối lượng chuẩn 8 lạng đặt lên cân thì chiếc cân nhảy lên 1 kg. Như vậy chiếc cân này được “độ” để người bán ăn gian 2 lạng mỗi kg. Tiền công ông H. thu 30.000 đồng.
Cân “đểu” tràn lan
Trong số các lò “độ” cân ở Đắk Lắk mà chúng tôi xâm nhập, chủ lò tiết lộ có nhiều kiểu làm, như “độ” cân bằng chíp điện tử. Trong đó, người làm gắn một đồ vật vào bên trong cân, sau đó đứng xa dùng điều khiển để điều chỉnh cân già, non theo ý muốn. Hoặc kiểu “độ” dùng vật chèn vào cân, để làm sai lệch hay bằng cách chỉnh lò xo.
Trong số những thủ thuật đó, hầu hết “độ” cân bằng cách chỉnh lò xo được lựa chọn, vì chỉ tác động vào lò xo chứ không gắn thêm vật gì bên trong, nên có bị phát hiện thì họ đổ lỗi do cân bị hư. Ngược lại, kiểu độ cân dùng chíp điện tử hay chèn vật vào đều để lại tang chứng bên trong chiếc cân, nên khi bị phát hiện thì không cãi được.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk đã đặt một chiếc cân chuẩn tại chợ Tân Lợi (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột), để người dân nếu thấy nghi ngờ mình bị cân gian thì có thể cân đối chứng.
“Trong năm 2014, có gần 4.000 lượt cân đối chứng. Trong số đó, có 35%-40% trên tổng số lượt cân đối chứng phát hiện hàng bị cân thiếu”, ông Đỗ Đức Trọng, Phó Chủ tịch hội, cho hay. Còn bà Nguyễn Thị Nhường, người phụ trách cân đối chứng chợ Tân Lợi, cho biết: “Trường hợp cân thiếu xảy ra ở các mặt hàng cá, thịt, hoa quả… Sau khi cân đối chứng, người mua phát hiện mình bị móc túi nên mời chúng tôi ra gặp người bán để làm trọng tài phân xử.
Bị khiếu nại, người bán hàng gian lận đã bù thêm hàng, hoặc trả tiền cho người mua. Có trường hợp người bán chối cãi, không nhận đã cân gian, còn đổ lỗi cân đối chứng không chuẩn, dẫn đến 2 bên to tiếng với nhau. Có người mua nóng tính, khi phát hiện bị cân gian thì mang hàng ném vào mặt người bán rồi đòi tiền lại. Tính ra, đa số trường bị cân thiếu đều đòi được quyền lợi. Còn những người bán hàng gian bị vạch mặt, quay lại chửi chúng tôi vô công rỗi nghề, cản đường làm ăn của họ.”
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, hành vi dùng cân “đểu” để cân gian nhằm móc túi người tiêu dùng, sẽ bị xử lý theo Nghị định 185 về hành vi “Gian lận đo lường”. Còn các lò “độ” cân tiếp tay cho chủ cân gian lận sẽ bị xử lý về hành vi “Sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn về đo lường”.
“Tôi chưa nhận được phản ánh về việc người dân mang cân gian để bán hàng, nhằm móc túi người tiêu dùng. Trường hợp lò “độ” cân gian thì mình cũng chưa nắm được thông tin các lò “độ”, chưa biết đầu nậu làm, thủ thuật “độ”… nên việc kiểm tra, xử lý là rất khó”, ông Chí phân trần.
Trong khi đó, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: Hành vi của người “độ” cân và người mang cân đi “độ” có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Tòng phân tích: “Người mang cân đi sửa để làm sai lệch cân không đúng quy chuẩn đo lường của Nhà nước, là người chủ mưu trong việc chuẩn bị phương tiện với thủ đoạn gian dối, nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Người sửa cân là đồng phạm tích cực cho chủ cân. Ý thức chiếm đoạt có từ khi mang cân đi sửa. Hậu quả có thể xảy ra nhiều người nên có nhiều bị hại. Nếu xác định tài sản chiếm đoạt trên 2 triệu đồng, cơ quan công an có thể khởi tố được”.