Thảm kịch 39 thi thể ở Anh không đủ sức dập tắt 'giấc mộng đổi đời'
Chỉ đơn giản cảnh báo về hiểm nguy - thậm chí nhắc nhở liên tục đến thảm kịch ở Essex - chưa đủ để ngăn người dân tiếp tục những hành trình xuất ngoại lành ít dữ nhiều.
Sau chuỗi ngày thấp thỏm chờ xác nhận thông tin từ phía cảnh sát, gia đình các nạn nhân tại Việt Nam đang chờ đến ngày thi hài người thân của mình được đem về quê hương, lo chuyện hậu sự.
Khi thảm kịch ở Essex (Anh) được truyền thông đưa tin liên tục, câu hỏi tôi nhận được mỗi ngày là liệu sau khi ai cũng đã rõ nguyên nhân của những cái chết thương tâm này, câu chuyện người Việt di cư, tìm mọi cách để nhập cư trái phép vào Anh sẽ chấm dứt?
Câu trả lời của tôi là “chắc chắn không”.
Sự thật là nếu cuộc sống ở quê nhà không được cải thiện, nếu người dân không được trao nhiều cơ hội việc làm hơn, sẽ vẫn còn rất nhiều người ở các tỉnh nghèo giữ niềm tin rằng chỉ có trốn ra nước ngoài làm chui thì mới đem lại tương lai tươi sáng cho cả gia đình.
Câu hỏi tôi nhận được mỗi ngày là liệu sau khi ai cũng đã rõ nguyên nhân của những cái chết thương tâm này, câu chuyện người Việt di cư, tìm mọi cách để nhập cư trái phép vào Anh sẽ chấm dứt?
Có chăng, sau thảm kịch ở Essex, khi những rủi ro và nguy hiểm đã được phơi bày, các bậc cha mẹ sẽ cẩn thận hơn và sẵn sàng trả thêm nhiều tiền cho những mạng lưới tổ chức di dân trái phép (hay còn gọi là buôn lậu người) để đảm bảo con họ vượt biên an toàn.
Nếu muốn đẩy lùi vấn nạn này, điều cốt lõi là phá vỡ “hình thức kinh doanh” do các nhóm tội phạm có tổ chức điều hành và sở hữu “chân rết” trải khắp Việt Nam, Nga, Đông Âu, Tây Âu và Anh.
Tất nhiên, đây không hề là một nhiệm vụ dễ dàng và có thể giải quyết mau chóng. Song, giờ chúng ta đều nắm được đâu là đối tượng tiềm năng, dễ bị lôi kéo vào con đường này nhất; cũng như do đâu mà họ trở thành mục tiêu nhắm tới của các mạng lưới buôn lậu người, cách họ di chuyển từ Việt Nam sang Anh.
Từ đó, chúng ta có thể thiết lập và triển khai các giải pháp cụ thể, lâu dài, trên nhiều phương diện và có mục đích cụ thể để ngăn chặn cảnh người Việt bị bóc lột, bỏ mạng nơi đất khách quê người.
Thuyết phục ở lại khó hơn cảnh báo về hiểm nguy nơi đến
Ông Mike Dottridge, một chuyên gia kì cựu trong lĩnh vực chống buôn bán người trái phép, từng chỉ ra 5 yếu tố “móc xích” lẫn nhau, tác động đến việc một cá nhân trở thành đối tượng của kẻ buôn người.
- Khả năng kinh tế: Hoàn cảnh gia đình khó khăn tỷ lệ thuận với nguy cơ dễ bị dẫn dụ đi lao động chui ở nước ngoài.
- Trình độ học vấn: Những người bỏ học sớm hơn có nguy cơ bị buôn bán cao hơn.
- Giới tính: Tại Trung Quốc, nơi hầu hết người Việt bị lừa bán sang, 80% số nạn nhân là phụ nữ và bé gái. Mặt khác, theo số liệu của cơ quan chính phủ Anh, 65% số người Việt Nam bị bóc lột sức lao động ở nước này là nam giới.
- Định danh: Các nhóm đối tượng buôn người thường nhắm đến chủ yếu người dân tộc thiểu số, người nhập cư, công nhân nhà máy.
- Pháp luật hiện hành: Mức độ được đào tạo để xác minh và ngăn chặn các tình huống vận chuyển người trái phép của hải quan, cảnh sát phụ trách vấn đề nhập cư, lực lượng biên phòng tại Việt Nam và cả Anh, các nước châu Âu trên đường di chuyển của di dân Việt. Khả năng phối hợp, hợp tác của các bên khi làm việc chung.
Nạn buôn lậu người quá phức tạp và không thể giải quyết chỉ bởi một bên. Đó là trách nhiệm mà tất cả cần san sẻ.
Dựa trên các yếu tố liên quan mật thiết tới nhau này và câu chuyện thực tế của người trong cuộc, chúng ta có thể xác định “con mồi tiềm năng” mà các nhóm buôn người hướng đến.
Những khó khăn kể trên đòi hỏi các giải pháp dài hạn. Các giải pháp này một mặt cần bám vào lý thuyết, phân tích, một mặt cần thích ứng với bối cảnh và văn hóa địa phương nhằm phát huy hết tính thiết thực và hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.
Những di dân Việt Nam tìm cách nhập cư trái phép vào châu Âu đều tin rằng hành trình vượt biên sẽ an toàn, ít rủi ro và chỉ cần đặt chân thành công vào nước Anh, cơ hội kiếm tiền của họ sẽ rộng mở hơn bao giờ hết. Ngay cả khi muốn quay về, họ cũng không thể vì gánh trên vai khoản nợ khổng lồ của gia đình.
Cuộc sống “màu hồng” ở trời Tây hoàn toàn là mộng tưởng sai lầm. Tại quê nhà, người dân hoàn toàn có khả năng kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình. Nếu muốn ra nước ngoài làm việc, vẫn luôn có những chương trình hợp pháp, chính thống của Chính phủ hỗ trợ người lao động.
Đó là ba điều quan trọng mà những người làm công tác phòng chống nạn buôn người cần thuyết phục người dân đầu tiên trước khi tính đến các phương án khác.
Trong thời gian làm công tác vận động tại Việt Nam, tôi nhận ra các thông điệp phòng chống buôn người phát huy tối đa hiệu quả khi có cách tiếp cận càng gần gũi càng tốt (tại nhà, trường học, những nơi tập trung đông người dân địa phương đến sinh hoạt).
Người phát đi thông điệp cũng nên là các thành viên quen thuộc, có tiếng nói với cộng đồng đó và cùng hợp tác, làm việc với các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương hay khu vực tư nhân.
Ai cũng quan niệm rằng thà cắn răng chịu đựng đi vượt biên khổ sở một chút, rồi cuộc sống sẽ sang trang khi đặt chân thành công vào Anh.
Tuy nhiên, chỉ đơn giản cảnh báo về hiểm nguy - thậm chí nhắc nhở liên tục đến thảm kịch ở Essex - cũng chưa đủ để ngăn người dân tiếp tục những hành trình xuất ngoại lành ít dữ nhiều.
Thứ có khả năng thuyết phục được họ là cơ hội việc làm ở Việt Nam, điều sẽ giúp họ kiếm sống, nuôi bản thân và gia đình.
Cơ hội để thoát cảnh nghèo đói vẫn luôn tồn tại, song cũng như nhiều thị trường mới nổi khác, việc tiếp cận việc làm thường nằm ngoài tầm với của người dân nghèo ở khu vực nông thôn.
Cách truyền tải thông điệp cũng đòi hỏi sáng tạo. Khi đảm nhận chức Giám đốc vận động chính sách của tổ chức chống buôn người Pacific Links (Mỹ), tôi từng tiến hành một chiến dịch truyền thông có sự tham gia của các ngôi sao bóng đá Việt Nam và cầu thủ của giải Ngoại hạng Tây Ban Nha La Liga.
Lý do tôi chọn các ngôi sao bóng đá tham gia chiến dịch thật ra rất đơn giản. Các di dân Việt Nam chủ yếu là nam thanh niên trong độ tuổi 15-30, nhóm tuổi thường không coi trọng lời khuyên từ cha mẹ hay của một người lạ hoắc từ một tổ chức phi chính phủ nào đó, nhưng lại rất sẵn lòng dõi theo và học hỏi các thần tượng bóng đá của mình.
Không chỉ là chuyện giữa Anh và Việt Nam
Để thực hiện chiến dịch, không chỉ tổ chức tôi làm việc tham gia mà còn có sự chung tay của nhiều bên ở cả Anh và Việt Nam.
Các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân, chính phủ Anh, Việt Nam, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải cùng nhau tài trợ, phát triển và thực hiện các chương trình giúp tăng khả năng tiếp cận các cơ hội cho nhóm người này.
Những cơ hội này cần được trao khi các cô bé cậu bé tại các tỉnh nghèo vẫn đang trong độ tuổi đi học, chẳng hạn như học bổng của trường kết hợp với thông tin phòng chống buôn bán người.
Có vậy, những đứa trẻ lớn lên và chứng kiến người thân trong gia đình lần lượt ra nước ngoài lao động mới có thể rũ bỏ niềm tin rằng tương lai của chúng được định đoạt sẵn theo cách tương tự.
Học bổng đào tạo nghề sẽ giúp những người trẻ bỏ học sớm có kỹ năng cần thiết, tăng khả năng có công việc với mức lương xứng đáng tại Việt Nam. Doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương có thể tổ chức các hội chợ việc làm, đóng vai trò cầu nối người dân với các nhà máy đang thiếu hụt công nhân.
Ngăn chặn nạn buôn người không chỉ là trách nhiệm của Việt Nam hay Anh, mà còn của các quốc gia thuộc cung đường di chuyển của di dân Việt Nam.
Chính phủ Anh, Việt Nam và các nước EU cũng có thể làm việc với khu vực tư nhân để tạo ra các chương trình trao đổi công nhân cho cả lao động tay nghề lẫn chưa có kỹ năng để được làm việc hợp pháp ở nước ngoài.
Tại nhiều nước EU, một số lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn như điều dưỡng đang trong tình cảnh thiếu hụt lao động. Và một chương trình đào tạo lao động lành nghề theo con đường hợp pháp, với mức lương tương xứng sẽ tạo động lực cho người Việt tiếp tục học nghề lâu dài.
Ngăn chặn nạn buôn người không chỉ là trách nhiệm của Việt Nam hay Anh, mà còn của các quốc gia thuộc cung đường di chuyển của di dân Việt Nam.
Chính phủ các nước này có thể không xem đó là vấn đề phải đối mặt vì người Việt chỉ đơn giản là đi ngang qua lãnh thổ của họ. Song, một sự thật không thể chối bỏ là các di dân Việt Nam đã bị đưa vào những nước này một cách trái phép và chịu cảnh bị bóc lột mỗi ngày.
Nếu các quốc gia như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và nhiều nước châu Âu muốn giảm số lượng di dân Việt Nam quá cảnh qua lãnh thổ của mình, họ cần san sẻ trách nhiệm và:
- Coi việc buôn người Việt Nam là tội hình sự - thay vì chỉ là vấn đề kinh tế xã hội - trong bối cảnh tội phạm có tổ chức hoạt động ngày càng tinh vi hơn. Cơ quan thực thi pháp luật từ các quốc gia quá cảnh EU phải chia sẻ thông tin và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật từ Anh và Việt Nam để phá vỡ mạng lưới tội phạm rộng lớn mà nạn nhân không chỉ là con người - còn bao gồm cả ma túy, động vật hoang dã và nhiều loại hàng cấm khác.
- Hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam để ngăn chặn người Việt sa chân vào con đường nguy hiểm này. Nếu nhiều người quyết định ở lại, số người bỏ đi xa xứ cũng sẽ giảm đi.
- Đẩy mạnh và chi nhiều tiền hơn cho việc đào tạo các nhân viên thuộc cơ quan thực thi pháp luật ở chính đất nước họ và Việt Nam về cách xác minh, hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân người Việt Nam.
- Thắt chặt chính sách quản lý các tiệm làm móng (ngành kinh doanh do người Việt chiếm đa số ở khắp châu Âu và Anh) để xác định rõ hơn các tình huống người di cư Việt Nam bị bóc lột hoặc bị bắt làm nô lệ.
- Xem xét lại chính sách của quốc gia về cần sa và tội ác hình sự.
- Kết hợp với khu vực tư nhân và chính phủ Việt Nam để thiết lập các chương trình cho người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hợp pháp, đồng thời cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động ở nước ngoài.
Thật khó để thuyết phục người Việt rằng việc đến Anh hay châu Âu đầy rẫy hiểm nguy và chẳng thể biến giấc mộng đổi đời của họ trở thành sự thật.
Niềm tin về một cuộc sống “dễ thở”, tương lai tươi sáng khi làm việc bất hợp pháp tại các tiệm làm móng ở Anh đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam khi họ nhìn vào giá trị kiều hối đổ về quê nhà.
Trước thảm kịch tại Essex, thật khó để thuyết phục người Việt rằng việc đến Anh hay châu Âu đầy rẫy hiểm nguy và chẳng thể biến giấc mộng đổi đời của họ trở thành sự thật. Người dân vẫn thường nghĩ tôi cố tình phóng đại để làm họ sợ hãi.
Thực tế này xuất phát từ việc những di dân, người lao động chui hiếm khi chia sẻ sự thật với gia đình của họ về hành trình khắc nghiệt lẫn cuộc sống bủa vây trong khó khăn, đầy rẫy nước mắt nơi đất khách quê người.
Tất cả chúng ta đều nợ các nạn nhân - những người con gái, con trai, chị gái, anh trai, cha mẹ của một gia đình bất hạnh nào đó - một lời đảm bảo rằng cái chết của họ sẽ giúp ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra.
Ánh sáng hy vọng vẫn hiện diện nếu các bên liên quan cùng bắt tay vào làm việc, hỗ trợ lẫn nhau. Mặc dù không thể ngăn cản tất cả những người có ý định mạo hiểm cuộc sống của chính mình để tìm kiếm một cuộc sống “tươi đẹp hơn” ở nước ngoài, chúng ta vẫn cần nỗ lực bằng mọi giá.