Chín ngày sau đó trở thành bi kịch tồi tệ nhất của Hải quân Nga.
Sáng hôm đó, tàu Kursk, dài 154 m, diễn tập trên biển Barents ở ranh giới giữa Nga và Na Uy. Vào khoảng 11h28 (giờ địa phương), phía Na Uy ghi nhận rung động từ một vụ nổ, hai phút sau là một vụ nổ lớn hơn.
Tàu Kursk trong một bức ảnh chụp tại căn cứ Vidyayevo. |
Tín hiệu SOS duy nhất
Hải quân Nga xác định được vị trí tàu ngầm vào rạng sáng hôm sau. Mọi liên lạc radio đã bị mất. Sau này, khi vụ việc sáng tỏ, tín hiệu duy nhất thu được sẽ chỉ là tín hiệu SOS mà một thủy thủ trên tàu tạo ra bằng cách đập vào thân tàu, theo AFP.
“Trục trặc kỹ thuật” là cách mà Hải quân Nga mô tả vụ việc trước công chúng vào ngày 14/8, sau hai ngày trì hoãn. Người đứng đầu Hải quân Nga nói giả thuyết chính là có vụ nổ ở nơi chứa ngư lôi, khiến tàu ngầm chìm ở vùng biển trung lập cách thị trấn ven biển Severomorsk 150 km, cũng là căn cứ chính của Hạm đội Bắc.
Hải quân nói tàu ngầm đã tắt động cơ hạt nhân và không đem theo vũ khí hạt nhân. Không có hiện tượng rò rỉ phóng xạ. Theo Hải quân Nga, thủy thủ đoàn, mắc kẹt 108 m dưới đáy biển Barents, có đủ khí ôxy cho đến ngày 18/8.
Bất chấp tình hình nguy cấp đến tính mạng các thủy thủ, Nga từ chối đề nghị giúp đỡ của Anh, Na Uy và Mỹ. Thay vào đó, Nga thực hiện tìm kiếm một mình, với thiết bị cũ và lạc hậu, dẫn đến một loạt các thất bại, theo AFP.
Người thân thăm mộ những nạn nhân chết trong thảm họa tàu ngầm Kursk tại nghĩa trang ở St. Petersburg ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP. |
"Nước ngập hoàn toàn"
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có tục kỳ nghỉ ở khu nghỉ dưỡng Sochi. Phải đến ngày 16/8 ông mới có phát ngôn đầu tiên, mô tả tình hình là “nguy cấp”.
Vài giờ sau, ông nói chuyện với người đồng cấp Bill Clinton qua điện thoại để bàn về chiến dịch giải cứu. Cuối cùng, Nga chấp nhận trợ giúp từ Anh và đề nghị Na Uy cùng tham gia, nhưng ông Putin không cắt ngắn kỳ nghỉ của mình, và “sự im lặng” này bị truyền thông phê phán.
Báo chí Nga cáo buộc quân đội nói dối, thậm chí đặt dấu hỏi về giá trị của mạng người ở nước Nga.
Trong khi đó, gia đình các thủy thủ mô tả sự chờ đợi như “sống trong địa ngục”. “Mỗi bản tin như một lần bị hành quyết”, một phụ nữ có chồng trên tàu nói.
Ngày 21/8, sau 30 giờ thao tác, thợ lặn Na Uy mở được tàu ngầm. Bên trong tàu Kursk nước ngập hoàn toàn. Toàn bộ thủy thủ đã thiệt mạng.
Gia đình các thủy thủ mô tả sự chờ đợi như “sống trong địa ngục”. Ảnh: AFP. |
Mảnh giấy “đau đớn”
Ngày hôm sau, ở Vidyayevo, căn cứ “nhà” của tàu Kursk, gia đình các nạn nhân tập trung về đó, cùng nhau khóc thương, và chỉ trích ông Putin.
Ngày 23/8 trở thành ngày quốc tang, nhưng các gia đình nạn nhân từ chối tham gia. Ông Putin nói ông “cảm thấy có trách nhiệm hoàn toàn và cảm thấy tội lỗi vì thảm kịch này”.
Cơ quan công tố của Nga kết thúc điều tra tháng 7/2002, tuyên bố không thể quy trách nhiệm cho ai.
Cơ quan này kết luận vụ tai nạn là do nổ ở nơi chứa ngư lôi, và không có cách nào cứu được thủy thủ đoàn. Họ tử vong muộn nhất là 8 giờ sau vụ nổ.
Một tờ giấy ghi chép trong túi của một thủy thủ, tìm thấy vào tháng 10/2000 khi thi thể của anh được đưa lên bờ, cho thấy bằng chứng “đau đớn” rằng ít nhất 23 thủy thủ đã sống sót vài giờ sau vụ nổ, nhờ lánh nạn ở phía sau của con tàu.