Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thảm họa Hiroshima: Tranh cãi dai dẳng 7 thập kỷ

Việc Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản có phải phương án khả dĩ nhất để chấm dứt thế chiến? Câu hỏi đó đến nay vẫn được tranh luận gay gắt.

Vào ngày này năm 1945, đúng 8h15 sáng, máy bay ném bom B-29 của Mỹ với tên gọi Enola Gay thả "Little boy", quả bom nguyên tử (bom A) đầu tiên trên thế giới, xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.

"Little boy" với sức mạnh của hơn 20.000 tấn TNT đã phá hủy hai phần ba diện tích Hiroshima và trong chớp mắt giết 80.000 người, biến cả thành phố thành một biển chết.

Ba ngày sau, quân đội Mỹ tiếp tục thả "Fat Man" xuống Nagasaki, cướp đi 40.000 nhân mạng. Hàng chục nghìn người khác chết vì các căn bệnh trực tiếp hoặc gián tiếp do phóng xạ gây ra cho đến ngày nay.

72 năm trôi qua kể từ vụ tấn công hạt nhân duy nhất nhằm vào một quốc gia trong lịch sử loài người, quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Tổng thống Harry Truman vẫn là đề tài tranh luận gay gắt giữa các chính trị gia và nhà sử học.

Cách chấm dứt thế chiến ít tổn thất nhất?

Nhiều học giả lên án quyết định thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản Hiroshima và Nagasaki của Tổng thống Harry Truman là không cần thiết và vô đạo đức. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng cuộc tấn công đã rút ngắn cuộc chiến và cứu sống nhiều sinh mạng của cả người Mỹ lẫn người Nhật.

Theo Wilson Miscamble, giáo sư lịch sử tại Đại học Notre Dame, việc ném bom Hiroshima và Nagasaki nhằm tránh cuộc xâm lược tốn kém mà Truman biết sẽ biến nước Nhật thành “một Okinawa từ đầu bên này đến đầu bên kia”.

Okinawa là nơi diễn ra một trong các trận chiến đẫm máu nhất tại Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Miscamble cho rằng giả định của Truman là hoàn toàn chính đáng.

My tha bom Hiroshima anh 1
Tổng thống Harry Truman cầm trên tay thư đầu hàng của Nhật Bản tại Nhà Trắng vào ngày 7/9/1945, đứng cạnh ông bên trái là Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson. Ảnh: AP.

Cho tới tháng 7/1945, Nhật Bản đã hứng chịu các cuộc tấn công tàn phá bởi máy bay B-29 của Mỹ trong nhiều tháng. Thủ đô và các thành phố lớn khác bị thiệt hại nặng nề. Các đảo chính bị hải quân phong tỏa làm cho thực phẩm và nhiên liệu ngày càng khan hiếm.

Tổn thất quân sự và dân sự của Nhật Bản lên đến khoảng 3 triệu người và trước mắt cuộc chiến dường như không có hồi kết. Bất chấp những điều này, Nhật Bản tuyên bố không đầu hàng và chống trả đến cùng.

Các quả bom nguyên tử đã buộc Nhật hoàng Hirohito phải hiểu rõ, và hiểu theo cách mà các lãnh đạo quân sự của Nhật từ chối hiểu, rằng việc bảo vệ quê hương là vô vọng.

Nhật hoàng đã phải sử dụng sự can thiệp chưa từng có để phá vỡ bế tắc trong chính phủ Nhật Bản và cuối cùng ra lệnh đầu hàng. Ông Miscamble nhận định chính việc thả bom nguyên tử đã cho phép Nhật hoàng và phe hòa bình trong chính phủ Nhật Bản đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Theo ông, tất cả các kịch bản khác cho chiến thắng của Mỹ đều đồng nghĩa thương vong sẽ cao hơn nhiều. Theo ước tính của quân đội Mỹ vào thời điểm đó, con số này có thể trên một triệu. 

Sau cuộc chiến, Tổng thống Truman nhận định nếu ông không sử dụng bom hạt nhân khi nó đã sẵn sàng và khiến thêm nhiều lính Mỹ bỏ mạng trong các cuộc đổ bộ đường biển, ông có thể phải đối mặt với sự phẫn nộ của người dân Mỹ.

Trong bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs, nhà sử học Barton Bernstein, Đại học Stanford, cho rằng vào thời điểm trước khi thảm họa Hiroshima và Nagasaki diễn ra, "khó mà biết rằng việc sử dụng bom A lại có thể gây nên những tranh cãi sâu sắc về mặt đạo đức cho nhà hoạch định chính sách".

Cuộc tấn công có thể tránh

Theo Washington Post, trong ý niệm của nhiều người dân Mỹ cũng như trong mọi cuốn sách lịch sử ở nước này, hai quả bom nguyên tử đã buộc Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15/8/1945 và chiến tranh chính thức kết thúc.

Tuy nhiên vào năm 1965, nhà sử học Gar Alperovitz lập luận rằng mặc dù bom nguyên tử trực tiếp chấm dứt chiến tranh, song giới lãnh đạo Nhật Bản dù gì cũng đã muốn đầu hàng và có thể đã đầu hàng trước khi cuộc đổ bộ của Mỹ dự kiến vào ngày 1/11/1945 diễn ra.

Do vậy, việc sử dụng bom nguyên tử là không cần thiết và cuộc tấn công hạt nhân Hiroshima và Nagasaki là có thể tránh được. 

Đây cũng là quan điểm của Gregg Herken, giáo sư lịch sử ngoại giao Mỹ tại Đại học California đồng thời là tác giả cuốn “The winning weapon: The atomic bomb in the Cold War” (Vũ khí chiến thắng: Bom nguyên tử trong Chiến tranh Lạnh).

Không phải vụ tấn công bom nguyên tử mà chính việc Liên Xô tấn công đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhanh chóng quyết định chấm dứt chiến tranh.

Nhà sử học Tsuyoshi Hasegawa

Theo Herken, dựa trên những ghi chép của Nhật Bản, việc Liên Xô chính thức tham chiến ở mặt trận Đông Bắc Á thậm chí còn khiến Tokyo sốc hơn cả khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima hai ngày trước đó.

Cho tới lúc đó, Nhật Bản vẫn hy vọng Liên Xô sẽ đóng vai trò trung gian trong đàm phán kết thúc chiến tranh. Như nhà sử học Tsuyoshi Hasegawa viết trong cuốn “Racing the Enemy” (Chạy đua với kẻ thù): “Thực ra, không phải vụ tấn công bom nguyên tử mà chính việc Liên Xô tấn công đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhanh chóng quyết định chấm dứt chiến tranh”.

Ngoài ra, con số nửa triệu thương vong mà Mỹ có thể phải gánh chịu nếu kéo dài cuộc chiến với Nhật Bản, cái cớ để hợp lý hóa việc ném bom nguyên tử, lại không được quân đội xác thực. 

Nhà sử học Barton Bernstein dẫn dự đoán của Ủy ban Kế hoạch Chiến tranh Mỹ vào giữa tháng 6/1945 cho biết cuộc xâm lược Nhật Bản có thể chỉ khiến 193.000 lính Mỹ thương vong, trong đó khoảng 40.000 người thiệt mạng.

My tha bom Hiroshima anh 2
Thành phố Hiroshima hoang tàn sau cuộc ném bom nguyên tử ngày 6/8/1945. Ảnh: AP.

Đằng sau hai trận bom hủy diệt

Nhiều nhà sử học phân tích rằng còn có những lý do khác khiến cho Mỹ thả bom hai thành phố của Nhật Bản.

Theo sử gia J. Samuel Walker, giới chính trị Washington tin rằng sử dụng bom hạt nhân tấn công Nhật Bản ngoài việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh, còn chứng tỏ cho Moscow thấy Mỹ có trong tay vũ khí có thể quyết định mọi cuộc chiến.

Trong suốt cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã ở mặt trận phía đông, Liên Xô đã chứng minh sức mạnh quân sự của họ bằng cách đánh bại từ 70 đến 80% quân đội Quốc xã. Phe Đồng minh tỏ ra lo lắng trước năng lực của Hồng quân.

Nhà sử học Alex Wellerstein của Viện Công nghệ Stevens thì nói rằng một trong những mục tiêu của vụ thả bom nguyên tử là gây ấn tượng với cả thế giới về sức mạnh loại vũ khí mới của Mỹ.

My tha bom Hiroshima anh 3
Quả bom nguyên tử "Little boy" của Mỹ trong quá trình chế tạo. Ảnh: atomicarchive.com .

Cuộc tấn công hạt nhân còn là cái cớ để biện minh cho chi phí của Dự án Manhattan. Trước khi quân đội ném bom hạt nhân Nhật Bản, công chúng Mỹ hầu như không biết về Dự án Manhattan. Tổng chi phí nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm trong chương trình khoảng 1,9 tỷ USD (năm 1945), khoản ngân sách này cần được Quốc hội phê duyệt.

Nếu quân đội Mỹ không thể chứng minh tính hiệu quả của dự án thì rất khó để thuyết phục các nhà lập pháp chi tiền cho chương trình. Khuất phục Đế quốc Nhật bằng vũ khí hạt nhân chính là cách tốt nhất để chứng minh hiệu quả của dự án.

Hơn bảy thập kỷ trôi qua, cuộc tranh luận về quyết định ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản vẫn chưa dừng lại và có lẽ sẽ là câu chuyện dài bất tận.

Hai quả bom nguyên tử của quân đội Mỹ khép lại Thế chiến 2, song cũng đẩy nhân loại vào cuộc chay đua khốc liệt để sở hữu công nghệ giết người hàng loạt, đặc biệt cuộc chạy đua giữa 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô trong những năm Chiến tranh Lạnh. Nó cũng mở ra viễn cảnh về ngày tận diệt của loài người khi đại chiến thế giới lần ba xảy đến.

Khoảnh khắc Hiroshima bị bom nguyên tử san phẳng 72 năm trước 8h15 ngày 6/8/1945, mọi sự sống trong thành phố Hiroshima của Nhật Bản "đóng băng" khi quả bom nguyên tử của Mỹ phát nổ trên không trung, cướp đi sinh mạng của 140.000 người.

Bóng ma hạt nhân: 7 thập kỷ và sự điên rồ của con người

72 năm sau khi Mỹ ném bom "nhấn chìm" 2 thành phố của Nhật Bản trong Thế chiến II, vũ khí hạt nhân đã trở thành "con dao hai lưỡi" đe dọa tới sinh mạng của hàng tỷ người.

Mỹ: Triều Tiên có thể phóng tên lửa hạt nhân vào đầu năm 2018

Nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên sẽ có thể phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân sớm hơn 2 năm so với dự đoán trước đây.





Ngụy An

Bạn có thể quan tâm