Trong một thế giới lý tưởng, Vanja Kaludjercic dạo chơi trên đường phố Rotterdam, Hà Lan, giới thiệu đạo diễn và diễn viên điện ảnh tại các suất chiếu cháy vé. Cô đồng thời bắt chuyện với các nhà sản xuất và đại diện báo chí để quảng bá cho liên hoan phim.
Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế Rotterdam tưởng sẽ có lịch trình bận rộn khi tình hình tạm ổn, sau một năm sự kiện phải tổ chức trực tuyến vì Covid-19. Cuối cùng, điều đó không thể xảy ra vì sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Thảm đỏ đông báo chí, người nổi tiếng như tại LHP Quốc tế Berlin 2019 chỉ còn trong quá khứ. Ảnh: AP. |
Khó khăn chồng chất
Cuối tháng 11/2021, Mark Rutte, thủ tướng Hà Lan, ban bố lệnh giới nghiêm 17h-5h sáng hôm sau. Điều đó khiến Kaludjercic và ê-kíp hoang mang.
Kaludjercic đã dành vài tuần qua để nghiên cứu kế hoạch dự phòng. Các biện pháp phòng ngừa ngày càng thắt chặt để chống lại biến chủng Omicron, buộc cô và ê-kíp lần nữa trở lại vòng xoay của phát trực tuyến.
“Có vẻ chúng tôi đang đi trên con đường rất thực tế để đối mặt tình hình mới. Chỉ khoảng tám tuần trước, rõ ràng điều này hoàn toàn không khả thi”, Kaludjercic nói.
Mặc dù rạp chiếu phim sẽ mở cửa trở lại trong tuần này sau khoảng một tháng tạm đóng vì Omicron, nhưng đã quá muộn để thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Đây là năm thứ hai liên tiếp liên hoan phim của cô (diễn ra 26/1-6/2) phải chuyển sang hình thức phát trực tuyến.
“Chúng tôi phải suy nghĩ lại mọi thứ một lần nữa. Điều này thực sự căng thẳng. Tôi phải tìm ra cách tồn tại cho các nhà làm phim thay vì để họ rơi vào trạng thái quay cuồng”, Kaludjercic nói.
Cuối cùng, Kaludjercic và ê-kíp quyết định tạm hoãn phần lớn chương trình, với một số bộ phim được cung cấp cho khán giả Hà Lan. Các hạng mục trao giải của Liên hoan phim Quốc tế Rotterdam được hỗ trợ bởi báo chí và được công nhận thông qua nền tảng trực tuyến F Festivalcope.
Hình thức liên hoan phim tổ chức trực tuyến ngày càng phổ biến. Ảnh: Getty. |
Tại Đức, Carlo Chatrian đang đối mặt với tình thế khó xử tương tự. Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế Berlin (Berlinale) phải gặp nhà chức trách để tìm hiểu xem liệu họ có thể tổ chức các buổi chiếu và sự kiện trực tiếp hay không trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan nhanh.
Chatrian và Mariette Risenbeek - Giám đốc điều hành của Berlinale - cuối cùng đạt được đồng thuận với các quan chức. Liên hoan phim được tổ chức từ ngày 10/2, thời gian là một tuần thay vì 10 ngày như ban đầu. Các rạp chiếu cũng chỉ được hoạt động một nửa công suất.
Tất cả bữa tiệc chiêu đãi sau đó đều bị hủy bỏ. European Film Market - sự kiện định hướng ngành điện ảnh của LHP trước đây thu hút hàng nghìn du khách - cũng bị dời sang tổ chức trực tuyến.
“Từ đầu, lý do nhiều nhà sản xuất, chuyên gia đến Berlinale là để làm gì đó có ích cho công chúng. Tôi không biết các lễ hội khác thế nào nhưng Berlinale kết nối chặt chẽ với các nhà hát và người dân trong thành phố. Sự kiện trực tuyến không phải là lựa chọn đúng đắn”, Chatrian nói.
Trở lại mùa thu năm 2021, với tình trạng lây nhiễm Covid-19 giảm, các nhà tổ chức liên hoan phim quốc tế thấy tự tin trong việc lên kế hoạch cho các chương trình chính thức của năm 2022.
Sau một năm được đón nhận dù chỉ tổ chức trực tuyến, họ hy vọng có mùa giải 2022 bùng nổ. Song, làn sóng lây nhiễm mới gây ra bởi biến chủng Omicron đã trả giá cho tất cả sự lạc quan của các nhà đầu tư.
Lạc quan với tương lai
Bù lại, kinh nghiệm từ buổi trao giải trực tuyến từ năm 2021 giúp các nhà tổ chức không bị loay hoay khi đối mặt điều không thể tránh khỏi.
Kaludjercic cho biết Liên hoan phim quốc tế Rotterdam đã liên kết với một số lễ hội khác tại Hà Lan để phát triển nền tảng chung cho các buổi chiếu. Cô nhận thấy việc phát trực tuyến có thể thu hút sự chú ý của báo chí nhiều hơn so với những buổi lễ diễn ra trực tiếp.
“Mức độ phủ sóng và tiếp xúc của lễ hội rộng hơn nhiều so với việc chỉ một số người đến sự kiện. Điều này cho phép các bộ phim được chiếu vào năm trước tạo được ảnh hưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác”, cô nói.
Kaludjercic đồng thời cho rằng ban tổ chức nhận thấy sự tham gia của khán giả cả nước lan rộng, nhiều hơn so với việc chỉ có một số người đến Rotterdam hoặc đến các rạp chiếu phim. Họ nhận ra nhiều bài học thú vị sau hai năm ảm đạm.
Trong khi đó, Chatrian nói rằng nhóm của anh ấy đã mở rộng việc trò chuyện trực tuyến với các nhà làm phim - những đối tượng cần thiết nhưng không thể đến dự liên hoan phim.
Liên hoan phim Quốc tế Berlin và nhiều sự kiện đông đúc khác tập sống chung với phát trực tuyến. Ảnh: Getty. |
“Thông qua công nghệ, chúng tôi có thể tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Ngay cả khi không thể cho khán giả ở xa xem phim, chúng tôi cũng có thể trình chiếu những nội dung khác để thu hút sự thèm muốn của người xem trên toàn thế giới”, Chatrian nói.
Đây cũng là thực tế mà Liên hoan phim tài liệu quốc tế Yamagata - sự kiện diễn ra hai năm/lần tại Nhật Bản - phải chấp nhận. Tháng 10/2021 đánh dấu lần đầu sự kiện tổ chức trực tuyến sau nhiều năm.
Asako Fujioka, thành viên ban tổ chức lễ hội Yamagata, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thảo luận về ấn bản trực tuyến sẽ trông như thế nào vào tháng 12/2020, 10 tháng trước khi lễ hội chính thức diễn ra. Không ngờ khán giả phản hồi tốt, đặc biệt là người sống xa Yamagata và những người vì nhiều lý do khác nhau không thể đến Nhật”, cô nói.
“Có thể chúng ta gặp nguy hiểm khi ra rạp hoặc xuống phố trong thời kỳ đại dịch. Nhưng nếu không làm vậy, xã hội gặp nhiều rủi ro. Tôi nghĩ sự phân cực của xã hội ngày nay đã phản ánh điều đó”, Chatrian nói.
Giám đốc nghệ thuật của Berlinale cho rằng khi ra rạp, nhất là đến liên hoan phim, chúng ta gặp những người có hoàn cảnh, cách nhìn khác nhau về bộ phim. Điều đó đôi khi gây ra khó chịu nhưng là bài tập để chúng ta tập làm công dân, hòa nhập xã hội.
“Rất khó, nếu không muốn nói là không thể tái tạo sự hiểu biết về bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp điện ảnh trong môi trường phát trực tuyến. Nhiều chủ đề và các buổi chiếu gala theo định hướng chính thống của liên hoan phim thường bị bỏ qua”, Kaludjercic nói.