Một cụ bà uống nước tại khu vực công cộng trong nắng nóng chết người ở Ấn Độ. Ảnh: AFP |
Bà Chanaga Ratnam, 55 tuổi, ở bang Andhra Pradesh đau đớn khi chồng trúng nắng và qua đời, trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao khiến cuộc sống người dân của quốc gia Nam Á điêu đứng.
Ông Chanaga Aankaiah, 59 tuổi, sốc nhiệt vì làm đồng khi trời nắng gắt vào ngày 29/5. Người ta gọi đi làm thuê và ông rất hăm hở với khoản thù lao 2,35 USD/ngày. Người nông dân nghèo không để ý đến nguy hiểm rình rập vì nhiệt độ cao ngoài trời.
"Ông ấy về nhà, nói rằng không khỏe. Chồng tôi uống ít nước rồi qua đời", bà Ratnam ngậm ngùi kể.
Vì quá nghèo nên người vợ không còn đủ tiền mua thêm đá ướp xác chồng. Bà muốn mai táng người bạn đời theo tục lệ càng sớm càng tốt.
Cảnh ngộ của bà Ratman giống với nhiều người nghèo khác tại Andhra Pradesh, nơi số người tử vong vì mức nhiệt quá cao lớn nhất cả nước. Theo Daily Mail, số người chết trong đợt thời tiết cực đoan này tại Andhra Pradesh chiếm khoảng hai phần ba trong số 2.500 trên cả nước.
Các bác sĩ và tình nguyện viên đã xuất hiện ở nhiều nơi trong bang, cung cấp nước cho người dân và khuyên họ không nên ra ngoài vào thời điểm trời nắng gắt.
"Chết vì trúng nắng có thể tránh được. Điều người dân cần làm là tuân theo chỉ dẫn cơ bản như không lao động giữa trưa. Tuy nhiên, nhiều người không nghe theo. Chúng tôi có thể làm gì được? Vấn đề ở đây là nghèo đói", M. Sudhir Kumar, một bác sĩ tại trung tâm sức khỏe Dakkili nói.
Sau cái chết của chồng, dù trời nắng hay không, bà Ratman sẽ tiếp tục phải đi làm để duy trì cuộc sống.
Quy định bồi thường cho người chết vì nắng nóng
Điều làm bà Ratnam lo lắng là liệu chính quyền địa phương có đến kịp để xác nhận chồng bà chết vì nắng nóng hay không. Nếu được, gia đình sẽ nhận 1.600 USD tiền bồi thường.
"Hiện giờ quy trình bồi thường đã thay đổi, không cần khám nghiệm tử thi", Y. Maithreya, quan chức địa phương tại thị trấn Venkatagiri, gần ngôi làng bà Ratman đang sống, nói. Đa số các gia đình đều ngại quá trình khám nghiệm này.
N. Chandrababu Naidu, một quan chức trong chính phủ, ban đầu yêu cầu khám nghiệm tử thi để nhận bồi thường. Tuy nhiên, sau đó, ông nhận thấy yêu cầu không khả thi.
Khi một người dân chết vì say nắng, chỉ cần 3 quan chức địa phương đến xác nhận. Nếu gia đình đã an táng người chết, chỉ 5 người như hàng xóm hay bạn bè chứng nhận là đủ.
"Chúng tôi phải xác nhận để chi bồi thường cho đúng người, tránh trường hợp người chết vì bệnh tật hay đột quỵ cũng nhận tiền của chính phủ", Maithreya nhận định.