Sáng nay, 23/4, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường lần thứ nhất năm 2018. Nội dung quan trọng được chú ý là miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch HĐQT Sabeco đối với ông Võ Thanh Hà (hiện là Chủ tịch HĐQT Sabeco).
Đi kèm cho tờ trình miễn nhiệm chức vụ nói trên là tờ trình giới thiệu 3 ứng viên mới ứng cử vào HĐQT. Ba ứng viên được cổ đông nhất trí bầu vào HĐQT Sabeco đều mang quốc tịch nước ngoài, gồm: ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore), hiện là Chủ tịch HĐQT Beer Group (công ty đang sở hữu 49% công ty mẹ của Công ty TNHH Vietnam Beverage).
3 thành viên của ThaiBev sẽ ứng cử vào HĐQT Sabeco |
Ông Tan Tiang Hing, Malcolm (quốc tịch Malaysia), hiện là CEO Công ty Dexcel International và từng làm cho Heneiken. Cuối cùng là ông Sunyaluck Chaikajornawat (quốc tịch Thái Lan), làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd (Thái Lan).
Trước đó, nội dung để tiến hành ĐHCĐ bất thường của Sabeco cũng đã được xác định là để bàn về vấn đề nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp này.
Mới đây, ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Công ty Thai Beverage Public (ThaiBev), về việc công ty này tham gia HĐQT và điều hành Sabeco.
Theo kiến nghị của ThaiBev, cuối năm 2017, công ty này đã mua thành công 53,59% vốn điều lệ của Sabeco, thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage. Tới nay, ThaiBev chưa được trực tiếp tham gia HĐQT và điều hành, đồng thời bày tỏ quan ngại với lãnh đạo Chính phủ về việc này.
3 sếp người nước ngoài nắm quyền điều hành Sabeco. Ảnh: VD. |
Trước kiến nghị của ThaiBev, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, giao Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của ThaiBev theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Tại đại hội lần này cũng có nghị quyết điều chỉnh thuyết minh nợ tiềm tàng trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017.
Nội dung chính là khoản lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước, lên đến 2.495 tỷ đồng (tương ứng 89,59% cổ tức phải chia cho cổ đông Nhà nước) và 289 tỷ đồng (tương ứng 10,41% vốn góp của các cổ đông không kiểm soát), được Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp vào ngân sách, theo kết luận kiểm toán ngày 8/2. Nội dung này sẽ xin phép ý kiến cổ đông thông qua.
Biến động cổ phiếu SAB 6 tháng qua. Nguồn: Vietstock. |