Trước khi bị bắt, Lee Jae Yong giữ chức phó chủ tịch tập đoàn Samsung nhưng là người nắm quyền điều hành cao nhất. Chủ tịch Lee Kun Hee, cha ông Lee, trao lại quyền lực cho con trai duy nhất của mình vào năm 2014 sau một cơn trụy tim.
Lee tiếp quản một tập đoàn với văn hóa doanh nghiệp trì trệ và những vụ bê bối tham nhũng cả trên thương trường lẫn chính trường. Là một người từng học ở Đại học Harvard và có mối quan hệ rộng rãi với giới lãnh đạo công nghệ trên thế giới, tham vọng của người điều hành mới là cải tổ Samsung theo cung cách của các hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon ở Mỹ. Ông muốn bắt đầu một kỷ nguyên mới cho tập đoàn này với trọng tâm là minh bạch và trách nhiệm.
Hôm 17/2 vừa qua, Phó chủ tịch Lee bị bắt trong lúc tham vọng cải tổ của ông vẫn dang dở.
Ông Lee trong phiên điều trần cùng lãnh đạo 7 tập đoàn khác liên quan đến bê bối của Tổng thống Park Geun Hye. Hiện tại, ông cũng bị cáo buộc đã nói dối trước Quốc hội. Ảnh: Getty. |
'Hệ thống chaebol đã hết thời rồi'
Theo Wall Street Journal, Lee không yêu cầu các vệ sĩ cúi chào trước ông. Nhân viên được phép mặc trang phục thoải mái đến nơi làm việc trong khi phụ nữ có kỳ nghỉ thai sản dài hơn. Ông Lee cũng khuyến khích nhân viên hạn chế những buổi uống rượu sau giờ làm, điều rất phổ biến trong công sở Hàn Quốc.
Phó chủ tịch được cho đã nói riêng với các cộng sự rằng các thay đổi về lễ nghĩa như trên là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm đưa Samsung ra khỏi bầu không khí trì trệ và bảo thủ.
"Hệ thống chaebol đã hết thời rồi", các nguồn tin của Wall Street Journal thuật lại lời ông Lee.
Chaebol bắt nguồn từ sự kết hợp của từ “giàu có” và “gia tộc”, dùng để chỉ các nhóm lớn gồm nhiều công ty con có liên kết với nhau, thường bị chi phối bởi một gia đình giàu có. Samsung hiện là chaebol quyền lực nhất Hàn Quốc, đóng góp 20% GDP của nước này.
Âu hóa, nhưng vẫn rất 'Hàn Quốc'
Tuy vậy, những người quen biết Phó chủ tịch Lee kể về ông như một người "mắc kẹt" giữa 2 thế giới. Một phần trong Lee muốn đại tu Samsung, mang lại làn gió mới cho văn hóa của tập đoàn này. Mặt khác, ông phải hợp tác và tuân theo những quy chuẩn cố hữu trong thương trường Hàn Quốc, nơi mối quan hệ giữa các nhà tài phiệt và chính trị gia thường bị đan xen chằng chịt vào nhau.
"Ông ấy là một doanh nhân Âu hóa, nhưng phải thích nghi với một môi trường kinh tế và chính trị vẫn rất 'Hàn Quốc'", Park Yoon Shin, giáo sư của Đại học George Washington và là một người bạn lâu năm của gia đình họ Lee, nhận xét.
Trong khi đó, những người chỉ trích từ giới doanh nhân và chính trị gia nói rằng ông Lee đã có thể tạo ra nhiều thay đổi hơn. Thay vì đó, Samsung vẫn dành phần nhiều thời gian để củng cố đặc quyền chính phủ dành cho họ và địa vị của Lee trong tập đoàn.
Một trong các cáo buộc ông Lee đang gặp là quyên góp cho 2 quỹ phi lợi nhuận của bà Choi Soon Sil, bạn thân Tổng thống Park Geun Hye, để đổi lại sự ủng hộ của chính phủ trong vụ sáp nhập 2 công ty con của Samsung hồi năm 2015. Việc sáp nhập thành công đã củng cố quyền lực của Lee trong tập đoàn.
Samsung thừa nhận việc quyên góp nhưng bác bỏ cáo buộc đưa hối lộ.
Hình ảnh ông Lee trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 1. Trong nhiều tháng liền, người Hàn Quốc đang đổ ra đường biểu tình mỗi cuối tuần để yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức và bày tỏ sự phẫn nộ trước hệ thống bị cáo buộc dành quá nhiều đặc quyền cho giới tài phiệt của Hàn Quốc. Ảnh: Getty. |
Trong lúc xây dựng quyền lực của mình, ông Lee vẫn giữ lại các phụ tá của cha, bao gồm Văn phòng Chiến lược Tập đoàn, một bộ phận đầy quyền lực chuyên giám sát việc kinh doanh của tập đoàn, các phi vụ sáp nhập và quản lý rủi ro. Một người phát ngôn của Samsung nói rằng bộ phận này sẽ phối hợp với các công ty con trong những vấn đề công ty con không đủ năng lực giải quyết.
Trong khi đó, các nguồn tin nói rằng văn phòng chiến lược hoạt động như văn phòng của chủ tịch, chuyên giám sát các đối thủ, thu thập thông tin về chính trị gia, công tố viên và thẩm phán nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách.
Luật pháp Hàn Quốc cấm các hoạt động vận động hành lang. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định việc này vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức. Văn phòng chiến lược của Samsung hiện bị điều tra với cáo buộc vận động hành lang.
Trước đó, trong một phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 12/2016, Lee nói rằng ông hiểu "sự nghi ngờ và cảm xúc tiêu cực của công chúng" đối với văn phòng chiến lược. Phó chủ tịch Samsung nói rằng đó là một di sản từ thời ông nội ông, người sáng lập Samsung, và hứa sẽ kết thúc cơ chế này.
Đến lúc Lee bị bắt, ông và các cộng sự vẫn chưa thực hiện nhiều lời hứa của họ, bao gồm việc tuyển dụng những vị trí điều hành độc lập. Các công tố viên có tối đa 20 ngày để truy tố ông Lee. Hiện ông đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, đưa hối lộ và khai man.