Đập chính hồ Núi Cốc nằm cách thành phố Thái Nguyên gần 20 km. Phía dưới đập chính gần 1 km phía bên phải là khu vực dân cư. Toàn bộ vùng hạ du đập bao gồm TP Thái Nguyên, TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên và một phần tỉnh Bắc Giang.
Chiều 20/6, khu vực đập chính được kiểm soát khá nghiêm ngặt, hạn chế người dân và gia súc đi lại trong quá trình sửa chữa.
Trên vai đập bên trái phía hạ lưu xuất hiện một số vết khoan mới được công nhân tiến hành khoan phụt chống thấm nước trong công tác sửa chữa ban đầu. Sau đó, những lỗ khoan được vá lại bằng xi măng còn mới và được đánh dấu với kí hiệu riêng. Một số thiết bị, máy móc nằm ngổn ngang sau khi công tác sửa chữa được hoàn thành cơ bản.
Ở khu vực cao trình 44 m, những vết thấm rộng và nhiều hơn tại phần trên công trình. Ngoài ra, rãnh thoát nước hạ lưu (cao trình 32 m và 42 m) bị đổ gãy kéo dài 200 m, mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ.
Những vết thấm nước, đổ gãy của đập chính hồ Núi Cốc khiến người dân sống quanh đây lo ngại. Nhiều người chia sẻ họ sẵn sàng rời đi nếu đập vẫn có nguy cơ mất an toàn khi mực nước dâng cao, có thể xảy ra tình trạng vỡ đập.
Công tác khoan phụt chống thấm là biện pháp ban đầu khắc phục sự cố ở đập hồ Núi Cốc. Ảnh: Anh Dũng. |
Trước những nguy cơ mất an toàn của đập chính hồ Núi Cốc, cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan tỉnh Thái Nguyên đã xử lý bước đầu và đề ra những phương án cụ thể phòng chống vỡ đập hồ Núi Cốc.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lập Dự án xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết qua quá trình khảo sát và đánh giá ban đầu của các chuyên gia, đến ngày 6/6, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên quyết định phương án sửa chữa ban đầu là khoan phụt để chống thấm, đảm bảo an toàn cho đập chính.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên . Ảnh: Anh Dũng. |
Ông Thịnh thông tin: "Hiện, mực nước tại hồ Núi Cốc đang ở mức thấp nên những vết thấm chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần có những biện pháp sửa chữa kịp thời để ngăn ngừa trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”.
“Ưu tiên số 1 là di dời dân cư khu vực xung quanh hồ đến nơi an toàn để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, nông sản của người dân khi sự cố xảy ra ”, vị giám đốc bày tỏ.
Vị giám đốc cảnh báo nếu không xử lý kịp thời thì khi mực nước dâng cao 46,5 m thì đập chính hồ Núi Cốc sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm và có khả năng xảy ra vỡ đập.
Trong cuộc họp ngày 19/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về việc xử lý sự cố đập chính và phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du công trình hồ Núi Cốc.
Bên cạnh việc sửa chữa, khắc phục sự cố thấm nước tại đập chính hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng khi gặp sự cố.
Trong trường hợp khẩn cấp sẽ phá đập số 5 tại xã Phúc Tân để đảm bảo an toàn cho đập chính. Đây là khu vực ít dân cư nên công tác di dời khi sự cố xảy ra sẽ dễ dàng hơn, hạn chế được những thiệt hại về người và tài sản.
Đập chính hồ Núi Cốc nằm cách thành phố Thái Nguyên gần 20 km. Nguồn: Google maps. |