Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thái Lan tranh thủ cạnh tranh Mỹ - Trung để nâng cấp kho vũ khí

Thái Lan hiện đại hóa và bổ sung vũ khí, trang thiết bị cho lực lượng vũ trang nước này với sự hỗ trợ từ cả Trung Quốc và Mỹ giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược khu vực gia tăng.

Tướng Apirat Kongsompong, tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTAF), đang thúc đẩy thay đổi kiến trúc an ninh quốc gia với nỗ lực hiện đại hóa quân đội và bổ sung nhiều khí tài mới. Trang thiết bị quốc phòng từ Mỹ cũng xuất hiện trong kế hoạch này.

Thái Lan vừa tiếp nhận 10 xe thiết giáp, lô đầu tiên trong hơn 100 chiếc mà nước này ký thỏa thuận với Mỹ theo kiểu "vừa bán, vừa cho". Động thái cho thấy quan hệ đồng minh kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Washington và Bangkok đang dần bình thường hóa sau giai đoạn lạnh nhạt vì đảo chính quân sự năm 2014.

Thiết giáp và trực thăng Mỹ

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Thái Lan sau khi nước này tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 3. Động thái này cho phép các tướng lĩnh RTAF đặt mua thêm 4 trực thăng quân sự Black Hawk, đồng thời lên kế hoạch nhận từ Mỹ khoảng 140 xe thiết giáp Stryker.

Lô 10 chiếc đầu tiên, đã qua sử dụng tại chiến trường Afghanistan, được chuyển đến Thái Lan vào đầu tháng 9. Điều đặc biệt là Thái Lan chỉ phải trả tiền cho một phần hợp đồng 140 chiếc thiết giáp. Phần còn lại sẽ là quà tặng từ phía Mỹ.

Thai Lan tranh thu canh tranh My-Trung anh 1
Xe thiết giáp chuyển quân Stryker Thái Lan vừa tiếp nhận từ Mỹ được ra mắt tại trụ sở RTAF ngày 12/9. Ảnh: Bangkok Post.

Trong một thông báo vào tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã phê duyệt việc chuyển giao 60 chiếc Stryker cho Thái Lan, nhưng đồng minh Đông Nam Á chỉ cần trả 2,96 tỷ baht (khoảng 96 triệu USD) cho 37 chiếc trong số này. 80 chiếc thiết giáp còn lại sẽ được quân đội Thái Lan đưa vào chi tiêu ngân sách năm 2020, theo đó tướng Apirat đề xuất mua 50 chiếc Stryker và sẽ được Mỹ tặng thêm 30 chiếc.

Quân đội Thái Lan lên kế hoạch đến cuối năm 2019 tiếp nhận tổng cộng 100 chiếc Stryker. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Thái Lan. Phần lớn khí tài mới sẽ được triển khai đến Sư đoàn Bộ binh Hạng nhẹ 11 tại tỉnh Chachengsao, phía đông thủ đô Bangkok.

"Mục tiêu là xây dựng một tiểu đoàn thiết giáp Stryker, rồi mở rộng dần quy mô lực lượng lên cấp sư đoàn", một nguồn tin trong quân đội Thái Lan cho biết.

Panitan Wattanayagorn, cố vấn an ninh của Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan, cho biết nước này tiếp nhận thiết giáp từ Mỹ vì chúng phù hợp với những nhu cầu an ninh quốc gia. "Thái Lan cần những năng lực mới, sự cơ động mới và năng lực đối phó những thách thức mới bằng biện pháp đa dạng hơn", ông Panitan nhấn mạnh.

"Việc mua thiết giáp Stryker sẽ không làm mất lòng Trung Quốc. Chúng tôi cân bằng quan hệ với cả hai cường quốc dựa trên chiến lược tiếp cận tinh vi. Một số ý kiến cho rằng Thái Lan đang đi dây, nhưng chiến thuật của chúng tôi khiến cả hai nước vốn là đối thủ cảm thấy hài lòng khi chọn Thái Lan làm cầu nối", Panitan nhận định.

Tàu ngầm từ Trung Quốc

Giới phân tích tại Mỹ lại xem việc quan hệ quốc phòng Mỹ - Thái Lan khởi sắc dưới một lăng kính khác.

"Đây là giải pháp tối thiểu để quân đội Thái Lan duy trì được quan hệ đồng minh với Mỹ. Tôi nghĩ một số nhân vật trong RTAF lo ngại nước này đã nghiêng sang Trung Quốc quá nhiều kể từ sau căng thẳng ngoại giao với Mỹ vì đảo chính năm 2014", Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Mỹ, nhận định.

Thai Lan tranh thu canh tranh My-Trung anh 2
Hải quân Thái Lan ký thỏa thuận mua tàu đổ bộ Type 071 của Trung Quốc ngày 9/9. Ảnh: Chiang Rai Times.

Trước cuộc tổng tuyển cử tháng 3, các tướng lĩnh Thái Lan vẫn xem Trung Quốc là một đối tác chủ lực để cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho lực lượng vũ trang 335.000 quân chính quy của mình.

Quan hệ quốc phòng giữa Bắc Kinh và Bangkok vẫn được duy trì dù lệnh cấm vận vũ khí đã được Mỹ dỡ bỏ. Đầu tháng 9, hải quân Thái Lan ký với Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc hợp đồng mua tàu đổ bộ Type 071. Mẫu tàu 20.000 tấn có sân đậu trực thăng trị giá đến 6,1 tỷ baht (hơn 199 triệu USD).

Năm 2017, hải quân Thái Lan cũng đặt mua một tàu ngầm của Trung Quốc với giá 13,5 tỷ baht (hơn 442 triệu USD). Đây là chiếc đầu tiên trong thỏa thuận mua 3 tàu ngầm bổ sung vào biên chế hải quân Thái Lan với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD.

Trung Quốc cũng bán trang thiết bị quốc phòng cho bộ binh Thái Lan. Đầu năm 2019, RTAF đã mua thêm 3 xe bọc thép có chức năng chở quân, 12 xe bọc thép phục vụ chỉ huy tác chiến và nhiều trang thiết bị khác từ Trung Quốc.

Các tướng lĩnh Thái Lan cũng nhắm đến xe tăng Trung Quốc để thay thế lực lượng tăng chiến đấu chủ lực đã lạc hậu từng do Mỹ cung cấp. Số xe tăng này được triển khai đến Sư đoàn Kỵ binh Số 3 vừa thành lập, đóng tại tỉnh Khon Kaen, phía đông bắc Thái Lan.

Củng cố quan hệ đề phòng căn cứ Trung Quốc

Việc Trung Quốc tăng cường quan hệ mua bán vũ khí với đồng minh khiến nhiều quan chức tại Washington lo ngại. Trong khi đó, theo chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mối lo ngại còn được Mỹ đặt trong bối cảnh lớn hơn là khả năng hình thành quan hệ đồng minh Trung Quốc - Campuchia tại khu vực.

"Một trong những thách thức an ninh lớn và cấp bách nhất của Mỹ là tìm hiểu liệu Trung Quốc đã bí mật ký với Thủ tướng Hunsen thỏa thuận sử dụng căn cứ hải quân Ream hay chưa", ông Hiebert đề cập đến thỏa thuận được Wall Street Journal hé lộ hồi tháng 7.

Thai Lan tranh thu canh tranh My-Trung anh 3
Tàu tuần tra neo đậu tại cảng quân sự Ream của Campuchia. Ảnh: Reuters.

Căn cứ hải quân Ream nằm gần thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia, phía đông nam vùng duyên hải Vịnh Thái Lan.

Mỹ cũng đang nghi ngờ động cơ thật sự của Bắc Kinh ẩn sau dự án xây dựng đường băng quy mô lớn phía bắc thành phố. Washington lo ngại đường băng ở Koh Kong có thể trở thành nơi tiếp nhận máy bay quân sự Trung Quốc.

"Căn cứ Ream có thể trao cho quân đội Trung Quốc khả năng tiếp cận dễ dàng vịnh Thái Lan và đặt họ vào phạm vi đe dọa căn cứ hải quân Thái Lan tại U-Tapao. Đây sẽ là bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn cục diện an ninh khu vực", chuyên gia Hiebert dự báo.

Giới chức Thái Lan nhận định Mỹ củng cố trở lại quan hệ quốc phòng với nước này nhằm đề phòng những toan tính quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

"Họ đã bắt đầu làm điều này ngay tại Thái Lan. Giới chức Mỹ thường hỏi chúng tôi rằng Trung Quốc đang làm gì tại đây", một nguồn tin trong RTAF tiết lộ phía Mỹ đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của chuyên gia và nhân viên tình báo Trung Quốc.

Campuchia bí mật ký thỏa thuận cho TQ dùng quân cảng trong 30 năm?

Nhiều quan chức Mỹ và các nước đối tác tiết lộ chính phủ Trung Quốc và Campuchia đã bí mật ký thỏa thuận cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một căn cứ hải quân ở khu vực.

Quan chức Campuchia: 'Sẽ không có căn cứ quân sự Trung Quốc tại đây'

Giới chức quốc phòng Campuchia bác bỏ những hoài nghi từ Lầu Năm Góc về sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream ở tỉnh Preah Sihanouk.



Lê Thanh

Theo Nikkei Asian Review

Bạn có thể quan tâm