Bloomberg cho biết theo kế hoạch ban đầu, Thái Lan sẽ nhận 6 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tháng 6 này. Tuy nhiên, Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ chỉ nhận được 3,5 triệu liều từ Siam Bioscience. Đây là công ty đối tác của AstraZeneca tại Bangkok.
Siam Bioscience cũng sẽ không cung cấp đủ vaccine trong tháng 6 cho Malaysia và Philippines như đã cam kết. Philippines sẽ nhận gần 1,2 triệu liều vào giữa tháng 7 thay vì tháng này. Malayia cho biết đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Hồi tháng 5, nước này cho biết sẽ nhận 610.000 liều từ Thái Lan trong tháng 6 và 410.000 liều vào tháng 7.
Trước đó, Viện Serum Ấn Độ - một đối tác khác của AstraZeneca - cũng không thể xuất khẩu vaccine vì lệnh cấm của chính quyền New Delhi, khiến hàng loạt quốc gia nghèo như Nepal và Rwanda chật vật tìm nguồn cung mới.
Dòng người xếp hàng chờ đăng ký tiêm vaccine ở một địa điểm tại Bangkok. Ảnh: Bloomberg. |
Siam Bioscience là đối tác vaccine duy nhất của AstraZeneca tại Đông Nam Á, nơi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Riêng ở Thái Lan, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng trong hai tháng qua. AstraZeneca cũng đang đối mặt rắc rối ở châu Âu khi chỉ cung cấp 30 triệu liều cho EU trong quý I thay vì 120 triệu liều như đã hứa.
Công ty Anh - Thụy Điển nhận đặt hàng tới 3 tỷ liều hồi năm ngoái. Sự chậm chễ của AstraZeneca và các đối tác đẩy các quốc gia đang phát triển vào cảnh phải vội vã tìm kiếm nguồn cung mới. Nhiều nước đã đặt mua vaccine của hai công ty Trung Quốc Sinovac và Sinopharm dù hiệu quả của chúng thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các hãng dược phương Tây.
Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số tính đến cuối năm nay và quyết tâm mở cửa hoàn toàn nền kinh tế sau 120 ngày nữa. Chính quyền Bangkok đã đặt mua 20 triệu liều vaccine của Pfizer - BioNTech và đang đàm phán mua 5 triệu liều (tiêm một mũi) của Johnson & Johnson.
Vaccine của AstraZeneca thuộc vào loại rẻ nhất, bởi công ty này tuyên bố không kiếm lợi từ sản phẩm này. Giáo sư Carlos Cordon thuộc Viện Phát triển Quản lý (Thụy Sĩ) cho rằng “không có lãi” có thể là nguyên nhân khiến AstraZeneca và các đối tác sản xuất gặp khó trong việc duy trì chuỗi cung ứng.
“Một chút lợi ích kinh tế có thể khuyến khích các công ty trong chuỗi cung ứng của AstraZeneca tăng cường sản xuất”, ông Cordon nhận định.
Nhân viên y tế tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân tại một địa điểm ở Bangkok. Ảnh: Bloomberg. |
Đối tác của AstraZeneca tại Đông Nam Á cũng có vấn đề. Các đối tác châu Á của AstraZeneca đều rất có kinh nghiệm. Ví dụ Viện Serum Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới trong khi SK BioScience cũng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực vccine. Ngược lại, Siam Bioscience là “tay chơi” hoàn toàn mới.
Công ty này được thành lập vào năm 2009, chuyên sản xuất thuốc phiên bản chứ không có kinh nghiệm sản xuất vacine. Siam Bioscience cũng sản xuất bộ xét nghiệm Covid-19. Trước dịch Covid-19, Siam Bioscience kinh doanh lỗ 4 năm liên tiếp. Mãi đến năm 2020, công ty này mới đạt lãi ròng 1,1 triệu USD.
Hồi tháng 1, các quan chức Thái Lan tuyên bố Siam Bioscience sẽ sản xuất 200 triệu liều vaccine mỗi năm. Đến nay, họ không đưa ra thông báo gì thêm. Hồi đầu tuần, Thủ tướng Thái Lan chỉ lên tiếng xin lỗi về sự chậm chễ.
Một chuyên gia giấu tên trong lĩnh vực y tế tại Thái Lan mô tả Siam Bioscience là “một tiệm bánh mới lần đầu nướng bánh”. “Họ chưa rành kỹ thuật sản xuất vaccine”, ông nhấn mạnh.
Trong khi một số nước phương Tây như Mỹ đã bắt đầu mở cửa nhờ thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm chủng, phần lớn châu Á vẫn đang gồng mình chống dịch. Đến nay, Viện Serum Ấn Độ mới chỉ cung cấp 30 triệu liều vaccine AstraZeneca cho chương trình vaccine Covax dù vam kết 200 triệu liều.
“Châu Á - Thái Bình Dương cần phát triển thêm năng lực sản xuất vaccine. Hi vọng chính phủ các nước sẽ tăng cường đầu tư kể cả khi mối đe dọa từ dịch Covid-19 giảm đi”, giáo sư Nikolai Petrovsky thuộc Đại học Flinder (Australia) nhận định.