Ngày 13/5, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã đến làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình. Đoàn đã có mặt tại một số khu cách ly tập trung và địa điểm phong tỏa để kiểm tra tình hình phòng, chống dịch.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian qua, Thái Bình đã làm khá tốt việc truy vết, khoanh vùng và phát hiện ca bệnh. Tuy nhiên, ông Dương Trí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, nhận định việc cách ly tập trung tại tỉnh vẫn còn tồn tại một số vấn đề.
"Khi đến kiểm tra tại khu cách ly tập trung huyện Kiến Xương (Thái Bình), chúng tôi nhận thấy hơn 80 người nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo rất lớn", ông Nam cho hay.
Khu cách ly tập trung tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Phạm Thắng. |
Mặt khác, ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đánh giá hiện nay các ổ dịch tại Thái Bình được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, địa phương này vẫn phải điều tra kỹ, truy vết đến cùng với các trường hợp nguy cơ.
"Trong lúc này, chúng ta không được phép để sót bất kỳ ai. Nếu để ca bệnh lọt vào cộng đồng, tình hình từ không phức tạp hoàn toàn có thể nhanh chóng chuyển thành phức tạp", ông Dương nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng Thái Bình cần tiếp tục rà soát toàn bộ F1 của các ca mắc mới với tinh thần nhanh, triệt để nhất. Nguyên nhân là hiện nay, các F1 trở thành F0 rất nhanh, từ đó dễ dàng lây ra cộng đồng.
Theo ông Dương, phong tỏa không đơn thuần là lập chốt phòng vệ xung quanh. Việc này cần đạt được 2 mục tiêu gồm khóa chặt và dập tắt ổ dịch.
"Sau khi khóa chặt ổ dịch, chúng ta phải bảo vệ sức khỏe người dân ở trong đó, yêu cầu nhà cách ly với nhà, người cách ly với người, từ đó cắt được ổ dịch bên trong", ông Dương nói.
Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhận định công suất xét nghiệm hiện nay của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thái Bình với 300 mẫu/ngày là quá ít. Do dịch bệnh còn kéo dài, Thái Bình cần nhanh chóng củng cố công suất này bằng mọi biện pháp, kể cả mua thêm hay thuê thiết bị.
Tại các khu công nghiệp, ông Dương cũng đề xuất thành lập thêm các tổ an toàn Covid-19 trong xí nghiệp, công ty. Mỗi phân xưởng cần có ít nhất một tổ an toàn Covid-19 để đảm bảo virus không lây lan trong địa điểm này.
Tính đến 11h ngày 13/5, Thái Bình đã có 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả giải trình tự gene vừa qua cũng cho thấy virus đang xuất hiện ở Thái Bình là biến chủng từ Ấn Độ.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Qua đợt bùng phát dịch lần này, chúng ta nhận thấy vấn đề vẫn tồn tại là một số cơ quan, đơn vị, thậm chí một bộ phận người dân có dấu hiệu lơ là, chủ quan".
Ông Tuyên đề nghị Thái Bình tuyệt đối không được chủ quan, đồng thời huy động các cấp, ngành và toàn thể nhân dân vào cuộc. Việc mỗi cá nhân tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng là góp phần chống dịch. Bên cạnh đó, tỉnh cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu mỗi đơn vị, giao việc rõ người, phê bình xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.