Từ nhiều năm trước, Thaco đã đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ tại khu phức hợp cơ khí và ôtô Chu Lai - Trường Hải. Khu công nghiệp này có nhiệm vụ chính là sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất ôtô để cung cấp cho đối tác và xuất khẩu sang thị trường thế giới.
Hiện khu phức hợp có 5 nhà máy lắp ráp ôtô, 15 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện cơ khí, máy nông nghiệp… với dây chuyền thiết bị hiện đại, được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cảng Chu Lai là nơi sản xuất các sản phẩm xuất khẩu Thaco sang thị trường nước ngoài. |
Bên cạnh đó, Thaco cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực logistics, thành lập các công ty vận tải đường bộ, vận tải biển và cảng Chu Lai, nhằm cung cấp chuỗi dịch vụ logistics trọn gói, khai thác các tuyến hàng hải trực tiếp từ cảng biển Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Hoạt động này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Thaco và các doanh nghiệp trong khu kinh tế mở Chu Lai, cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Khu công nghiệp cơ khí và ôtô Chu Lai - Trường Hải. |
Trong bối cảnh thuế xuất nhập khẩu ôtô khu vực ASEAN đã về 0%, việc tăng năng lực sản xuất và tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, gia tăng xuất khẩu là con đường tất yếu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt với quy mô lớn và đáp ứng yêu cầu riêng lẻ của từng khách hàng, Thaco đầu tư xây dựng Trung tâm R&D nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm ôtô, linh kiện phụ tùng, thiết bị khác.
Song song đó, doanh nghiệp cũng xúc tiến liên doanh, liên kết với các đối tác để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tất cả nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và nhận hỗ trợ kỹ thuật sản xuất linh kiện phụ tùng của các loại xe tải, bus dựa trên công nghệ chuyển giao từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Robot sơn linh kiện nhựa là một trong những sản phẩm xuất khẩu của Thaco. |
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco cho biết: “Nội địa hóa là bài toán khó đối với doanh nghiệp ôtô, bởi vì nội địa hóa cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn, trong khi dung lượng thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, chỉ khi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm”.
Đối với Thaco, lộ trình nội địa hóa được thực hiện bài bản với các bước đi và giải pháp cụ thể. Công ty đã làm chủ công nghệ sản xuất linh kiện như kính, ghế, nhíp, dây điện, linh kiện cơ khí, nhựa, hệ thống máy lạnh, linh kiện composite...
Robot hàn ống xả ôtô là sản phẩm xuất khẩu của Tổ hợp cơ khí Thaco. |
Hiện nay, các sản phẩm ôtô do Thaco sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 15-25% đối với xe con, 35-45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus. Trong đó, xe bus Thaco đã được xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines và tiếp đến là Campuchia, Singapore và Đài Loan. Doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu mẫu Kia Sedona sang Thái Lan, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe du lịch Mazda và Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020.
Sản phẩm máy nông nghiệp đã được Thaco sản xuất từ năm 2017, trong đó sẽ nội địa hóa dòng máy kéo KAM50, bước đầu sẽ tự sản xuất nội địa tại Chu Lai gần 200 chi tiết linh kiện với tỷ lệ nội địa hóa 50%.
Nội địa hóa chính là chìa khóa giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành ôtô có thể làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ chủ động được nguồn cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng phục vụ sản xuất và gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.