Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Tham gia diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”, nhiều chuyên gia nhấn mạnh các thách thức của quá trình chuyển dịch năng lượng.

Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội, quy tụ các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực năng lượng. Diễn đàn có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) và các đơn vị khác. Trọng tâm các phiên thảo luận xoay quanh những khó khăn và giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Chuyen doi nang luong,  PVOIL anh 1

Toàn cảnh diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Hoàng Lương (Giám đốc Viện khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản) cho biết kết cấu hạ tầng năng lượng điện Việt Nam không giống các nước trên thế giới. Để đạt mục tiêu cung ứng phụ tải hàng năm, điện than là nguồn năng lượng không thể thay thế.

Mặt khác, thời gian vận hành của các nhà máy nhiệt điện tại Mỹ là khoảng 40 năm, đạt chỉ tiêu khấu hao tài sản và có thể đầu tư mới. Riêng ở một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ…, các nhà máy chỉ vận hành được 10-15 năm. Vì vậy, việc chuyển đổi phải được nghiên cứu bài bản, đảm bảo mục tiêu lợi ích kinh tế, nhất là cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội chung.

Chuyen doi nang luong,  PVOIL anh 2

PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.

Còn theo ông Hà Đăng Sơn (Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam USAID V-LEEP II) - quá trình chuyển dịch năng lượng cần có lộ trình rõ ràng, ưu tiên an ninh năng lượng.

Để làm rõ vấn đề này, vị chuyên gia nêu ra 4 vấn đề mấu chốt: Các nguồn nhiên liệu cung cấp cho dây chuyền sản xuất năng lượng mới; khả năng tiếp cận nguồn năng lượng ở địa phương; chi phí thành phẩm được đa số chấp nhận; sự chấp nhận của thị trường.

Chuyen doi nang luong,  PVOIL anh 3

Ông Hà Đăng Sơn - Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP II).

Dù thế giới có xu hướng chuyển dịch sang các dạng năng lượng thân thiện với môi trường (như điện gió, điện mặt trời và đặc biệt là khí hydro), tại Việt Nam, điện than vẫn nắm vai trò nền tảng. Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, các dự án sử dụng năng lượng điện than sẽ giảm bớt và cuối cùng được thay thế hoàn toàn.

Theo các chuyên gia, mục tiêu này có rất nhiều vấn đề để bàn luận. Theo ông Sơn, để chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn, Việt Nam phải nghiên cứu lộ trình cụ thể.

“Thay đổi thế nào? Quá trình chuyển đổi ra sao? Tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ là bao nhiêu? Hay Việt Nam cứ thực hiện theo Net zero - phát thải bằng không? Tôi cho rằng, chúng ta cần tỉnh táo và cân nhắc trên phương diện nghiên cứu khoa học”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Mộc Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm