Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cấp cao của của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN. |
Việt Nam đang quyết tâm áp dụng các biện pháp quyết liệt không chỉ để phục hồi nền kinh tế mà còn để thực hiện các ưu tiên phát triển.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phỏng vấn ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, về những giải pháp Việt Nam có thể tiến hành để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Đánh giá về tình hình kinh tế hiện nay và những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.
Tỷ lệ nghèo đa chiều dựa trên thu nhập và mức độ người dân được tiếp cận các dịch vụ và tiện ích cơ bản đã giảm hơn một nửa từ năm 2016 đến năm 2022, từ 9,2% xuống còn 4,3% dân số.
Những thành tựu này Việt Nam đã đạt được bất chấp thời gian bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 xảy ra, cũng như những tác động của đại dịch đối với việc làm và thu nhập của người dân.
Theo ông, Việt Nam cần cải thiện thêm một số Mục tiêu Phát triển Bền vững, ví dụ bình đẳng giới và bảo vệ môi trường. Tỷ lệ giới tính khi sinh vào năm 2022 là 111,5 bé trai trên 100 bé gái do việc lựa chọn giới tính trước sinh vẫn phổ biến.
Ông cho biết thêm thách thức phát triển lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là biến đổi khí hậu.
Là một quốc gia có đường bờ biển dài và hai vùng đồng bằng thấp, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia dễ tổn thương nhất trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn có thể buộc hàng triệu người dân phải di dời.
Việt Nam sẽ cần phải đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi bão lụt.
Hiện chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng than đá vào những năm 2040.
Quá trình chuyển đổi này sẽ mang lại lợi ích kinh tế bao gồm an ninh năng lượng và không khí sạch hơn, và chứng chỉ xanh của Việt Nam sẽ giúp tăng cường các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD. Huy động tài chính với quy mô này là một thách thức chưa từng có.
Các công cụ tài chính truyền thống như trái phiếu chính phủ, ngân hàng thương mại và viện trợ phát triển quốc tế sẽ không đủ.
Việt Nam cần đổi mới để tạo ra thị trường tài chính trong nước quy mô lớn hơn và sử dụng ngân sách Nhà nước để tham gia vào lĩnh vực đầu tư tư nhân, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước.
Việt Nam cũng có các chương trình hỗ trợ xã hội đã được triển khai nhằm giúp đỡ các cá nhân và hộ gia đình nghèo, dễ tổn thương, bao gồm trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.
Tuy nhiên, việc chi tiêu của Việt Nam cho hỗ trợ xã hội chỉ chiếm 0,7% GDP, thấp hơn so với các nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mức hỗ trợ cũng thấp, cả về mặt tuyệt đối và so với các nước khác cùng thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp.
UNDP đã đề xuất Việt Nam cần áp dụng chính sách phổ cập trợ cấp cho trẻ em và hưu trí xã hội nhằm đảm bảo tất cả công dân Việt Nam đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển, cũng như tăng cường khả năng chống chịu của các hộ gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi trước tình trạng thu nhập giảm đi do khó khăn kinh tế, tình hình khẩn cấp về sức khỏe như Covid-19 và các rủi ro khác.
Cũng theo ông Pincus, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ tạo ra lợi ích nhưng cũng đồng thời gia tăng chi phí kinh tế đáng kể cho mọi hoạt động, ngành, khu vực của đất nước.
UNDP đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tìm hiểu những tác động xã hội và kinh tế của biến đổi khí hậu, quá trình chuyển đổi năng lượng, xác định các chính sách và chương trình nhằm bảo vệ người dân và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Về kế hoạch của UNDP nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra, ông cho biết UNDP hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác khác để trợ giúp sự phát triển kinh tế bền vững và bao trùm, giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy cải thiện chất lượng quản trị và tiếp cận công bằng cho công dân Việt Nam.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.