Sáng 10/5, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận quyết định điều động giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM thay ông Đinh La Thăng. Nhiều trí thức TP.HCM gọi đây là sự kiện "trở về mái nhà xưa" của ông Nguyễn Thiện Nhân.
Từ Áo, PGS.TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) dành cho Zing.vn một cuộc trò chuyện về những kỳ vọng và thách thức đối với tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
- Ông đánh giá như thế nào về những thách thức mà thành phố đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước TP.HCM đặt ra cho tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân?
- TP.HCM là thành phố động lực kinh tế cho cả nước, đương nhiên, nó đòi hỏi một Bí thư Thành ủy có tầm nhìn tương xứng với yêu cầu đó. Điều trước mắt và cũng quan trọng nhất là phải làm cho thành phố đi đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) hiện nay.
TP.HCM phải giành lấy vị trí mà nó đáng ra phải có ở Đông Nam Á. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân với tất cả nền tảng đã có hoàn toàn đáp ứng yêu cầu này.
Tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Một số chuyên gia đánh giá với nền tảng học vấn được đào tạo tại Đức và Mỹ, phong cách điều hành của tân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân sẽ theo trường phái kỹ trị. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng nói như vậy không chính xác lắm! Không nên đặt vấn đề "kỹ trị" hay không mà chỉ có thể nói là anh Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn có thể nắm được yêu cầu và đòi hỏi của thế giới, nhất là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế. Cùng với tập thể lãnh đạo TP.HCM, anh sẽ biết cách đưa thành phố tiến mạnh.
- Theo quan điểm của ông, sự trở về của ông Nguyễn Thiện Nhân trên cương vị tân Bí thư Thành ủy có ý nghĩa như thế nào đối với đông đảo người dân TP, đặc biệt với tư thế người ra đi từ TP.HCM, am hiểu TP.HCM?
- Anh Nhân có những năm tháng khá dài ở TP và đã làm được nhiều điều có ý nghĩa. Anh cũng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của Đảng bộ và nhân dân TP. Tôi tin rằng TP.HCM luôn đòi hỏi người đứng đầu phải thật hiểu và sống chết với thành phố này.
- Tân Bí thư chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục. Trong khi đó, TP có nhiều vấn đề cấp bách khác như giao thông, ngập nước... Điều này sẽ thách thức ông Nguyễn Thiện Nhân như thế nào?
- Chúng ta nên nhớ một điều rằng muốn phát triển đất nước thành công phải dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật. Những vấn đề như giao thông, ngập nước sao có thể giải quyết được nếu không dựa vào khoa học, kỹ thuật.
Giới trí thức TP.HCM, đặc biệt trong ngành giáo dục, hy vọng vào anh Nhân rất nhiều. Tôi tin rằng giáo dục TP.HCM đang bắt đầu có thời cơ mới.
- Cá nhân ông đánh giá thế nào về tân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân dưới góc độ con người đời thường?
- Tôi không dám nói mình là người hiểu anh Nguyễn Thiện Nhân. Lãnh đạo cao cấp thường không dễ hiểu đâu. Với những gì tôi biết, tôi nghĩ rằng anh ấy là một người có tâm, quan hệ với bạn bè, đồng chí rất chân tình.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM:
Kỳ vọng ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ là lãnh đạo theo hướng kỹ trị
Theo tôi ông Nguyễn Thiện Nhân có thế mạnh là một nhà khoa học và ông cũng học tại Harvard về kinh tế. Với một thành phố đang cần phát triển mạnh mẽ như TP.HCM, rất cần đổi mới phương thức quản lý theo hướng quản lý theo luật. Một lãnh đạo có thế mạnh theo hướng kỹ trị như vậy có thể thúc đẩy sự phát triển của TP.
Mặt khác, ông Nhân có thế mạnh trong khả năng tạo các mối quan hệ trong và ngoài nước. Ông có thể huy động được nguồn lực cho thành phố. Bởi vì TP muốn phát triển, đột phá, cần nguồn lực rất lớn.
Để giải quyết hai vấn đề được coi là vấn nạn của TP.HCM là tắc nghẽn giao thông và ngập nước, tôi cho rằng cũng đòi hỏi phương thức quản lý mang tính kỹ trị. Ông Nhân có khả năng tiếp cận theo hướng kỹ trị hơn là phong trào.
Tuy có thời gian ông chuyển qua mặt trận hoạt động phong trào nhưng về bản chất ông vẫn là một nhà khoa học có xu hướng kỹ trị hơn. Nếu theo hướng đó, 7 chương trình trọng điểm của TP sẽ được vạch rõ bước đi, về chương trình cụ thể và có khả năng sẽ thực hiện tốt hơn.